Bảo tồn các trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc

Trong kho tàng văn hóa dân gian nước ta, trò chơi dân gian có vị trí quan trọng tạo nên diện mạo văn hóa truyền thống dân tộc. Các trò chơi dân gian của cộng đồng các dân tộc mang giá trị nhân văn, nhân bản, thể hiện tinh thần thượng võ, năng động và mưu trí của đồng bào dân tộc trong các hoạt động đời sống. Thực hiện Chương trình MTQG về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bảo tồn và phát huy các giá trị của trò chơi dân gian trong đời sống đồng bào dân tộc hiện nay góp phần vào việc giáo dục con người, đồng thời giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Vào các dịp lễ hội, đồng bào dân tộc Thái tổ chức trò chơi thi ném còn (Ảnh internet)

Các trò chơi dân gian dân tộc như: bắn nỏ, ném còn, ném pao, tù lu... tồn tại từ lâu và trải dài cùng lịch sử của dân tộc. Ngày nay, các trò chơi này được sử dụng để thi đấu trong các ngày hội, ngày xuân, vui chơi và được coi là hoạt động không thể thiếu trong đời sống đồng bào dân tộc.

Bắn nỏ là trò chơi tiêu biểu cho truyền thống thượng võ của đồng bào các dân tộc thiểu số. Việc sử dụng nỏ để săn bắt giờ không còn phù hợp, nhưng như để nhắc lại truyền thống đấu tranh sinh tồn của tổ tiên, nên vào những dịp lễ hội, các cuộc thi bắn nỏ lại được tổ chức để tưởng nhớ về cội nguồn dân tộc.

Tại tỉnh Lai Châu, bắn nỏ được tổ chức vào các dịp lễ hội hàng năm từ tỉnh tới cơ sở với sự tham gia của đông đảo đồng bào dân tộc trên địa bàn. Trong những ngày đầu xuân, các địa phương đều tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, trong đó có cuộc thi bắn nỏ. Không chỉ vậy, bắn nỏ còn được tổ chức vào các ngày quan trọng của thôn, xóm như ra mắt làng văn hóa, hay các sự kiện nhân các ngày lễ lớn trong năm, các giải thể thao thu hút đồng bào tham gia.

Để làm nỏ, người ta phải cất công tìm gỗ làm nỏ, cây gai làm dây cung và mũi tên được đẽo gọt tỉ mỉ. Người bắn phải tập luyện thường xuyên cho tay khỏe và đôi mắt tinh nhanh. Người bắn nỏ đòi hỏi phải có thần kinh khỏe, tâm lý bình tĩnh để giương cánh cung ngắm bắn chính xác vào tiêu điểm. Đây là bộ môn đòi hỏi kỹ thuật, tính chính xác cao và sức mạnh.

Ném còn là trò chơi dân gian có từ lâu đời của dân tộc Thái, thường được tổ chức vào những ngày tết, ngày hội trong không khí náo nhiệt, vui tươi. Phụ nữ Thái làm quả còn bằng những mảnh vải vụn cắt thành hình ô vuông, có cạnh khoảng 18cm, gấp chéo 4 góc vào nhau, bên trong nhồi bằng hạt bông hay hạt thóc. Dây còn cũng được khâu bằng vải, dài độ nửa sải tay, một đầu đính vào điểm tâm giao của hình vuông quả còn. Tua được làm bằng vải vụn, đủ màu sắc, sau đó đính vào 4 góc quả còn và đính so le điểm trên dây còn, tạo thành biểu tượng như hình con rồng bay. Tiếng Thái gọi ném còn là "con cuống", mang niềm tin gửi gắm nơi con rồng đem lại sự phồn thịnh, hạnh phúc.

Trò chơi ném còn được tổ chức trên bãi đất bằng phẳng. Thanh niên nam nữ chưa vợ, chưa chồng thì chơi theo tục tỏ tình, giao duyên. Tục này thường diễn ra vào dịp xên bản, xên mường, ngày xuân. Trai gái ăn mặc chỉnh tề với trang phục truyền thống, các cô gái chọn một bãi đất bằng phẳng để rủ các chàng trai ra chơi còn. Nam đứng một bên, nữ đứng một bên, lúc đầu còn tung sang nhau ngẫu hứng, sau thì trai gái phải lòng nhau tự khắc ném còn cho nhau. Hình thức này sau cùng là chơi từng đôi một, thông qua hội tung còn nhiều đôi trở thành vợ, thành chồng. Trò chơi ném còn vừa mang tính văn hóa lại vừa mang tính thể thao, rèn luyện sự tinh tế, khéo léo khi tung, khi bắt với tinh thần giao lưu, đoàn kết, vui vẻ.

