Bảo tồn chè Shan tuyết cổ thụ Hà Giang

BHG - Là tỉnh có diện tích chè Shan tuyết lớn nhất cả nước, trong đó có trên 7.000 ha là diện tích chè Shan cổ thụ hàng trăm năm tuổi, được các nhà khoa học đánh giá là một trong những thủy tổ của cây chè, mang nhiều nguồn gen quý hiếm. Bảo tồn và phát triển bền vững cây chè Shan tuyết cổ thụ là nhiệm vụ cấp thiết của tỉnh.

Công bố quần thể cây chè Shan tuyết cổ thụ Hà Giang là cây Di sản.

Công bố quần thể cây chè Shan tuyết cổ thụ Hà Giang là cây Di sản.

Hiện nay toàn tỉnh có trên 20.300 ha chè các loại. Trong đó, diện tích chè Shan tuyết 18.657 ha chiếm trên 90% diện tích; chè Shan tuyết cổ thụ có độ tuổi hàng trăm năm là 7.000 ha. Cây chè Shan tuyết được phân bố ở 11/11 huyện, thành phố trong tỉnh, trong đó 5 huyện: Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì và Xín Mần có diện tích lớn nhất.

Theo đánh giá của các chuyên gia, cây chè Shan tuyết ở Hà Giang là loại chè sạch, được trồng ở độ cao từ 800 m trở lên so với mực nước biển, nơi có khí hậu mát mẻ quanh năm. Đây là môi trường sinh trưởng tự nhiên, sạch và hoàn toàn không có tác nhân chăm sóc, tạo ra nguồn nguyên liệu tuyệt vời và quý hiếm cho những ấm chè đặc sản. Giống chè Shan tuyết Hà Giang chủ yếu là 2 giống Shan tuyết lá to và Shan tuyết lá nhỏ (chè Shan lá nhỏ chỉ có diện tích khoảng trên 250 ha tập trung tại huyện Đồng Văn); đây thường là những cây chè cổ thụ có tuổi đời vài chục năm hay đến vài trăm năm và được đánh giá là một trong những thủy tổ của cây chè, mang nhiều nguồn gen quý hiếm. Năng suất chè Shan tuyết của tỉnh bình quân giai đoạn 2013 – 2020 đạt khoảng 35,24 tạ/ha; sản lượng bình quân gần 65.000 tấn, sản lượng chè đã qua chế biến trên 10.000 tấn.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đánh giá hiện trạng cây chè Shan tuyết cổ thụ tại huyện Hoàng Su Phì.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đánh giá hiện trạng cây chè Shan tuyết cổ thụ tại huyện Hoàng Su Phì.

Sản phẩm chè Shan tuyết được người tiêu dùng đánh giá cao chất lượng. Ngoài tiêu thụ trong nước, chè Shan tuyết Hà Giang đã có mặt tại 20 quốc gia ở 3 châu lục: Âu, Á và Mỹ. Cây chè được xác định là một trong 5 loại cây, con chủ lực trong Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh. Đến nay, tỉnh ta xây dựng thành công chỉ dẫn địa lý cho chè Shan tuyết Hà Giang. Những năm gần đây tỉnh ta đẩy mạnh việc quảng bá sản phẩm chè Shan tuyết gắn với thu hút đầu tư khu du lịch sinh thái tại các vùng có diện tích chè Shan tuyết cổ thụ để nâng cao thu nhập cho nhân dân.

Tuy nhiên, công tác xây dựng và nâng cấp mối liên doanh, liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, HTX chế biến chè chưa bền vững; chưa nâng cao được chuỗi giá trị sản phẩm từ khâu sản xuất đến khâu chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Hàng năm, bình quân nhân dân tại các huyện có diện tích chè Shan tuyết lớn thực hiện trồng mới, trồng dặm trung bình từ 450 - 500 ha nhưng chất lượng cây giống, thời gian kiến thiết chè lâu, tỷ lệ sống thấp. Tiềm năng của cây chè Shan tuyết vẫn chưa được khai thác hết do phương thức trồng, chăm sóc chè thường gắn liền với tập tục của đồng bào các dân tộc vùng cao và khai thác tự nhiên, không có đầu tư thâm canh. Cây chè chưa được chăm sóc thường xuyên, năng suất chưa cao và đặc biệt chất lượng chè không đồng đều, tạo điều kiện cho các tác nhân gây hại, làm giảm tuổi thọ, đe dọa đến sự sinh tồn của nhiều vườn chè cổ thụ. Điều này khiến thương hiệu chè Hà Giang chưa được nâng cao hơn trên thị trường.

Trước thực trạng trên, năm 2018 tỉnh đã phê duyệt Đề tài khoa học cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ: “Nghiên cứu bảo tồn và phát triển bền vững cây chè Shan tuyết cổ thụ trên địa bàn tỉnh Hà Giang”.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Giang Đức Hiệp, Chủ nhiệm Đề tài chia sẻ: Có thể khẳng định chè Shan tuyết Hà Giang có hương vị và giá trị đặc biệt, ngoài chất liệu hoàn toàn tự nhiên thì điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu cũng tạo cho chè Shan tuyết của tỉnh những đặc trưng riêng có, như nhiều tuyết trên mỗi búp chè, hàm lượng chất tanin và khoáng chất cao nên nước chè xanh, vị ngọt và rất được nước. Cùng với cảnh quan thiên nhiên, khí hậu ôn hòa và con người nơi đây đã tạo cho vùng đất này những nét độc đáo, thu hút rất cần được bảo vệ và phát triển. Vì vậy, chúng tôi xác định mục tiêu cao nhất của Đề tài là nghiên cứu giải pháp bảo vệ, bảo tồn, khai thác và phát triển cây chè Shan tuyết cổ thụ bền vững, gắn với phát triển du lịch sinh thái; từ đó nâng cao giá trị, tạo thu nhập cho người sản xuất chè trên địa bàn tỉnh.

Sau 4 năm thực hiện, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã hoàn thành công tác điều tra đánh giá hiện trạng sản xuất và tập quán canh tác chè Shan tuyết cổ thụ tại 5 huyện có diện tích chè lớn; công nhận được 100 cây chè cổ thụ đầu dòng; đề xuất các giải pháp phát triển vùng nguyên liệu, giải pháp về: Trồng mới, chăm sóc cây chè Shan tuyết cổ thụ theo hướng hữu cơ, thâm canh và chế biến; đào tạo tập huấn, thông tin tuyên truyền; đầu tư xúc tiến thương mại trong nước và ngoài nước, cùng các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, HTX. Đề xuất và được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận 1.324 cây chè Shan tuyết cổ thụ là Cây Di sản Việt Nam. Tổ chức 5 lớp tập huấn cho 100 lượt người về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái chè Shan tuyết cổ thụ.

Kết quả nghiên cứu của Đề tài đã được Hội đồng thẩm định cấp tỉnh đánh giá hoàn thành 100% mục tiêu đề ra, có ý nghĩa thực tiễn cao khi xác định được các biện pháp kỹ thuật trong chăm sóc cây chè Shan tuyết cổ thụ, góp phần bảo tồn, khai thác và phát triển cây chè tại địa phương, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.

Bài, ảnh: Duy Tuấn

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202212/bao-ton-che-shan-tuyet-co-thu-ha-giang-bfd34e1/