Bảo tồn di sản văn hóa ở Tokyo: Hài hòa với phát triển đô thị hiện đại
Dù từng trải qua vô số thảm họa, nhưng Tokyo vẫn là nơi có nhiều công trình kiến trúc cũ và chúng đã được bảo vệ khỏi sự bào mòn của thời gian cũng như mối đe dọa luôn hiện hữu của động đất.
Là một trong những điểm thu hút khách du lịch hàng đầu thế giới, thủ đô Tokyo của Nhật Bản có sức hấp dẫn cả kinh tế và kinh doanh cùng với bề dày lịch sử và văn hóa. Nhiều du khách đến Tokyo bị mê hoặc bởi cách thủ đô của Nhật Bản pha trộn giữa cũ và mới.
Thủ đô Tokyo có những khu lịch sử và văn hóa đại diện cho bản sắc của đất nước và được luật pháp công nhận. Trong suốt lịch sử lâu đời, dù từng trải qua vô số thảm họa, nhưng Tokyo vẫn là nơi có nhiều công trình kiến trúc cũ và chúng đã được bảo vệ khỏi sự bào mòn của thời gian cũng như mối đe dọa luôn hiện hữu của động đất.
Đây là kết quả của lịch sử bảo tồn bền bỉ và sự phối hợp đồng bộ không chỉ từ chính phủ trung ương đến chính quyền địa phương mà còn có cả công sức của người dân Tokyo.
Chiến lược phòng thủ văn hóa từ thời Minh Trị
Khi Nhật Bản nỗ lực để bắt kịp các cường quốc phương Tây về mặt ngoại giao và kinh tế, chính phủ cũng rất muốn đưa ra một hệ thống luật pháp nhằm ngăn chặn dòng chảy của các tài sản văn hóa ra khỏi đất nước. Đồng thời, thông qua việc giới thiệu, quảng bá phù hợp, Chính phủ Nhật Bản lúc đó muốn biến văn hóa truyền thống thành một thứ có thể đóng góp vào sức mạnh quốc gia và uy tín của đất nước trên trường quốc tế.
Cuối thế kỷ 19 là thời điểm đầy thách thức đối với Nhật Bản về mặt văn hóa. Quốc gia này đã áp dụng chiến lược “bảo vệ văn hóa” để bảo vệ di sản truyền thống của mình khỏi sự cạnh tranh quốc tế.
Thuật ngữ “báu vật quốc gia” (kokuhō trong tiếng Nhật) lần đầu tiên được sử dụng vào thế kỷ 19, giữa những cải cách hiện đại hóa do chính phủ của Thiên hoàng Minh Trị ban hành.
Trong một bài phát biểu vào tháng 1/1889, Tổng giám đốc đầu tiên của Bảo tàng Hoàng gia (nay là Bảo tàng Quốc gia Tokyo), Ryūichi Kuki, là người lần đầu tiên sử dụng thuật ngữ “kokuhõ” để lập luận về tầm quan trọng của việc nghiên cứu lịch sử của các tác phẩm nghệ thuật.
Ông Kuki và nhiều chuyên gia về chính sách văn hóa, đã bị sốc trước phong trào bài trừ Phật giáo càn quét đất nước vào những năm đầu của thời đại Minh Trị (1868-1912), dẫn đến việc phá hủy vô số kho tàng nghệ thuật Phật giáo. Họ muốn sửa chữa, khắc phục càng nhiều thiệt hại càng tốt, cũng như thiết lập một hệ thống mới để bảo vệ di sản văn hóa của đất nước theo cách mà họ cho là phù hợp với một nhà nước hiện đại.
Năm 1897, Luật Bảo tồn Đền thờ và Đền thờ cổ đã được thông qua, tạo tiền đề cho sự ra đời của Luật Bảo tồn Bảo vật quốc gia vào năm 1929. Điều này góp phần tăng cường bảo vệ văn hóa phù hợp với nhà nước hiện đại ở Nhật Bản.
Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, những nỗ lực liên quan đến di sản bảo vệ dừng lại gần như hoàn toàn. Ngay lập tức sau khi kết thúc chiến tranh, các nỗ lực bảo vệ di sản dần hoạt động trở lại. Tuy nhiên, những nỗ lực này vấp phải khó khăn lớn vì siêu lạm phát, thuế cao và Nhật Bản bại trận làm tổn thương tâm lý của người dân, cũng như công chúng trong cuộc sống khó khăn không còn hào hứng với việc bảo vệ truyền thống.
Năm 1949, một vụ cháy ở chùa Horyu-ji, ngôi chùa cổ nhất cấu trúc bằng gỗ ở Nhật Bản (hiện được đưa vào danh sách Di sản thế giới), đã khơi dậy một tình cảm dân tộc mạnh mẽ để bảo vệ văn hóa, dẫn đến việc ban hành Luật Bảo vệ tài sản văn hóa năm 1950.
Có những ý kiến nói rằng sau chiến tranh, hầu hết các bộ luật trong luật pháp Nhật Bản hiện đại đều được mô phỏng theo tiền lệ từ một trong các nước phương Tây, nhưng Luật Bảo vệ tài sản văn hóa lại được đánh giá là một ngoại lệ, vì các điều luật này được xây dựng từ từ bằng thử nghiệm và sai sót sau những cuộc điều tra công phu và chi tiết. Điều này rất quan trọng, bởi vì có nghĩa là Nhật Bản đã xây dựng nền tảng cho vị thế của mình như một cường quốc văn hóa bằng chính đôi tay của mình.
Theo luật này, chính phủ trung ương và chính quyền địa phương có trách nhiệm thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ di sản. Đồng thời, chủ sở hữu và người giám hộ được yêu cầu nỗ lực để bảo vệ di sản, trong khi người dân được yêu cầu hợp tác với chính quyền.
Cần lưu ý rằng không giống như thời kỳ trước chiến tranh, khi chỉ chính phủ quốc gia mới có thể chỉ định di sản văn hóa, với luật mới, chính quyền địa phương cũng có thể chỉ định tài sản văn hóa riêng tại địa phương. Điều này góp phần vào dân chủ hóa trong việc xếp hạng di sản văn hóa. Tuy nhiên, do cấp địa phương hạn chế về nguồn lực tài chính nên chính phủ trung ương đóng vai trò chủ đạo trong bảo tồn di sản, cùng với sự gia tăng đóng góp của các bên liên quan khác.
Trong ba hạng mục được xác định là tài sản văn hóa có các công trình kiến trúc, có các tòa nhà, phố cổ... (tài sản văn hóa bất động) có giá trị lịch sử.
Theo Luật Bảo vệ tài sản văn hóa, chính phủ có thể chỉ định các địa điểm là di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh. Sau khi được vào danh sách, các di tích lịch sử, văn hóa và thắng cảnh sẽ được chính phủ hỗ trợ tài chính và bất kỳ hành động nào có thể ảnh hưởng đến hiện trạng của các địa điểm này đều phải được chính phủ đồng ý. Trong trường hợp cần thiết, chính phủ có thể cấm hoặc hạn chế những hành động đó. Ngoài ra, chính phủ có thể ra lệnh thành lập bất kỳ cơ sở cần thiết nào để bảo vệ các địa danh đã được chỉ định. Việc quản lý các di tích lịch sử có thể được giao cho chính quyền địa phương.
Năm 1992, Nhật Bản phê chuẩn Công ước Di sản thế giới của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) và nhiều di sản văn hóa ở Nhật Bản đã được đưa vào Danh sách Di sản thế giới trong những năm tiếp theo.
Chính phủ đã thực thi nhiều biện pháp khác nhau để bảo vệ không chỉ các khu di sản mà còn bảo vệ các vùng đệm xung quanh. Những tiến triển này cũng đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của các tài sản văn hóa và môi trường xung quanh các tài sản này.
Hài hòa với phát triển đô thị hiện đại
Tokyo, với tư cách là trung tâm kinh tế, chính trị, đồng thời là cố đô của Nhật Bản, chắc chắn là địa phương đầu tiên thực thi luật bảo vệ tài sản văn hóa của chính phủ trung ương.
