Bảo tồn các loài động, thực vật rừng quý hiếm
Rừng tự nhiên của Hà Nam chủ yếu là rừng phòng hộ, núi đá, có diện tích gần 3.000 ha. Tại đây có nhiều loài động, thực vật quý hiếm; trong đó có loài nằm trong sách đỏ nguy cấp cần được bảo vệ. Theo đánh giá của Tổ chức Bảo tồn động, thực vật hoang dã quốc tế (FFI): Rừng Hà Nam rất đa dạng về hệ động, thực vật. Có nhiều loài đặc hữu cần được bảo tồn và phát triển. Nhất là tăng cường công tác bảo vệ, ngăn chặn tình trạng săn, bắt, khai thác trái phép…
Rừng tự nhiên của Hà Nam chủ yếu là rừng phòng hộ, núi đá, có diện tích gần 3.000 ha. Tại đây có nhiều loài động, thực vật quý hiếm; trong đó có loài nằm trong sách đỏ nguy cấp cần được bảo vệ. Theo đánh giá của Tổ chức Bảo tồn động, thực vật hoang dã quốc tế (FFI): Rừng Hà Nam rất đa dạng về hệ động, thực vật. Có nhiều loài đặc hữu cần được bảo tồn và phát triển. Nhất là tăng cường công tác bảo vệ, ngăn chặn tình trạng săn, bắt, khai thác trái phép…
Với cây chè hoa vàng tại rừng của tỉnh, có tên khoa học là Camellia Flava Sealy, được liệt vào sách đỏ thế giới ở mức cực kỳ nguy cấp. Qua điều tra sơ bộ, hiện nay quần thể chè hoa vàng có chủ yếu ở rừng của huyện Kim Bảng. Loài cây này phân bố theo từng khu vực và mọc rải rác thành từng cụm với một số cây mẹ và những cây con. Thực tế, cây chè hoa vàng tại đây đang đối diện với rất nhiều mối đe dọa trong việc khai thác và sử dụng với mục đích khác nhau.
Thời gian qua, Hạt kiểm lâm liên huyện Kim Bảng – Thanh Liêm phát hiện ngăn chặn và xử lý một số vụ người dân vào rừng khai thác trái phép cây chè hoa vàng. Gần nhất, đơn vị phát hiện một hộ gia đình thuộc thôn Do Lễ, xã Liên Sơn đang ươm trong vườn gần 200 cây chè hoa vàng có đường kính thân gốc từ 4 – 10 cm, giao cho chính quyền địa phương xử lý theo quy định. Được biết, chè hoa vàng là loại thảo dược quý, lá chè hoa vàng uống có tác dụng điều chỉnh các chất béo trong cơ thể, lượng đường trong máu, giải độc gan và thận.
Cán bộ Hạt kiểm lâm liên huyện Kim Bảng - Thanh Liêm kiểm tra cây chè hoa vàng ươm trước khi đưa trồng trở lại rừng. Ảnh: Thành Nam
Thời gian qua, tổ chức FFI đã phối hợp với Hạt kiểm lâm liên huyện Kim Bảng – Thanh Liêm tổ chức các đợt khảo sát cây chè hoa vàng tại rừng Kim Bảng. Đồng thời, hỗ trợ thành lập Tổ bảo tồn chè hoa vàng với 4 thành viên. Nhiệm vụ của Tổ bảo tồn chè hoa vàng vào rừng lấy hạt, cây con về ươm, sau đó đưa trở lại trồng trong rừng ở những nơi không phân bố. Thời gian hoạt động bảo đảm 15 ngày công/tháng, Tổ chức FFI hỗ trợ chi trả 470 nghìn đồng/ngày công (tương đương khoảng 7 triệu đồng/tháng). Chỉ trong 5 tháng hoạt động, Tổ bảo tồn chè hoa vàng đã lấy và ươm được khoảng 10 nghìn cây giống. Đồng thời, đưa trồng trở lại rừng hơn 1 nghìn cây. Cùng với đó, có 12 biển báo, biển cấm được đặt tại các lối đi vào các khu rừng để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng bảo tồn cây chè hoa vàng.
Đối với động vật, nổi bật nhất là loài voọc mông trắng nằm trong sách đỏ thế giới ở mức cực kỳ nguy cấp. Hiện nay, voọc mông trắng trên thế giới chỉ còn phân bố tại Khu bảo tồn Vân Long (Ninh Bình) và tại rừng Kim Bảng. Tổ chức FFI cũng đã phối hợp với Hạt kiểm lâm Kim Bảng trước đây và Hạt kiểm lâm liên huyện Kim Bảng – Thanh Liêm hiện nay điều tra, bảo vệ. Ngay từ năm 2016, Tổ bảo tồn cộng đồng được thành lập ban đầu với 6 thành viên và được duy trì đến nay. Tổ chia thành các nhóm vào rừng, mỗi thành viên bảo đảm 22 ngày công/tháng. Nhiệm vụ chính, theo dõi, điều tra số lượng, cũng như bảo vệ, ngăn chặn các hoạt động săn bắt động vật trái phép, trong đó có voọc mông trắng. Tổ được trang bị đầy đủ quần áo bảo hộ, ống nhòm, máy ảnh, máy định vị GPS… Đồng thời, thường xuyên được cán bộ của tổ chức FFI tập huấn công tác bảo tồn động vật, kể cả việc đặt bẫy ảnh để điều tra về số lượng, tập quán sinh sống của voọc mông trắng. Hoạt động của Tổ bảo tồn cộng đồng đã đem lại hiệu quả rõ rệt góp phần ngăn chặn nhiều hoạt động vào rừng bẫy thú trái phép. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay, tổ đã thu, gỡ trong rừng được gần 100 bẫy thú các loại. Được biết, đàn voọc mông trắng hiện đã có 103 con, tăng khoảng 60 con so với năm 2016. Như vậy, số lượng voọc mông trắng đã tăng lên rất nhiều sau khi công tác bảo tồn được triển khai.
Công tác bảo tồn các loài động, thực vật rừng quý hiếm trên địa bàn đang có những chuyển biến tích cực. Tỉnh ta đang tiến hành thành lập khu bảo tồn loài và sinh cảnh voọc mông trắng tại vùng rừng huyện Kim Bảng có diện tích 2.700 ha. Đây cũng là vùng sinh sống chủ yếu của các loài động, thực vật đặc hữu, trong đó có cây chè hoa vàng. Ông Đỗ Mạnh Hùng, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm liên huyện Kim Bảng – Thanh Liêm đánh giá: Việc bảo tồn các loài động, thực vật rừng quý hiếm được hỗ trợ tích cực từ tổ chức FFI đang phát huy tốt hiệu quả. Các đối tượng động, thực vật quý hiếm được lựa chọn bảo tồn từng bước tăng về số lượng, quần thể…
Bảo tồn các loài động, thực vật quý hiếm là nhiệm vụ quan trọng và tất yếu, giúp gìn giữ vốn quý tài nguyên rừng. Đây là điều kiện góp phần phát triển du lịch sinh thái, do đó rất cần sự quan tâm tổ chức, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp của các cấp, ngành chức năng trong tỉnh; đồng thời, cần tiếp tục có sự phối hợp của Tổ chức FFI trong công tác chuyên môn. Cùng với đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ rừng hiệu quả, bền vững.