Bảo tồn nghề truyền thống thông qua các lớp dạy nghề
Thời gian qua, huyện Nam Giang đã tranh thủ các nguồn dự án, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội miền núi giao cho các ngành chuyên môn mở các lớp đào tạo nghề truyền thống được các xã và người dân hưởng nhiệt tình.
Tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào, sẵn có, huyện miền núi Nam Giang, tỉnh Quảng Nam đang đẩy mạnh công tác hỗ trợ, đào tạo các lớp học nghề truyền thống, trong đó, có nghề đan lát của đồng bào Cơ Tu. Các lớp đào tạo nghề này không chỉ tạo ra sản phầm hàng hóa có giá trị kinh tế cao mà còn góp phần thực hiện tốt mục tiêu đề ra trong Dự án 6 về Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, góp phần khôi phục, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu.
Hơn một tháng nay, đều đặn vào thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần, bà con Cơ Tu ở xã Tà Bhing, huyện miền núi Nam Giang, tỉnh Quảng Nam hào hứng tập trung về Nhà Văn hóa tổ 1, thôn Ga Lêê để học đan lát truyền thống. Ông Coor Minh, Trưởng nhóm lớp đào tạo nghề đan lát Cơ Tu tại xã Tà Bhing cho biết, lớp học có gần 30 học viên, trong đó có 7 nữ. Các học viên được 3 nghệ nhân đan lát giỏi nhất tại xã Tà Bhing kèm cặp, truyền dạy từ lý thuyết tới kỹ năng thực hành cơ bản. Phương pháp học chủ yếu là cầm tay chỉ việc cho từng học viên để tạo ra các sản phẩm đan lát khác nhau từ kỹ thuật đơn giản đến khó.
Ông Coor Minh kỳ vọng, thông qua lớp học này không chỉ tạo ra các sản phẩm hàng hóa đẹp mắt, chất lượng có giá trị kinh tế cao mà còn giúp thế hệ trẻ kế tục nghề truyền thống của cha ông: “Trước đây, chỉ có người già mới ngồi đan lát. Nay, nghề này có thể cho thu nhập, chính quyền địa phương lại quan tâm hỗ trợ, đào tạo nghề cho tất cả mọi người cùng học, ai cũng nhiệt tình tham gia, không phân biệt gái, trai. Đan lát là nghề truyền thống của người Cơ Tu cần phải bảo tồn và gìn giữ. Nhất là khi làng mình làm du lịch cộng đồng cần phải giới thiệu đến du khách xa gần các giá trị văn hóa của đồng bào Cơ Tu nhiều hơn nữa”.
Khác với quan điểm trước đây của người Cơ Tu, nghề đan lát chỉ dành cho nam giới, nay cả phụ nữ cũng tham gia học nghề. Theo chị A Rất Chiến, học viên lớp học đan lát Cơ Tu ở xã Tà Bhing, huyện Nam Giang, xã hội ngày càng phát triển, văn minh, nam- nữ lại càng bình đẳng hơn. Hơn nữa, nghề đan lát của người Cơ Tu không kén lao động, trai- gái, già- trẻ đều có thể làm được, kỹ thuật cũng không quá khó. Vì thế, chị theo học nghề với mong muốn kiếm thêm thu nhập những khi nông nhàn. Chị A Rất Chiến cho biết, xã Tà Bhing, huyện Nam Giang hiện trở thành điểm du lịch cộng đồng được nhiều khách du lịch ghé thăm, bà con mong muốn tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị để kiếm thêm thu nhập.
“Nghề đan lát yêu cầu tính kiên nhẫn, chịu khó, tỉ mỉ thì mới làm được. Kỹ thuật đan cũng đơn giản, nhưng với phụ nữ thì quá trình sơ chế như vót tre, nứa gặp khó khăn hơn vì thường không đều tay, dễ đứt, gãy. Đến nay, mọi người cũng đã học đan được nong, nia, gùi rồi. Muốn tạo ra sản phẩm đẹp phải tập trung nghe các nghệ nhân hướng dẫn, mắt nhìn, tay đan phải nhịp nhàng khi nào nấn mạnh, khi nào nới lỏng thì mới cho ra sản phẩm đẹp được”.
Lớp đào tạo nghề đan lát Cơ Tu tại xã Tà Bhing, huyện Nam Giang do Trung tâm dạy nghề Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam phối hợp huyện Nam Giang thực hiện với kinh phí 70 triệu đồng. Theo ông Nguyễn Đăng Chương, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam, trên địa bàn huyện có nguồn nguyên liệu như mây, tre, nứa rất lớn. Từ lợi thế này, huyện đã tranh thủ nguồn lực từ các dự án, chương trình, chủ động đào tạo và khôi phục các làng nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số, trong đó, có nghề đan lát của đồng bào Cơ Tu.
Ông Nguyễn Đăng Chương khẳng định, thông qua các lớp tập huấn, khóa đào tạo ngắn hạn thời gian qua, một số làng nghề truyền thống dần khôi phục và phát triển dưới dạng tổ hợp tác, nhóm hộ và hộ gia đình. Các sản phẩm đan lát Cơ Tu như gùi, giỏ, nia... trở thành các mặt hàng lưu niệm yêu thích của khách du lịch. Qua đó, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số cũng như đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn tại địa phương.
“Thời gian qua, huyện Nam Giang đã tranh thủ các nguồn dự án, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội miền núi giao cho các ngành chuyên môn mở các lớp đào tạo nghề truyền thống được các xã và người dân hưởng nhiệt tình. Các sản phẩm đan lát của người dân như giỏ, gùi, mâm cơm... phát triển đúng với xu hướng thuận tự nhiên, bảo vệ môi trường, tính thẫm mỹ cao nên được nhiều khách du lịch ưa chuộng. Thành công từ bước đầu, tới đây, huyện sẽ tiếp tục tranh thủ các nguồn vốn để các ngành mở các lớp đào tạo để vực dậy các làng nghề truyền thống của các đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn”.