Bên cạnh đó, căn cứ vào sự phân quyền mà trung ương dành cho địa phương, chính quyền thủ đô cũng đã nghiên cứu và triển khai các biện pháp phù hợp với đặc thù địa phương trong công tác bảo vệ di sản văn hóa và các công trình kiến trúc cổ.
Tháng 6/2014, Văn phòng Nội các; Bộ Giao thông, quốc thổ, vận tải, hạ tầng và du lịch; Cục Văn hóa, các trường đại học, các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp cùng với nhiều chuyên gia, các tình nguyện viên từ nhiều lĩnh vực đã tập hợp thành Liên minh Tài nguyên văn hóa Tokyo để thảo luận về ý tưởng thành lập “Khu Tài nguyên văn hóa Tokyo."
Liên minh Tài nguyên văn hóa Tokyo là một diễn đàn của thủ đô nhằm xem xét cách thức phát triển một cộng đồng bảo tồn và phát huy các tài nguyên văn hóa và lịch sử của Tokyo, với tư cách là trung tâm của đất nước.
Từ khi ra đời, liên minh hoạt động với mục tiêu phát triển bền vững và nâng tầm thành phố dựa trên nền tảng văn hóa, bảo tồn và phát huy tài nguyên văn hóa lịch sử của thủ đô.
“Nhóm nghiên cứu xây dựng cơ chế đô thị đổi mới” được thành lập tháng 7/2017 nhằm thực hiện các dự án cụ thể thông qua việc sử dụng các quỹ phát triển đô thị phối hợp với các cơ quan hữu quan.
Trong báo cáo “Hướng tới việc thành lập một khu văn hóa và lịch sử của Tokyo” công bố năm 2019, nhóm đặt ra hai mục tiêu dài hạn, đó là những đề xuất về hệ thống pháp lý liên quan đến việc bảo tồn các nguồn tài nguyên lịch sử và chính sách liên quan cùng với việc thực hiện các đề xuất.
Do ảnh hưởng của tình trạng giá đất tăng cao, chính phủ thúc đẩy việc phát triển đô thị, ngày càng có nhiều trường hợp các tòa nhà cổ và phố mua sắm cổ bị bán hoặc phá bỏ, chủ yếu là do mục đích thừa kế. Trước tình hình đó, nhóm nghiên cứu đã thảo luận về nhiệm vụ, hệ thống pháp lý đóng góp cho sự phát triển bền vững cũng như hoạt động khai thác, bảo tồn tài nguyên văn hóa lịch sử của thủ đô.
Sau khi xem xét các hệ thống pháp luật và các dự án đóng góp cho sự phát triển bền vững, nhóm đã gửi yêu cầu bằng văn bản tới chính phủ quốc gia, chính quyền thành phố và các quận có liên quan (gồm các quận Chiyoda, Bunkyo và Taito), nêu một loạt đề xuất liên quan đến “Khu Tài nguyên văn hóa Tokyo.”
Với mục tiêu xây dựng một Tokyo mới sau năm 2020 bằng cách thúc đẩy cơ sở hạ tầng và tận dụng sự đa dạng của văn hóa tài nguyên hiện diện trong các khu dân cư địa phương đặc biệt, "Khu Tài nguyên văn hóa Tokyo" là tên của khu vực bắt đầu từ Yanesen và Negishi ở phía Đông Bắc Tokyo đến Ueno, Hongo, Akihabara, Kanda, Jimbocho và Yushima. Các điểm này nằm tập trung trong một phạm vi có bán kính chưa đến 2km.
Theo đánh giá của các chuyên gia, "Khu Tài nguyên văn hóa Tokyo" đã tích lũy được các tài nguyên văn hóa trải dài từ thời kỳ đầu hiện đại, thời kỳ hiện đại và thời đại hiện tại. Yanesen là "Tài nguyên văn hóa và cuộc sống" như nhà phố và đường phố. Ueno là nhóm bảo tàng và "Tài nguyên văn hóa và nghệ thuật" của Đại học Nghệ thuật Tokyo.
