Bảo tồn khu dự trữ sinh quyển, vì một tương lai bền vững

Cộng đồng dân cư và môi trường sinh quyển đã phụ thuộc vào nhau từ thời xa xưa, không thể tách rời. Sự phụ thuộc của cộng đồng vào môi trường khiến con người phải chịu trách nhiệm về tính bền vững của nơi họ sinh sống. Con người cần bảo vệ, bảo tồn và gìn giữ đa dạng sinh quyển để cuộc sống hướng tới một tương lai bền vững.

Ngày Quốc tế Khu dự trữ sinh quyển 3/11 hàng năm đánh dấu dịp quan trọng nhằm nâng cao nhận thức về vai trò thiết yếu của khu dự trữ sinh quyển trong việc thúc đẩy tính bền vững của môi trường, bảo tồn và phúc lợi của con người. Khi các hệ sinh thái toàn cầu phải đối mặt với các mối đe dọa ngày càng tăng từ biến đổi khí hậu, mất môi trường sống và suy giảm đa dạng sinh học thì nhu cầu bảo vệ di sản thiên nhiên hay các khu dự trữ sinh quyển thông qua các hoạt động bền vững và các chiến lược bảo tồn sinh thái càng được cộng đồng toàn cầu quan tâm.

Về tổng quan, khu dự trữ sinh quyển là những khu vực được chỉ định nhằm thúc đẩy bảo tồn hệ sinh thái đồng thời thúc đẩy phát triển bền vững. Các khu dự trữ này đóng vai trò như phòng thí nghiệm sống, nơi các giải pháp cân bằng nhu cầu của con người và môi trường được thử nghiệm và triển khai. Chúng cung cấp một khuôn khổ để tích hợp các nỗ lực bảo tồn với việc sử dụng tài nguyên bền vững, hỗ trợ nghiên cứu sinh thái, giáo dục và đổi mới.

Trong năm 1971, UNESCO lần đầu tiên đưa ra khái niệm về khu dự trữ sinh quyển trong khuôn khổ Chương trình Con người và Sinh quyển, mở ra hướng đi mới trong công tác bảo tồn thiên nhiên và phát triển bền vững. Các khu dự trữ sinh quyển được thiết lập nhằm bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, đồng thời thúc đẩy mô hình phát triển kinh tế bền vững cho cộng đồng địa phương. Mỗi khu dự trữ sinh quyển thường được chia thành ba vùng: vùng lõi là nơi bảo tồn nghiêm ngặt, vùng đệm cho phép các hoạt động nghiên cứu và du lịch sinh thái có kiểm soát, và vùng chuyển tiếp dành cho các hoạt động sinh sống và phát triển kinh tế của cộng đồng. Với vai trò không chỉ là nơi bảo tồn mà còn là không gian thúc đẩy giáo dục, nghiên cứu và hợp tác quốc tế, các khu dự trữ sinh quyển đã trở thành những mô hình phát triển hài hòa giữa con người và thiên nhiên, hướng đến một tương lai bền vững cho toàn cầu.

Mỗi khu dự trữ sinh quyển gồm 3 vùng. ẢNH: UNESCO

Mỗi khu dự trữ sinh quyển gồm 3 vùng. ẢNH: UNESCO

Theo thời gian, sáng kiến này đã phát triển thành Mạng lưới Khu dự trữ sinh quyển thế giới của UNESCO, với hơn 700 địa điểm tại hơn 130 quốc gia. Khu dự trữ sinh quyển đầu tiên được UNESCO công nhận vào năm 1976 là Khu dự trữ sinh quyển Yellowstone tại Hoa Kỳ. Nằm trong sáng kiến toàn cầu về bảo tồn và phát triển bền vững, Yellowstone là biểu tượng tiên phong của mạng lưới khu dự trữ sinh quyển thế giới, đồng thời là công viên quốc gia đầu tiên trên thế giới. Với hệ sinh thái phong phú, bao gồm nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm như sói xám, gấu xám Bắc Mỹ, và bò rừng, Yellowstone mang ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái nguyên sơ của Bắc Mỹ.

Không chỉ là nơi bảo tồn thiên nhiên, Yellowstone còn được UNESCO coi là một phòng thí nghiệm tự nhiên, nơi các nhà khoa học nghiên cứu các hiện tượng địa chất độc đáo như mạch nước phun, suối nước nóng và thung lũng núi lửa. Khu dự trữ sinh quyển này đã tạo tiền đề cho việc xây dựng các mô hình bảo tồn trên toàn thế giới, khẳng định tầm quan trọng của việc kết hợp bảo tồn môi trường với phát triển bền vững. Yellowstone từ đó đã trở thành hình mẫu cho nhiều khu dự trữ sinh quyển khác, mở đường cho những nỗ lực toàn cầu trong việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và tìm kiếm các giải pháp cân bằng giữa con người và thiên nhiên.

