Bảo tồn nghề điêu khắc mỹ nghệ tại Ngọc Mỹ

Xã Ngọc Mỹ (huyện Quốc Oai) có làng nghề truyền thống đục chạm gỗ cao cấp và mộc dân dụng Ngọc Than.

Những năm qua, người thợ làng nghề Ngọc Than đã chế tác được hàng trăm sản phẩm điêu khắc mỹ nghệ độc đáo, trong đó có 5 sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao (Chương trình mỗi xã một sản phẩm). Những sản phẩm OCOP 4 sao không chỉ góp phần bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống mà còn nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho người dân.

Giới thiệu sản phẩm OCOP đài nến của làng nghề Ngọc Than (xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai). Ảnh: Hoàng Văn

Giới thiệu sản phẩm OCOP đài nến của làng nghề Ngọc Than (xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai). Ảnh: Hoàng Văn

Về sự phát triển của làng nghề, nghệ nhân Đỗ Đình Thường, Chủ tịch Hội Làng nghề truyền thống đục chạm gỗ cao cấp và mộc dân dụng Ngọc Than chia sẻ: "Người Ngọc Than làm quen với nghề từ rất sớm. Ở tuổi 11-12, các cháu vừa đi học, vừa phụ giúp gia đình đánh giấy ráp hoàn thiện sản phẩm. Sau vài năm học nghề, đến tuổi 18-20, các cháu đã có thể tự mình chế tác được những sản phẩm chất lượng, có độ tinh xảo cao, như: Hoành phi, câu đối, cuốn thư, cửa võng… Nhiều cháu có tay nghề cao đã tách ra mở xưởng sản xuất, xây dựng thương hiệu cho riêng mình".

Còn nghệ nhân Đỗ Bá Nghĩa cho biết, với người dân Ngọc Than, làm nghề không đơn giản chỉ để kiếm sống, mà còn trách nhiệm bảo tồn, phát triển nghề truyền thống của quê hương. Những năm gần đây, nhờ công nghệ và máy móc hỗ trợ, người thợ làng nghề Ngọc Than còn chế tác được nhiều sản phẩm cao cấp có độ tinh xảo cao. Nhờ đó, các sản phẩm thờ cúng, trang trí, như: Hoành phi, câu đối, cuốn thư, cửa võng; những bức tranh khắc gỗ theo các điển tích xưa với nhiều kích cỡ được người dùng khắp nơi tìm về Ngọc Than đặt hàng, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm, giúp người dân trong làng nghề mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Thôn Ngọc Than (xã Ngọc Mỹ) hiện có hơn 1.700 hộ dân, thì có đến 160 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đồ gỗ cao cấp, mộc dân dụng. Các cơ sở sản xuất đã tạo việc làm thường xuyên cho hơn 600 lao động và nhiều lao động thời vụ ở địa phương, với mức thu nhập từ 300.000 đến 700.000 đồng/người/ngày công, tùy theo tay nghề.

Để mở rộng thị trường, nâng cao giá trị kinh tế, thời gian gầy đây, các cơ sở sản xuất trong làng nghề truyền thống đục chạm gỗ cao cấp và mộc dân dụng Ngọc Than cũng chú trọng xây dựng thương hiệu bằng cách tham gia Chương trình OCOP, xây dựng các trang web quảng bá sản phẩm, tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại… Điển hình, trong 2 năm (2022 và 2023), Hội Làng nghề Ngọc Than đã chọn 2 cơ sở sản xuất đồ mộc cao cấp đưa 5 sản phẩm dự thi OCOP của thành phố và đều được đánh giá, phân hạng "4 sao", là: “Tượng Quan Âm nghìn mắt, nghìn tay”, “Đôi bình hoa sen gỗ mít”, “Tranh vinh quy bái tổ”, “Bộ đài nến bằng gỗ gụ”, “Bộ hoành phi câu đối”. Kết quả này đã tạo uy tín, thương hiệu cho các sản phẩm của làng nghề Ngọc Than vươn xa.

Tuy nhiên, để làng nghề phát triển ổn định, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, UBND xã Ngọc Mỹ kiến nghị thành phố Hà Nội chỉ đạo các sở, ngành và đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng Cụm công nghiệp Ngọc Mỹ - Thạch Thán để di dời các cơ sở sản xuất trong làng nghề và sản xuất tập trung. Cùng với đó, huyện Quốc Oai chỉ đạo các phòng, ban hỗ trợ các chủ thể trong làng nghề Ngọc Than hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đăng ký sản phẩm OCOP; tiếp tục hỗ trợ cho các chủ thể có sản phẩm đạt OCOP đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm trên thị trường nhằm đem lại giá trị kinh tế và thu nhập ổn định cho người dân.

Chủ tịch UBND xã Ngọc Mỹ Nguyễn Quang Khải khẳng định, việc làng nghề truyền thống đục chạm gỗ cao cấp và mộc dân dụng Ngọc Than ngày càng phát triển đã đem lại doanh thu hàng trăm tỷ đồng cho địa phương, giúp đời sống của người dân được nâng cao. Đây cũng là nguồn lực quan trọng để xã Ngọc Mỹ huy động triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Đức Duy

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/bao-ton-nghe-dieu-khac-my-nghe-tai-ngoc-my-674909.html