Hongo là "Tài nguyên văn hóa và học thuật" của Đại học Tokyo, Akihabara là một trung tâm "manga và anime." Jimbocho với các hiệu sách cũ và nhà xuất bản lâu đời là khu vực “Tài nguyên văn hóa đại chúng" và "Tài nguyên văn hóa xuất bản". Khu "Tài nguyên văn hóa tâm linh" ở Kanda với Đền thờ Yushima Tenmangu và Yushima Seido, nơi gìn giữ các truyền thống Edo như Lễ hội Kanda.
Bằng cách hạn chế phát triển quy mô lớn sau thời kỳ tăng trưởng cao, "Khu Tài nguyên văn hóa Tokyo" tiếp tục duy trì giá trị như một kho tàng tài nguyên văn hóa ở Tokyo với các khu phố được khu biệt theo từng đặc điểm giá trị văn hóa của mình.
Để đạt được mục tiêu đó, chính phủ trung ương, chính quyền thành phố, các quận Chiyoda, Bunkyo và Taito đã thực hiện nhiều biện pháp gồm: thúc đẩy việc bảo tồn và sử dụng các tài nguyên lịch sử và văn hóa trong đặc khu như một dự án phát triển ở trung tâm Tokyo; việc bảo tồn và tái tạo các nguồn tài nguyên lịch sử và văn hóa phải được luật hóa và xử lý thuận lợi; xem xét các biện pháp tài chính và thuế (giảm hoặc miễn thuế thừa kế/thuế tài sản cố định, sửa chữa các tòa nhà/quận lịch sử...); thành lập các quỹ liên quan đến việc mua lại; thúc đẩy nghiên cứu và dự án để thực hiện những điều trên.
Đối với chính quyền thành phố Tokyo cũng như người dân thủ đô, điều quan trọng là phải bảo tồn và phát huy được các tài nguyên văn hóa liên quan đến đất đai và các tòa nhà như tòa nhà lịch sử, cảnh quan thị trấn, rừng và vườn.
Chính vì vậy, các tuyến đường quy hoạch phục vụ cho Khu Tài nguyên văn hóa như các tuyến đường 92, 178 và 188 được chính quyền hỗ trợ xây dựng nhằm tạo ra một khu vực hài hòa với các nguồn tài nguyên văn hóa này, đồng thời đảm bảo an toàn và phòng chống thiên tai.
Các biện pháp hỗ trợ đồng bộ
Giới chuyên gia văn hóa Nhật Bản nhận định ở trung tâm Tokyo, áp lực phát triển rất lớn và các tài nguyên văn hóa và lịch sử như các tòa nhà lịch sử có gánh nặng lớn hơn vì giá đất cao.
Chính vì vậy, thành phố đã có cơ chế hỗ trợ dành cho “Khu Tài nguyên văn hóa lịch sử,” vận hành linh hoạt, phù hợp với các hệ thống pháp luật liên quan như Luật Tiêu chuẩn xây dựng, Luật Hoạt động cứu hỏa và Luật Kinh doanh khách sạn... Chính quyền thực thi ưu đãi thuế đối với các tài nguyên văn hóa và lịch sử (thuế thừa kế, thuế chuyển nhượng, thuế doanh nghiệp)...
Trước hiện trạng nhiều tòa nhà có giá trị lịch sử phải được bán để trả thuế thừa kế, chính quyền đã xúc tiến việc xác định các địa điểm lịch sử để đưa vào danh sách bảo tồn và sử dụng trong khu vực lịch sử và văn hóa.
Bên cạnh đó, chính quyền cũng giảm thuế hoặc miễn thuế thừa kế đối với các tòa nhà được chỉ định là có giá trị lịch sử. Các khoản khấu trừ và thuế được miễn cũng được áp dụng cho các khoản đầu tư và quyên góp cho phát triển đô thị để bảo tồn và sử dụng các công trình lịch sử và văn hóa.
Chính quyền thực hiện các cơ chế hỗ trợ bảo tồn và sử dụng các tòa nhà lịch sử, hỗ trợ cho các tổ chức phi lợi nhuận và các tổ chức phát triển cộng đồng chịu trách nhiệm thúc đẩy phát triển cộng đồng một cách thuận lợi thông qua hoạt động giám sát khu vực.
