Bảo tồn di tích: Nói dễ, làm khó!
Thực trạng bảo tồn, quản lý và phát huy giá trị các công trình di tích tại TP HCM thời gian qua bộc lộ nhiều lỗ hổng khiến các di tích bị xâm phạm nghiêm trọng hoặc chưa phát huy giá trị vốn có
Là ngôi chùa cổ nhất TP HCM, được xây dựng từ năm 1744, chùa Giác Lâm (565 Lạc Long Quân, phường 10, quận Tân Bình) với kiến trúc và hiện vật đặc trưng văn hóa Nam Bộ đã được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch - VH-TT-DL) xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia năm 1998.
Tranh chấp, lấn chiếm di tích
Tại buổi giám sát mới đây của Thường trực HĐND TP HCM về bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn TP, bà Nguyễn Thị Hồng Tiến, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình, thông tin trong khuôn viên chùa đang xảy ra tranh chấp hơn 10 năm với diện tích tranh chấp hơn 3.100 m2. Mặc dù giữa năm 2018, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP HCM xác định tài sản chùa Giác Lâm là tài sản chung do Giáo hội Phật giáo quản lý, đề nghị nhà nước ngăn chặn tổ chức cá nhân mua bán, chuyển nhượng tài sản. Tuy vậy, Sở Tài nguyên và Môi trường vẫn im lặng, chưa ra quyết định giải quyết tranh chấp. Để bảo vệ di tích cấp quốc gia này, quận Tân Bình chỉ yêu cầu ông N.T.C (sư thầy cũ của chùa) không được xây dựng các công trình mới ở diện tích đất tranh chấp.
Đình Tân Phước tọa lạc tại 254/4 Âu Cơ (phường 9, quận Tân Bình) hơn 100 năm tuổi, được TP kiểm kê đưa vào danh mục công trình phải bảo tồn. Dù vậy, phần đất phía sau đình khoảng 60 m2 hiện đang bị 4 hộ dân lấn chiếm làm nhà ở, tạo nên cảnh nhếch nhác.
Tương tự, đình Xuân Hòa (Lý Chính Thắng, quận 3) là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp TP nhưng hiện cũng có 3 hộ dân sống trong khuôn viên đình. Quận 3 đang có kế hoạch di dời với kinh phí dự kiến khoảng 5 tỉ đồng.
Những căn biệt thự cổ của TP HCM cũng khiến chính quyền đau đầu trong vấn đề quản lý. Thống kê của Sở Quy hoạch Kiến trúc, TP HCM có khoảng 1.500 biệt thự đang được kiểm kê và chờ hội đồng phân loại thông qua. Trong đó, chỉ riêng quận 3 có khoảng 800 địa chỉ được kiểm kê và mới kiểm kê một phần bởi nhiều chủ sở hữu không hợp tác, không muốn đưa biệt thự vào danh mục bảo tồn vì sẽ hạn chế việc sửa chữa, xây dựng…
Theo ông Trần Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND quận 3, xung đột quyền lợi giữa chủ sở hữu và cơ quan quản lý là có thật. Nhà nước yêu cầu người dân bảo tồn nhưng không trang bị cho họ kỹ năng hoặc chưa có cơ chế khuyến khích như cho phép họ sử dụng một phần công trình để kinh doanh sinh lợi nhuận, qua đó họ tự thấy giá trị công trình mà bảo tồn. Câu chuyện phân loại đánh giá các công trình kiến trúc cổ, biệt thự cổ thực hiện nhiều năm nhưng đến nay vẫn còn bỏ ngỏ.
Loay hoay tìm cách bảo tồn
Là một trong những địa phương có nhiều di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng, nhiều năm qua, quận 3 chủ động bảo tồn di sản bằng cách tự ban hành quy chế phối hợp nội bộ quản lý bảo vệ và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn quận. Ông Trần Thanh Bình cho biết với 12 di tích được xếp hạng gồm 3 di tích lịch sử cấp quốc gia, 1 di tích lịch sử cấp TP và 8 di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp TP, khoảng 800 biệt thự cổ đang kiểm kê đưa vào danh mục bảo tồn và nhiều công trình có giá trị như chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Chanta Rangsey, Bệnh viện Mắt Saint-Paul, quần thể kiến trúc biệt thự trên đường Tú Xương… Vì vậy, việc ban hành quy chế phối hợp nhằm tránh xây dựng lấn chiếm, xâm hại không gian di tích, giữ an ninh trật tự, phòng ngừa mất trộm di vật, cổ vật… Qua đó, nâng cao ý thức của cán bộ, người dân chung tay gìn giữ "đặc sản" của địa phương.
Tuy nhiên, "dù chủ động nhưng quận vẫn còn lúng túng trong công tác bảo tồn do cán bộ làm công tác bảo tồn vừa thiếu vừa hạn chế trình độ chuyên môn nghiệp vụ nên hiệu quả quản lý cũng như tham mưu cho các cơ quan quản lý di tích - lịch sử chưa hiệu quả" - ông Trần Thanh Bình chia sẻ.
Theo quy định, di tích lịch sử cấp quốc gia việc sửa chữa phải xin phép và được cấp kinh phí từ Bộ VH-TT-DL nhưng thủ tục lại rất nhiêu khê. Đơn cử như quận 1, phải mất 6 năm mới hoàn tất thủ tục sửa chữa chùa Ngọc Hoàng. Ngôi chùa này được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia năm 1994 và có dấu hiệu xuống cấp hư hỏng từ nhiều năm trước. Năm 2013, UBND quận 1 xin phép sửa chữa mái ngói chống dột, kinh phí khoảng 4,8 tỉ đồng. Sau khi trình Bộ VH-TT-DL, mãi đến năm 2019, quận 1 mới tìm được đơn vị đủ điều kiện thi công đấu thầu. Lúc này, kinh phí được duyệt từ năm 2013 không còn phù hợp.
Không biết cổ vật thật hay giả
Ông Trần Phi Long, quyền Chủ tịch UBND quận 11, chia sẻ việc kiểm đếm cổ vật, hiện vật tại các di tích quốc gia hiện gặp nhiều khó khăn do cán bộ không đủ chuyên môn để thẩm định. Vì vậy, dù được thực hiện mỗi năm nhưng chỉ là kiểm đếm số lượng bảo đảm trên sổ sách, còn cổ vật thật hay giả thì…không biết được.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ban-doc/bao-ton-di-tich-noi-de-lam-kho-20191029214212812.htm