Bảo tồn di sản hát Then
Từ lâu, hát Then đã gắn bó sâu sắc và trở thành nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Tày trên địa bàn tỉnh. Năm 2015, nghi lễ Then người Tày Hà Giang được Bộ Văn hóa, TT&DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia; tháng 12.2019, thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái Việt Nam chính thức được Unesco công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây vừa là niềm vui, vinh dự, vừa đặt ra thách thức trong bảo tồn và phát huy giá trị của hát Then, xứng đáng với tầm vóc di sản của nhân loại.
Dân tộc Tày ở Hà Giang chiếm trên 27% dân số, song hành với sự phát triển, Then hình thành và hòa quyện vào dòng chảy văn hóa tinh thần của người Tày. Hát Then là loại hình nghệ thuật dân gian diễn xướng nguyên hợp, bao gồm các yếu tố văn hóa - nghệ thuật và tâm linh; với nội dung rất đa dạng, gồm: Then kỳ yên, Then giải hạn, Then chữa bệnh, Then thượng thọ, Lẩu Then... Với người Tày, Then không chỉ là khúc hát đầu Xuân để cầu an lành, may mắn mà còn gắn liền với sinh hoạt tín ngưỡng trong năm. Vì vậy, trong các nghi lễ đều không thể thiếu những giai điệu Then mượt mà, trầm bổng. Hiện, toàn tỉnh lưu giữ được khoảng trên 60 bài Then cổ được sử dụng trong các nghi lễ. Then cổ chứa đựng nhiều nhất những tinh túy, giá trị văn học - nghệ thuật ngàn đời của cha ông để lại. Tuy nhiên, có một thực trạng là Then cổ không còn nhiều người lưu giữ, xu hướng hát Then cũng đang dần bị mai một, các nghệ nhân ngày càng ít và thiếu đội ngũ kế cận. Trong giai đoạn hội nhập, hát Then đang dần bị lãng quên nên các cấp, các ngành cần triển khai các giải pháp bảo tồn.
Theo đại diện Phòng Di sản Văn hóa, Sở Văn hóa, TT&DL, những năm gần đây, Sở đã tham mưu, đề xuất thực hiện một số giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy di sản hát Then. Trong đó, đẩy mạnh, khuyến khích việc nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn, xuất bản các cuốn sách, đĩa nhạc về hát Then; hàng năm tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn hát Then cho hạt nhân văn nghệ cơ sở, truyền dạy các làn điệu Then cổ. Trong công tác bảo tồn giá trị hát Then, một trong những yếu tố quyết định là phải coi trọng, phát huy vai trò của các nghệ nhân; do vậy, UBND tỉnh cũng thực hiện những chính sách nhằm khuyến khích, ưu đãi, tôn vinh nghệ nhân tâm huyết lưu giữ, truyền dạy nghệ thuật dân tộc. Mặt khác, ngành Giáo dục đã đẩy mạnh việc đưa văn hóa truyền thống vào trường học, trong đó, đưa loại hình hát Then vào nội dung các hoạt động ngoại khóa, giáo dục ngoài giờ tại các nhà trường…
Với đa số là người dân tộc Tày, xã Phương Độ (thành phố Hà Giang) được biết đến như một “địa chỉ đỏ” về hát Then. Nhằm bảo tồn và phát huy di sản đặc sắc của dân tộc, thời gian qua, chính quyền địa phương đã có nhiều cách làm hay, phù hợp. Đồng chí Vũ Thị Vân, Phó Chủ tịch UBND xã Phương Độ cho biết: Nhằm tạo cầu nối đưa hát Then đến gần hơn với cộng đồng, chúng tôi chủ trương thành lập các câu lạc bộ hát Then, câu lạc bộ liên thế hệ và Hội Nghệ nhân dân gian ngay tại các thôn, bản. Nhiều nghệ nhân hát Then trên địa bàn, như: Bà Nguyễn Thị Định, ông Nguyễn Thái Học, Nguyễn Văn Chự… có những đóng góp quan trọng trong việc sưu tầm các điệu Then cổ, truyền dạy và đặt lời mới dựa trên chất liệu dân gian địa phương. Hội nghệ nhân, các câu lạc bộ không chỉ là địa chỉ sinh hoạt văn hóa mà thông qua đó nhân dân và đặc biệt là thế hệ trẻ biết trân trọng, lưu giữ những điệu Tính, lời Then của cha ông.
Có thể khẳng định, bảo tồn, phát huy giá trị của di sản hát Then sẽ không thật sự hiệu quả nếu chỉ dừng lại ở việc sưu tầm, lưu giữ mà phải làm sao nó luôn hiện hữu, “sống” mạnh mẽ trong cộng đồng. Do đó, đứng trước những nguy cơ bị mai một, trong thời gian tới, các địa phương cần chú trọng, khuyến khích các hoạt động truyền dạy hát Then cho thế hệ trẻ. Kịp thời có chính sách cụ thể cho các nghệ nhân, nhất là những nghệ nhân Then cao tuổi…
Bài, ảnh: PHẠM HOAN
Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/202005/bao-ton-di-san-hat-then-759606/