Khi các khu dự trữ sinh quyển được mở rộng trên toàn thế giới, chúng đã trở thành hệ thống các trung tâm quan trọng cho nghiên cứu sinh thái, bảo tồn và triển khai các hoạt động bền vững.

Một trong những đặc điểm xác định của khu dự trữ sinh quyển là hệ thống phân vùng của chúng, một khu dự trữ sinh quyển được chia thành ba vùng riêng biệt là vùng lõi, vùng đệm và vùng chuyển tiếp. Các vùng này được thiết kế để hỗ trợ cả hoạt động bảo tồn và hoạt động của con người, đảm bảo rằng mỗi phần của khu dự trữ có chức năng cụ thể trong việc duy trì sự cân bằng sinh thái. Cụ thể, vùng lõi được coi là trái tim của khu dự trữ sinh quyển, bao gồm các hệ sinh thái được bảo vệ nghiêm ngặt để bảo tồn đa dạng sinh học. Không có hoạt động nào của con người được phép diễn ra trong vùng lõi nhằm đảm bảo rằng các quá trình tự nhiên diễn ra mà không bị xáo trộn. Bao quanh vùng lõi là vùng đệm, nơi các hoạt động phù hợp với mục tiêu bảo tồn được phép diễn ra. Trong khu vực này, nghiên cứu, giáo dục và giám sát có thể được hoạt động cùng với các hoạt động quản lý tài nguyên bền vững. Vùng chuyển tiếp là khu vực ngoài cùng của một khu dự trữ sinh quyển, nơi các cộng đồng sinh sống và làm việc bền vững. Đây là nơi các nguyên tắc bảo tồn và phát triển kết hợp với nhau, cho phép các hoạt động kinh tế như nông nghiệp, lâm nghiệp và du lịch sinh thái không gây hại cho môi trường được phép diễn ra.

Việc bảo tồn các khu dự trữ sinh quyển là một phần không thể thiếu trong nỗ lực bảo vệ môi trường trên toàn cầu. Bởi, hoạt động này giúp bảo tồn môi trường sống, bảo vệ các loài có nguy cơ tuyệt chủng và bảo vệ các hệ sinh thái quan trọng như rừng, đất ngập nước và vùng ven biển. Việc bảo tồn các khu dự trữ sinh quyển còn giúp đảm bảo đa dạng sinh học, đồng thời thúc đẩy sinh kế bền vững cho cộng đồng địa phương. Nhiều khu dự trữ sinh quyển đóng vai trò là nơi trú ẩn cho các loài đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng, giúp duy trì sự đa dạng di truyền và hỗ trợ các dịch vụ cho hệ sinh thái như lọc nước, lưu trữ carbon và điều hòa khí hậu. Các khu dự trữ cũng thúc đẩy các chiến lược bảo tồn sinh thái có thể được áp dụng vượt ra khỏi biên giới của chúng, góp phần vào tăng tính bền vững toàn cầu.

Một trong những mục tiêu chính của khu dự trữ sinh quyển là chứng minh rằng bảo tồn thiên nhiên và phát triển xã hội có thể cùng tồn tại. Phát triển bền vững trong khu dự trữ sinh quyển tập trung vào việc giảm dấu chân sinh thái của các hoạt động do con người, đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống cho cộng đồng địa phương. Bằng cách thúc đẩy nông nghiệp bền vững, du lịch có trách nhiệm và các sáng kiến về năng lượng tái tạo, các khu dự trữ sinh quyển góp phần trong việc đạt được các mục tiêu kinh tế và môi trường trong dài hạn. Cách tiếp cận này mang lại những lợi ích sâu rộng, thúc đẩy sự đổi mới trong các công nghệ bền vững và khuyến khích con người sống hòa hợp với thiên nhiên. Đây là mô hình cho các khu vực trên toàn thế giới đang tìm cách phát triển mà không làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên hoặc gây hại cho hệ sinh thái.