Chính quyền còn hỗ trợ các biện pháp phòng chống thiên tai và hư hại dành cho tài sản tài nguyên văn hóa, như chống nguy cơ sụp đổ, bảo dưỡng bể nước ngầm để phòng cháy chữa cháy, sử dụng các vật liệu xây dựng bằng gỗ đã được xử lý không cháy.
Trong lịch sử, Tokyo đã phải chịu đựng những trận động đất, thiệt hại chiến tranh cũng như quá trình phát triển để trở thành một đô thị hiện đại như ngày nay. Kết quả là, nhiều tòa nhà truyền thống, kiến trúc hiện đại và các hoạt động văn hóa tồn tại từ thời Edo và Minh Trị đã biến mất. Chính vì vậy, việc bảo tồn phải được thực hiện phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch đô thị chống động đất.
Đối với nhu cầu phát triển, các chính sách quy hoạch đô thị dựa trên sự cân bằng giữa phát triển với bảo tồn thông qua các biện pháp quy hoạch đô thị mới. Chính quyền Tokyo tạo diễn đàn để tham vấn liên tục với chính quyền các quận, ví dụ như thành lập một khu bảo tồn cho các nhóm công trình kiến trúc truyền thống, xây dựng kế hoạch bảo tồn toàn diện theo hệ thống và pháp lệnh, duy trì và cải thiện vẻ đẹp danh lam thắng cảnh lịch sử theo Đạo luật Phát triển đô thị lịch sử...
Việc bảo tồn các công trình kiến trúc cổ, phố cổ còn cần phải có sự cân bằng với việc gia cố để chịu được động đất. Cung điện Hoàng gia nằm ở trung tâm Tokyo và được xây dựng trên địa điểm của Lâu đài Edo.
Mặc dù trong Chiến tranh thế giới thứ Hai, các tòa nhà đã bị san bằng cách đó chỉ vài dãy nhà, nhưng những công trình bằng đất khổng lồ và những cánh cổng nguyên bản có niên đại từ thế kỷ XVII vẫn đứng vững. Cổng Shimizumon được xây dựng vào năm 1624 và được chính quyền trung ương chỉ định là Tài sản văn hóa quan trọng vào năm 1961. Cấu trúc này đã được sửa chữa sau trận động đất lớn ở phía Đông Nhật Bản năm 2011.
Để làm cho cổng có khả năng chống động đất tốt hơn, các kỹ sư đã trang bị cho chân đế một thanh giằng, một thanh dài có thể hỗ trợ các cấu trúc kiến trúc. Điều chỉnh này giúp giảm lực căng trên cổng song hầu như không ảnh hưởng đến diện mạo tổng thể.
Tokyo là thành phố của hơn 100 con sông và những cây cầu là một phần di sản công trình dân dụng của thành phố. Hai nhịp cầu lịch sử bắc qua sông Sumida ở trung tâm Tokyo, cầu Eitai và Kiyosu, cũng đang được bảo tồn cẩn thận. Được làm bằng gỗ và dựng lên vào năm 1698, Cầu Eitai phải chịu hai thảm họa.
Năm 1807, cầu đã sụp đổ một phần dưới sức nặng của nhiều người tham dự lễ hội đền thờ Thần đạo được tổ chức lần đầu tiên sau 12 năm. Năm 1923, các tấm gỗ trên cầu bị cháy trong trận động đất lớn Kanto. Cầu được xây dựng lại vào năm 1926 dưới dạng một vòm thép khổng lồ và là một phần của dự án tái thiết sau động đất cùng với Cầu Kiyosu, một cây cầu treo trang nhã.
Trong khi duy trì sức mạnh vượt trội của một trong những trung tâm kinh tế lớn trên thế giới, Tokyo đã triển khai các nỗ lực bảo tồn một cách bền vững và đồng bộ toàn bộ các quận lịch sử và văn hóa của thủ đô cho đến ngày nay.
Đây chính là cơ sở để Tokyo không chỉ là một đô thị hiện đại, phát triển tầm cỡ thế giới mà còn được đánh giá là hình mẫu của một đô thị đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống, trong đó có sự đóng góp quan trọng của các khu phố cổ, các di sản văn hóa, lịch sử được chính quyền và người dân thủ đô bền bỉ gìn giữ và tái tạo trong cả một quá trình./.