Bảo tồn các di sản: Không thể chậm trễ!
Di sản văn hóa của mỗi dân tộc kết đọng những chân giá trị của quá trình sáng tạo văn hóa, là những biểu hiện khách quan của truyền thống lịch sử và đặc thù dân tộc. Ở đó, theo GS.TS Trương Quốc Bình - Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia - các di sản văn hóa không chỉ là những tài sản vô giá của mỗi quốc gia, mà còn là tài sản chung của nhân loại, bởi vậy việc bảo vệ di sản là không thể chậm trễ.
Tự hào Di sản Việt Nam
Di sản văn hóa của mỗi dân tộc kết đọng những chân giá trị của quá trình sáng tạo văn hóa, là những biểu hiện khách quan của truyền thống lịch sử và đặc thù dân tộc. Mặt khác, mọi sự sáng tạo văn hóa đều có mối liên hệ trực tiếp và không ngừng đối với tự nhiên, đặc biệt là môi trường thiên nhiên mà mỗi dân tộc - hay các dân tộc - hình thành, tồn tại và phát triển.
Ngày nay, di sản phải được hiểu bao gồm tất cả các thành phần tự nhiên và văn hóa, vật thể và phi vật thể... Với những cách hiểu mới này thì các thành phần tự nhiên, các thắng cảnh thiên nhiên được gọi chung là di sản thiên nhiên, có những vai trò cực kỳ quan yếu trong đời sống và sự phát triển của nhân loại. Và, cũng với ý nghĩa này, các di sản thiên nhiên là bộ phận hữu cơ của kho tàng di sản của nhân loại, gắn liền với sự sáng tạo văn hóa của con người, đồng thời là đối tượng quan trọng của sự nghiệp bảo vệ và phát huy các di sản mà thiên nhiên cùng người chủ vĩ đại của nó - là con người - đã tạo ra trong quá khứ.
Việt Nam là vùng đất có bề dày lịch sử và nền văn hóa đa dạng. Ở các hạng mục như Di sản thiên nhiên, Di sản văn hóa vật thể - phi vật thể, Di sản tư liệu của nhân loại do UNESCO bình chọn có thể kể đến như Vịnh Hạ Long, Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng, Khu đền Tháp Mỹ Sơn, Đô thị Hội An, Quần thể di tích cố đô Huế… Và sau khi được UNESCO vinh danh ở tầm thế giới thì các di sản đều có được sức sống mới, sôi động hơn. Đó là niềm tự hào của Việt Nam trong quá trình hội nhập cùng thế giới.
Thách thức trong công tác bảo tồn
Do vị trí quan yếu của các di sản văn hóa, từ lâu nay, mỗi quốc gia , mỗi dân tộc đều coi bảo vệ và phát huy các giá trị của các di sản như một trong những trách nhiệm và nghĩa vụ cao cả của mình.
Tuy nhiên, các di sản văn hóa và thiên nhiên đã và vẫn đang thường xuyên đứng trước những nguy cơ bị hủy hoại do những tác động của thiên nhiên và con người. Bão lụt, động đất, núi lửa, mưa nhiều, độ ẩm cao, sự biến đổi về nhiệt độ, sự phá hủy của các loài động thực vật... cùng các hành động vô thức và hữu thức của con người, đặc biệt là chiến tranh cùng những mặt trái của cuộc cách mạng công nghiệp trên thế giới từ vài thế kỷ nay đã và đang làm ô nhiễm và tàn hủy môi trường; sự đô thị hóa và sự phát triển du lịch thiếu sự kiểm soát; nạn đào bới, ăn cắp, buôn bán, xuất khẩu trái phép cổ vật... là những nguy cơ mang tính toàn cầu, dẫn đến những hậu quả khôn lường, đe dọa sự tồn vong của không ít các di sản của các quốc gia dân tộc.
Xuất phát từ kinh nghiệm thực tiễn và nhu cầu của công cuộc bảo vệ và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa của các quốc gia, đồng thời, ý thức sâu sắc về những nguy cơ trên phạm vi thế giới và trách nhiệm quốc tế trong lĩnh vực này, trong gần 70 năm tồn tại và phát triển, UNESCO đã không ngừng quan tâm đến việc bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa.
Theo quy định của Công ước, Ủy ban Di sản Thế giới gồm đại diện của 21 nước thành viên tham gia Công ước được thành lập để xem xét đánh giá theo những tiêu chí cụ thể, nhằm xác định những giá trị toàn cầu nổi bật của các di sản văn hóa và thiên nhiên tiêu biểu nhất của các quốc gia để đưa vào Danh mục Di sản Thế giới, đồng thời thường xuyên xem xét nội dung và hiệu quả của công tác quản lý bảo vệ và phát huy các di sản này. Cũng theo quy định của Công ước, các quốc gia tự lựa chọn và xây dựng các hồ sơ khoa học về các di sản tiêu biểu của mình để đăng ký đưa vào Danh sách các Di sản Thế giới. Chính sự lựa chọn và quyết định này là sự cam kết về trách nhiệm của mỗi quốc gia trong việc quản lý, bảo vệ và phát huy các di sản ấy - một bộ phận của di sản chung của nhân loại.
Từ sau ngày Việt Nam chính thức tham gia UNESCO đến nay, vấn đề bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa đã, đang và vẫn là một trong những mối quan tâm hàng đầu của sự hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và UNESCO. Cuộc vận động quốc tế giúp đỡ Việt Nam bảo tồn các di sản văn hóa Huế do UNESCO phát động tại Hà Nội từ năm 1981 đã thu được những hiệu quả hết sức đáng khích lệ, vừa chứng tỏ những hiệu quả ủng hộ, giúp đỡ của UNESCO dưới mọi hình thức, vừa chứng minh cho những nỗ lực tự thân và sự sử dụng có hiệu quả mọi sự trợ giúp quốc tế của Việt Nam.
Với tư cách là nước tham gia Công ước 1972 (phê chuẩn tháng 10/1987), Việt Nam đã và đang tích cực thực hiện những trách nhiệm của quốc gia thành viên để tranh thủ tối đa sự hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn các di sản văn hóa và thiên nhiên của dân tộc mình, đặc biệt là các Di sản Thế giới tại Việt Nam.
Cho đến nay, có 8 Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới tại Việt Nam đã được công nhận là: Quần thể di tích cố đô Huế thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế (công nhận năm 1993); Khu thắng cảnh Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Ninh (công nhận năm 1994, bổ sung năm 2000); Khu thánh địa Mỹ Sơn; Khu phố cổ Hội An thuộc tỉnh Quảng Nam (công nhận cuối năm 1999); Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (công nhận về giá trị địa chất tháng 7/2003 và giá trị đa dạng sinh học năm 2015); Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội (công nhận 2010); Thành Nhà Hồ, Thanh Hóa (công nhận 2012) và Khu danh thắng Tràng An, Ninh Bình (công nhận năm 2014).
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa/bao-ton-cac-di-san-khong-the-cham-tre-tintuc454238