Tầm quan trọng của các khu dự trữ sinh quyển là không thể phủ nhận, đặc biệt khi đối mặt với biến đổi khí hậu và sự suy thoái môi trường. Những khu dự trữ này tạo ra các không gian an toàn, nơi hệ sinh thái có thể phát triển mạnh mẽ và là nền tảng cho các nghiên cứu khoa học nhằm định hướng các nỗ lực bảo tồn trong tương lai. Đồng thời, chúng cũng đóng vai trò là công cụ giáo dục quan trọng, mang đến những hiểu biết sâu sắc về mối quan hệ giữa con người và môi trường tự nhiên. Năm 2024, các khu dự trữ sinh quyển tiếp tục là yếu tố then chốt trong việc thúc đẩy ổn định sinh thái toàn cầu. Vai trò của chúng trong việc bảo vệ đa dạng sinh học, duy trì tài nguyên thiên nhiên và hỗ trợ phát triển bền vững đã khiến chúng trở thành thành phần trọng yếu trong chiến lược bảo tồn toàn cầu.

UNESCO đã đóng vai trò quan trọng trong việc chỉ định và quản lý các khu dự trữ sinh quyển, góp phần đáng kể vào nỗ lực bảo tồn môi trường toàn cầu. Sáng kiến Khu dự trữ sinh quyển của UNESCO thể hiện cam kết của tổ chức trong việc thúc đẩy sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên. Thông qua mạng lưới các khu dự trữ, UNESCO hỗ trợ nghiên cứu, giáo dục và phát triển chính sách để bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của hành tinh, đồng thời đáp ứng nhu cầu của các thế hệ hiện tại và tương lai. Mạng lưới Khu dự trữ sinh quyển thế giới của UNESCO thúc đẩy hợp tác quốc tế và chia sẻ tri thức, đảm bảo rằng những phương pháp bảo tồn và phát triển bền vững tốt nhất được phổ biến trên toàn cầu. Mạng lưới này cũng là nền tảng để cộng đồng tham gia và hưởng lợi từ môi trường tự nhiên mà vẫn bảo toàn tính toàn vẹn sinh thái.

Trong tháng 7 vừa qua, UNESCO vừa phê duyệt việc công nhận 11 khu dự trữ sinh quyển mới tại 11 quốc gia, trong đó lần đầu tiên có sự góp mặt của Bỉ và Gambia, cùng với hai khu dự trữ sinh quyển xuyên biên giới. Các khu dự trữ mới còn lại được đặt tại Colombia, Cộng hòa Dominica, Ý, Mông Cổ, Vương quốc Hà Lan, Philippines, Hàn Quốc, Slovenia và Tây Ban Nha. Với tổng diện tích 37.400 km², tương đương với diện tích của Hà Lan, mạng lưới Khu dự trữ sinh quyển thế giới hiện đã mở rộng lên 759 địa điểm tại 136 quốc gia.

Khu sinh quyển xuyên biên giới Kempen-Broek nằm giữa Bỉ và Hà Lan, với cảnh quan đầm lầy giàu đa dạng sinh học, là nơi cư trú lý tưởng cho chuồn chuồn và nhiều loài chim. Khu vực này trải dài qua biên giới, với các thung lũng sông, đồng hoang và thị trấn trên vùng đất cao. Ở Tây Phi, Khu dự trữ sinh quyển Niumi tại Gambia bao gồm một trong những khu rừng ngập mặn nguyên sinh cuối cùng trong khu vực, cùng các cấu trúc đá vôi đỏ đặc trưng. Khu dự trữ này còn bao gồm trong nó khu Ramsar và Di sản Thế giới UNESCO đảo Kunta Kinteh, nơi ghi lại lịch sử của những người bị bắt làm nô lệ vào thế kỷ XVI và XVII.

Khu dự trữ sinh quyển Daríen Norte Chocoano ở Colombia bao phủ các khu rừng nhiệt đới và khu vực biển, kết nối Nam và Bắc Mỹ và là nơi cư trú của loài đại bàng Harpy và ếch độc sặc sỡ. Khu dự trữ này cũng là nơi lưu giữ các di tích khảo cổ và là nơi cộng đồng người bản địa và người gốc Phi tham gia tích cực vào các hoạt động phát triển bền vững, đặc biệt trong giới trẻ và phụ nữ.

Ở trung tâm Cộng hòa Dominican, Khu dự trữ sinh quyển Madre de las Aguas bảo tồn diện tích rộng lớn của dãy Cordillera Central, với các cao nguyên và thác nước, là nơi trú ngụ của 88 loài chim, trong đó có 20 loài đặc hữu và 17 loài bị đe dọa, bao gồm cả loài chim diều hâu cực kỳ nguy cấp. Tại Ý, Khu dự trữ sinh quyển Colli Euganei nằm ở vùng Veneto là vùng có các suối khoáng lớn nhất châu Âu, nổi bật với 81 ngọn đồi núi lửa giữa các vườn nho và ô liu phong phú. Khu sinh quyển xuyên biên giới Julian Alps, kết hợp khu sinh quyển của Ý và Slovenia, bao gồm các dãy núi Alps, cao nguyên karst và là môi trường sống cho gấu nâu, linh miêu và nhiều loài khác.

