Bảo tồn nghề, làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch

Vĩnh Phúc hiện có 20 làng nghề và 8 nghề truyền thống mang đậm nét văn hóa đặc trưng gắn với lịch sử lâu đời tại địa phương. Bởi vậy, công tác bảo tồn, phát triển nghề, làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch sẽ mở ra cơ hội giúp các hộ làm nghề quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm, giải quyết việc làm tại chỗ, tạo nguồn thu nhập ổn định, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, góp phần xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu.

Phần lớn các sản phẩm đá mỹ nghệ tại làng nghề đá Hải Lựu (Sông Lô) có kích thước, trọng lượng lớn nên rất khó có thể làm quà tặng du lịch. (Trong ảnh là cơ sở chế tác đá mỹ nghệ của gia đình anh La Văn Hiếu, thôn Đồng Trổ) Ảnh: Nguyễn Lượng

Phần lớn các sản phẩm đá mỹ nghệ tại làng nghề đá Hải Lựu (Sông Lô) có kích thước, trọng lượng lớn nên rất khó có thể làm quà tặng du lịch. (Trong ảnh là cơ sở chế tác đá mỹ nghệ của gia đình anh La Văn Hiếu, thôn Đồng Trổ) Ảnh: Nguyễn Lượng

Làng nghề đá Hải Lựu, huyện Sông Lô được tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống từ năm 2006 với 8 doanh nghiệp và hơn 200 hộ làm nghề chế tác đá mỹ nghệ và đá xây dựng đã góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, xây dựng NTM ở địa phương.

Các cơ sở chế tác đá mỹ nghệ của anh Hán Văn Hoạt, La Văn Hiếu, Bùi Văn Mười... với các sản phẩm bia đá, cuốn thư, tượng Phật, linh vật... đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành phố trong nước và được xuất khẩu sang một số nước như Thái Lan, Singapore... Thế nhưng, tại làng nghề, sản phẩm lưu niệm được chế tác từ đá để làm sản phẩm lưu niệm phục vụ phát triển du lịch thì hầu như rất ít.

Lý giải về điều này, một số nghệ nhân, chủ sản xuất cơ sở đá mỹ nghệ ở đây cho biết, sản phẩm lưu niệm chế tác bằng đá thường có kích thước nhỏ nên đòi hỏi tay nghề cao, chi phí sản xuất lớn; mặt khác, so với các sản phẩm lưu niệm khác chúng có kích thước khá lớn và khối lượng nặng nên rất khó di chuyển, khách du lịch không ưa chuộng... vì thế, họ không mặn mà sản xuất, kinh doanh (SXKD).

Không riêng gì làng nghề đá Hải Lựu, tại các làng nghề mộc nức tiếng như An Tường (Vĩnh Tường), thị trấn Thanh Lãng (Bình Xuyên), các sản phẩm mộc chủ yếu là đồ nội thất gia đình, chưa có nhiều sản phẩm đặc trưng và hầu như chưa có hoạt động du lịch.

Đó cũng là thực trạng chung ở các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh, tiềm năng phát triển du lịch còn bỏ ngỏ, chưa hình thành được các tour du lịch đưa khách đến tham quan, số lượng sản phẩm lưu niệm du lịch từ làng nghề còn rất hạn chế...

Trong những năm qua, công tác bảo tồn nghề, làng nghề truyền thống đã được các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đặc biệt quan tâm với nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực, góp phần đưa nông thôn Vĩnh Phúc từng bước phát triển, giá trị sản xuất của các các cơ sở, doanh nghiệp ngành nghề nông thôn, làng nghề, làng có nghề tăng trưởng nhanh.

Một số làng nghề và nghề truyền thống đã và đang được khôi phục, phát triển như đá Hải Lựu, rèn Lý Nhân, mộc Bích Chu, Thanh Lãng, đan lát Triệu Đề, gốm Hương Canh...

Hiện, toàn tỉnh có 28 làng nghề, trong đó có 20 làng nghề truyền thống với gần 10.000 cơ sở SXKD, tạo việc làm cho hơn 16.000 lao động và 8 nghề truyền thống đã được UBND tỉnh công nhận.

Nhằm góp phần bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống, tỉnh đã công nhận và phong danh hiệu cho 23 nghệ nhân cấp tỉnh và 186 thợ giỏi cấp tỉnh. Đến nay, tại các làng nghề, nhiều điểm thăm quan, di tích làng nghề như đình, nhà thờ họ... vẫn còn được lưu giữ; các lễ hội liên quan đến hoạt động của làng nghề vẫn được tổ chức hằng năm với các loại ẩm thực đặc trưng... là tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch.

Tuy nhiên, do phần lớn các cơ sở sản xuất, hộ làm nghề ở các địa phương có quy mô nhỏ, phân bố rải rác nên chưa hình thành các điểm du lịch; cơ sở hạ tầng, các sản phẩm phục vụ cho mục đích du lịch chưa được quan tâm đầu tư nên chất lượng chưa cao và chưa đồng đều, trình độ thẩm mỹ và tính thương mại của sản phẩm còn nhiều hạn chế nên chưa tạo được sức hút với du khách; các hoạt động xúc tiến thương mại các sản phẩm nghề, làng nghề gắn việc bảo tồn với chương trình phát triển du lịch còn ít...

Nhằm khai thác tiềm năng bảo tổn, phát triển nghề, làng nghề truyền thống với phát triển du lịch, cùng với việc nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, từ năm 2020, chương trình "Triển lãm quảng bá một số làng nghề truyền thống gắn với sản phẩm du lịch Vĩnh Phúc" đã được Sở Công thương phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức với sự góp mặt các sản phẩm tiêu biểu của các làng nghề như đá Hải Lựu, hoa cây cảnh Triệu Đề, rắn Vĩnh Sơn, dụng cụ nghề rèn Lý Nhân, sản phẩm nghề mộc Thanh Lãng... đã giúp các DN có cơ hội trao đổi thông tin, xúc tiến thương mại, du lịch, quảng bá sản phẩm hàng hóa, trao đổi thông tin tìm kiếm thị trường.

Hiện nay, chương trình đang tiếp tục được Sở Công thương nghiên cứu triển khai trong năm 2022. Trước đó, ngày 22/12/2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 316 về việc triển khai bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống giai đoạn 2022 - 2025 nhằm điều kiện thuận lợi cho các làng nghề phát triển bền vững gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa lịch sử của làng nghề, giúp tăng thu nhập và ổn định đời sống của người dân.

Tỉnh sẽ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại các sản phẩm nghề, làng nghề gắn việc bảo tồn với chương trình phát triển du lịch.

Tuy nhiên, bên cạnh sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, rất cần sự nỗ lực từ phía các làng nghề, các nghệ nhân trong việc thay đổi tư duy, nắm bắt nhu cầu thị trường để khai thác thế mạnh, phát triển du lịch, giúp các làng nghề phát triển bền vững.

Lưu Nhung

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/76899/bao-ton-nghe-lang-nghe-truyen-thong-gan-voi-phat-trien-du-lich.html