Bảo tồn đa dạng sinh học tại Vườn quốc gia Xuân Liên
Là một trong những khu bảo tồn có dự trữ đa dạng sinh học phong phú nhất Việt Nam, Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên có tổng diện tích quản lý hơn 25.600 ha trải dài trên địa bàn các xã Bát Mọt, Yên Nhân, Lương Sơn, Vạn Xuân và thị trấn Thường Xuân (huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa).
![Vườn Quốc gia Xuân Liên là nơi có quần thể voọc xám lớn nhất Việt Nam đến thời điểm hiện nay. Ảnh: TTXVN phát](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_294_51456536/b700fbc6cc8825d67c99.jpg)
Vườn Quốc gia Xuân Liên là nơi có quần thể voọc xám lớn nhất Việt Nam đến thời điểm hiện nay. Ảnh: TTXVN phát
Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định phê duyệt nâng hạng Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên thành Vườn quốc gia Xuân Liên. Việc nâng hạng này không chỉ góp phần tăng cường công tác bảo tồn thiên nhiên mà còn mở ra cơ hội phát triển du lịch sinh thái, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương.
Sau khi được nâng cấp, Vườn quốc gia Xuân Liên có vai trò quan trọng trong bảo vệ hệ sinh thái rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, nguồn gen sinh vật, giáo dục môi trường và nghiên cứu khoa học. Vườn còn đóng vai trò quan trọng trong duy trì và bảo đảm ổn định nguồn nước cho hồ chứa nước Cửa Đạt (thuộc danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia). Vùng đệm của Vườn quốc gia bao gồm 12 thôn/bản thuộc 5 xã, thị trấn giáp ranh, với mục tiêu hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện đời sống người dân địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo kết quả điều tra, Vườn quốc gia Xuân Liên hiện có 1.228 loài thực vật bậc cao; 1.811 loài động vật hoang dã, thuộc 241 họ, 46 bộ, 4 lớp; 56 loài thực vật nguy cấp, quý hiếm, trong đó 35 loài được ghi nhận trong Sách đỏ Việt Nam năm 2007… Đây cũng là nơi phân bố tập trung nhiều loài cây quý hiếm, đặc biệt là hai loài pơmu và samu dầu có đường kính lớn, trong đó có 2 cây hơn 1.000 tuổi được trao danh hiệu "Cây Di sản Việt Nam".
Đó là những cây khổng lồ nhất trong quần thể thực vật hạt trần còn sót lại ở nước ta, là loài cây quý hiếm, được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới. Đặc biệt, Vườn quốc gia Xuân Liên còn là địa điểm đánh dấu sự tồn tại của loài mang Roosevelt - loài được cho là đã tuyệt chủng suốt gần 100 năm qua, nơi phân bố quần thể vượn đen má trắng lớn nhất Việt Nam với 64 đàn, 182 cá thể…
Trong Vườn quốc gia Xuân Liên còn có nhiều thác nước, hang động, lòng hồ rộng lớn 3.300 ha nằm giữa khu bảo tồn và những thửa ruộng bậc thang, bản sắc văn hóa dân tộc của người Thái, Mường. Đây là những tiềm năng để Vườn quốc gia Xuân Liên phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng theo hướng bền vững.
Được biết, những năm qua, Vườn quốc gia Xuân Liên thực hiện thành công nhiều đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao tính đa dạng sinh học như: Đề tài “Nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật nhân giống cây giống giổi ăn hạt, phục vụ trồng rừng cây gỗ lớn, nâng cao thu nhập cho người dân miền núi tỉnh Thanh Hóa”;
![Một góc Vườn Quốc gia Xuân Liên. Ảnh: TTXVN phát](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_294_51456536/4eda041c3352da0c8343.jpg)
Một góc Vườn Quốc gia Xuân Liên. Ảnh: TTXVN phát
Đề tài “Nghiên cứu khai thác và phát triển nguồn gen lan hài vân bắc, lan hài lông và lan thủy tiên hường cho vùng Bắc Trung Bộ”; Dự án điều tra bảo tồn các loài cu li (Nycticebusspp), loài vượn đen má trắng (Nomascus leucogenys), các loài khỉ (Macaca), các loài mang (Trachypithecus barbei); Ứng dụng hệ thống GPS-Photo Link về quản lý cây cổ thụ quý hiếm trong khu bảo tồn như bách xanh, pơmu, samu, dẻ tùng sọc trắng, sến mật...