Khu dự trữ sinh quyển Hồ Khar Us tại Mông Cổ trải rộng trong lòng chảo hồ lớn ở miền Tây đất nước, bảo tồn các loài động vật quý hiếm và các cộng đồng dân tộc thiểu số với cuộc sống gắn bó với chăn nuôi bền vững và du lịch sinh thái. Tại Philippines, Khu dự trữ sinh quyển Apayaos có sông Apayao làm nguồn nước quan trọng và là nơi sinh sống của nhiều nhóm văn hóa dân tộc bản địa, cùng các loài hoang dã quý hiếm như đại bàng Philippines. Ở Hàn Quốc, Khu dự trữ sinh quyển Changnyeong bao gồm đầm lầy Upo và rừng núi Hwawang, là môi trường sống đa dạng với sự cân bằng giữa nông nghiệp bền vững và bảo tồn hệ sinh thái nước ngọt, đồng thời là địa phương trồng hành và tỏi nổi tiếng của vùng.

Tại Tây Ban Nha, thung lũng Val d’Aran là khu vực duy nhất ở Catalonia có độ dốc về phía Bắc và có sự pha trộn khí hậu giữa Địa Trung Hải và Đại Tây Dương, với các hệ sinh thái phong phú. Khu dự trữ sinh quyển Irati nằm trong dãy Pyrenees có khu rừng sồi lớn thứ hai ở châu Âu, là khu bảo tồn quan trọng cho các loài chim, đặc biệt là gõ kiến.

Bà Audrey Azoulay, Tổng Giám đốc UNESCO, nhận định: "Tại thời điểm mà cộng đồng quốc tế kêu gọi gia tăng số lượng các khu vực bảo tồn, những khu dự trữ sinh quyển mới này đóng vai trò thiết yếu trong việc bảo tồn bền vững đa dạng sinh học, cải thiện điều kiện sống của người dân địa phương và các cộng đồng bản địa, đồng thời thúc đẩy nghiên cứu khoa học". Các khu dự trữ sinh quyển này góp phần vào mục tiêu chung là bảo tồn 30% diện tích đất liền và biển của Trái Đất và phục hồi 30% các hệ sinh thái bị suy thoái vào năm 2030, tạo thu nhập xanh cho các cộng đồng địa phương và góp phần đối phó với biến đổi khí hậu.

Việt Nam hiện có 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận, đóng vai trò quan trọng trong bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững. Hai khu mới nhất là Cao nguyên Kon Ha Nung (Gia Lai) và Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa (Ninh Thuận), được công nhận năm 2021. Với diện tích rộng lớn, các khu dự trữ sinh quyển này không chỉ bảo tồn hệ sinh thái phong phú mà còn hỗ trợ nghiên cứu khoa học, giáo dục và phát triển cộng đồng.

Khu Núi Chúa nổi bật với hệ sinh thái khô hạn, độc đáo với rừng bán khô hạn và rạn san hô, là nơi sinh sống của nhiều loài quý hiếm. Trong khi đó, Cao nguyên Kon Ha Nung bảo vệ loài voọc chà vá chân xám nguy cấp, góp phần quan trọng vào bảo tồn các loài động vật đặc hữu của Việt Nam.

Các khu dự trữ sinh quyển khác bao gồm Langbiang, Cù Lao Chàm, Mũi Cà Mau, Tây Nghệ An, Kiên Giang, Đồng bằng sông Hồng, Cát Bà, Đồng Nai và Cần Giờ. Những khu này đa dạng từ rừng ngập mặn, rừng nguyên sinh đến các khu bảo tồn biển và đất ngập nước, tạo nên các không gian an toàn cho nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Đặc biệt, Cần Giờ là khu dự trữ sinh quyển đầu tiên được công nhận tại Việt Nam vào năm 2000, nổi tiếng với hệ sinh thái rừng ngập mặn và quần thể khỉ hoang dã.

Những khu dự trữ sinh quyển này không chỉ là "phòng thí nghiệm sống" cho các hoạt động nghiên cứu và giáo dục mà còn đóng góp to lớn vào bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giúp Việt Nam trở thành quốc gia có mạng lưới khu dự trữ sinh quyển phong phú nhất trong khu vực.

Hồng Nhung

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/the-gioi/bao-ton-khu-du-tru-sinh-quyen-vi-mot-tuong-lai-ben-vung-59284.html