Bảo tồn đa dạng sinh học: Đảm bảo sự phát triển hài hòa, bền vững
Chủ đề của Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2025 (22/5) là: 'Sống hài hòa với thiên nhiên và phát triển bền vững', nhằm nhấn mạnh mối liên hệ mật thiết giữa bảo tồn đa dạng sinh học và việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Phát triển kinh tế gắn liền với bảo tồn thiên nhiên và quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên thiên hợp lý, đảm bảo sự hài hòa, ổn định, bền vững giữa môi trường và kinh tế, xã hội.
Nguy cơ suy giảm đa dạng sinh học
Đa dạng sinh học (ĐDSH) không chỉ bao gồm sự phong phú về loài động, thực vật và vi sinh vật, mà còn bao gồm sự đa dạng di truyền trong từng loài và của các hệ sinh thái như rừng, hồ, sông và cảnh quan nông nghiệp... Những yếu tố này tương tác để tạo nên sự sống và hỗ trợ các dịch vụ hệ sinh thái thiết yếu, nhất là việc cung cấp thực phẩm, nước sạch, điều hòa khí hậu và duy trì cuộc sống, sức khỏe con người...
Tại Quảng Ngãi, với các hệ sinh thái rừng, biển, sông đa dạng nên mức độ ĐDSH cao. Theo kết quả nghiên cứu, khảo sát của Viện Sinh thái học miền Nam về Quy hoạch bảo tồn ĐDSH tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, tỉnh ta có hệ thực vật, động vật tự nhiên đa dạng, với 1.252 loài thực vật và 1.089 loài động vật trên cạn (121 loài thú, 308 loài chim, 83 loài bò sát, 56 loài lưỡng cư và 521 loài côn trùng). Đối với hệ động vật thủy sinh có 173 loài cá nước ngọt, 40 loài da gai, 141 loài giáp xác, 51 loài động vật không xương sống cỡ lớn, 30 loài chân bụng, 157 loài san hô và 202 loài cá biển... Đặc biệt, có 48 loài động thực vật quý, hiếm thuộc Danh mục đỏ thế giới (IUCN, 2015), Sách đỏ Việt Nam (2007) và 118 loài động vật quý hiếm đối với quốc gia và quốc tế...

Bảo tồn đa dạng sinh học sẽ góp phần bảo vệ cuộc sống của người dân, nhất là người dân khu vực ven biển. Trong ảnh: Người dân thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu (Bình Sơn) thu hoạch ruốc. Ảnh: TP
Tuy nhiên, do những tác động đa chiều khiến nhiều hệ sinh thái đặc hữu với những loài nguy cấp có nguy cơ tuyệt chủng, dẫn đến mức độ ĐDSH đã và đang đối diện nguy cơ suy giảm với tốc độ nhanh. Đơn cử như vùng biển khu vực KKT Dung Quất có mức độ ĐDSH cao, với 172 loài thực vật phù du, 113 loài rong biển, 53 loài động vật phù du, 48 loài thân mềm, 18 loài giáp xác, 37 loài da gai, 28 loài giun nhiều tơ, 49 loài san hô và 74 loài cá biển. Tuy nhiên, do tác động của biến đổi khí hậu cộng với các hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, khai thác khoáng sản bằng biện pháp hủy diệt..., khiến mức độ ĐDSH ở khu vực này suy giảm. Hay như rừng Nà, ở xã Đức Thạnh (Mộ Đức) có độ ĐDSH phong phú với khoảng 123 loài động vật có xương sống và 28/52 loài thực vật vẫn còn có giá trị sử dụng. Tuy nhiên, hiện nay, diện tích tự nhiên của rừng Nà dần bị thu hẹp, dẫn đến một số loài động, thực vật đã bị xâm hại, ảnh hưởng đến giá trị ĐDSH của rừng Nà.
Chung tay bảo vệ
Thực hiện Chiến lược Quốc gia về ĐDSH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch bảo tồn ĐDSH quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thời gian qua, tỉnh triển khai thực hiện nhiều giải pháp. Từ việc thực thi pháp luật về Luật Đa dạng sinh học; bảo tồn và phát triển sự phong phú của các hệ sinh thái tự nhiên, các chương trình, dự án bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH thông qua các mô hình “Đồng quản lý” đối với người dân vùng giáp ranh với các khu bảo tồn. Đồng thời, triển khai thực hiện các chương trình giao khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ người dân vay vốn ưu đãi để phát triển sinh kế, đào tạo nghề, chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế kết hợp chăn nuôi... nhằm tạo thu nhập ổn định. Qua đó, góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực đến tài nguyên ĐDSH, bảo vệ môi trường sống tự nhiên của các loài hoang dã và cảnh quan môi trường.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Võ Minh Vương cho biết, để bảo tồn và sử dụng bền vững các giá trị, tài nguyên của ĐDSH, chính quyền các địa phương cần tăng cường truyền thông về ĐDSH, trong đó có việc lồng ghép các chương trình giáo dục tuyên truyền về bảo tồn ĐDSH trong hệ thống trường học..., nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng về bảo vệ môi trường gắn với bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH. Cùng với đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động bảo tồn, phát triển và bảo vệ diện tích các hệ sinh thái tự nhiên nhằm bảo đảm tính toàn vẹn ĐDSH. Sở Nông nghiệp và Môi trường cũng xây dựng kế hoạch và tham mưu tỉnh bố trí nguồn lực đầu tư tương xứng cho công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong bảo tồn ĐDSH thích ứng với biến đổi khí hậu. Qua đó, nâng cao hiệu quả bảo tồn ĐDSH, bảo vệ môi trường cũng như gia tăng chất lượng cuộc sống của người dân, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội bền vững của tỉnh.
THANH PHONG