Trải nghiệm đi cà kheo hấp dẫn các du khách (Ảnh minh họa)

Đi cà kheo là hoạt động thường thấy ở xã Hà Tây (huyện Chư Păh, Gia Lai), nơi có nhà rông truyền thống lớn nhất Tây Nguyên còn lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa, bản sắc của người địa phương. Du khách đến đây không chỉ đắm say trong thanh âm cồng, chiêng dưới mái nhà rông làng Kon Măh, mà đặc biệt hấp dẫn là những màn biểu diễn đi cà kheo của thanh thiếu niên vào mỗi chiều.

Tiếng Ba Na gọi cà kheo là xing xơng. Chuyện kể rằng, thời xa xưa, bà con trong làng đi làm trên nương rẫy sợ rắn, rết cắn nên đi cà kheo để tránh. Vì thế người Ba Na ở đây đều biết đi cà kheo. Sau này, nương rẫy được phát quang, đường đi thông thoáng, ít người dùng cà kheo đi rẫy, nhưng người làng vẫn đi cà kheo như là một môn thể thao rèn luyện sức khỏe và sự khéo léo, đồng thời loại hình trò chơi này cũng làm tăng tinh thần tập thể, gắn kết trong cộng đồng.

Đánh cù (đồ lộ) là trò chơi dân gian của nhiều dân tộc, trong đó có dân tộc Hà Nhì. Đây là trò chơi chỉ dành riêng cho nam giới, vừa là trò chơi có tính thể thao, vừa là dịp để các chàng trai thể hiện tài năng, sự khéo léo, hào hứng trong cách chơi. Trò chơi thường được diễn ra trong các dịp lễ hội, tết… của đồng bào dân tộc Hà Nhì.

Quả cù được các chàng trai đẽo từ những loại gỗ đặc, cứng (đinh, nghiến) có đường kính khoảng 10 cm, quả cù có hình dạng khối chóp nón, đáy của hình chóp không có cuống cù như của một số dân tộc khác. Cù được quay bằng một sợi dây dài khoảng 2m, một đầu buộc vào một khúc gậy nhỏ dài khoảng 40cm. Mỗi khi chơi xong, quả cù sẽ được các chàng trai dân tộc Hà Nhì cất đi để đến hội sau lại đem ra chơi. Đánh cù cũng là lúc các chàng trai thể hiện sức mạnh và sự quyết đoán với mọi người. Cách chơi của các chàng trai trở thành một trong những tiêu chí của đồng bào dân tộc Hà Nhì để lựa chọn và gửi gắm trọng trách những công việc chính trong bản.

Ném Pao là trò chơi dân gian đặc sắc của người Mông. Đây là một trong những trò chơi không thể thiếu trong những ngày hội truyền thống, lễ tết của người Mông và là trò chơi chủ đạo trong các lễ hội: Nào Sồng, Cúng bản, Gầu tào.

Quả Pao của người Mông được khâu nối bằng các miếng vải lanh thành trái tròn, to bằng quả cam rồi nhồi hạt lanh hoặc bông vải vào bên trong. Các thiếu nữ Mông rất sáng tạo dùng vải thổ cẩm của người Thái, chắp ghép những mảnh vải nhiều màu khác nhau lại và dùng lụa tơ tằm để tạo sắc màu cũng như sự mềm mại cho quả Pao. Qua đó, các chàng trai Mông đi tìm vợ thì nhìn quả Pao cũng có thể biết được khả năng dệt vải, thêu thùa của cô gái. Quả Pao tốt thì các đường khâu phải kín, khi cầm quả Pao không được cứng hoặc mềm quá, người phụ nữ Mông giỏi giang, đảm đang thì phải biết làm quả Pao tốt.

Trong những lễ hội, người dân tộc Mông tổ chức chơi ném Pao ở những khu đất rộng và tương đối bằng phẳng. Để tham gia trò chơi, người chơi chia làm 2 đội, bên nam và nữ với khoảng cách 5-7m. Tài khéo léo của người ném Pao là không để cho Pao rơi xuống đất và được giao ước với nhau bằng về số lần ném, số lần bắt được Pao. Trò chơi ném Pao thu hút đông đảo nam nữ tham gia, nhất là trong những ngày tết cổ truyền của người Mông, trong dịp này, trai gái có điều kiện vui chơi, tìm hiểu bạn đời. Khi tham gia các lễ hội, các cô gái Mông thường mang theo những quả Pao, như đồ trang sức không thể thiếu với mong muốn sẽ tìm được một người đàn ông phù hợp với mình.

Trong xu thế hội nhập hiện nay do nhiều yếu tố khác nhau, các giá trị văn hóa truyền thống nói chung và các môn thể thao, trò chơi dân gian nói riêng đang có nguy cơ bị mai một. Do đó, việc bảo tồn và lưu giữ những trò chơi dân tộc, đồng thời phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc đã và đang được các địa phương quan tâm thực hiện, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc.

Đỗ Thụy

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/dai-doan-ket/bao-ton-cac-tro-choi-dan-gian-cua-dong-bao-dan-toc-54978.html