Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Lự
Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định về việc tổ chức khôi phục, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc thiểu số rất ít người, năm 2022.
Theo quyết định, sẽ tổ chức khôi phục, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Lự, một trong các dân tộc thiểu số có số dân dưới 10.000 người. Cụ thể, giao Vụ Văn hóa dân tộc phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Lự gắn với phát triển du lịch tại huyện Tam Đường và Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu, với sự tham gia của cán bộ, công chức làm công tác văn hóa, dân tộc cấp huyện, xã; đại diện một số doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh trong lĩnh vực du lịch; trưởng các đoàn thể các thôn, bản; trưởng thôn, bản, người có uy tín, nghệ nhân, học viên dân tộc Lự.
Từ đó, đánh giá về công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số của các dân tộc thiểu số tỉnh Lai Châu nói chung và dân tộc Lự nói riêng về các yếu tố ảnh hưởng đến sự biến đổi trong văn hóa truyền thống dân tộc Lự và vai trò của cộng đồng dân tộc Lự trong hoạt động bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống. Phát huy vai trò của nghệ nhân, đồng bào các dân tộc thiểu số và cộng đồng dân cư các điểm du lịch, cán bộ công chức văn hóa xã, các đơn vị, hộ kinh doanh du lịch trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch bền vững, tạo cơ hội cho cộng đồng tham gia chặt chẽ vào phát triển du lịch; cân bằng với các tiêu chuẩn.
Bên cạnh đó, tổ chức bảo tồn, phát huy nghề dệt thổ cẩm; nghệ thuật trình diễn dân gian; trò chơi dân gian; Tết cơm mới; lễ cưới và lễ cúng trâu; tục nhuộm răng đen của dân tộc Lự tại huyện Tam Đường và Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu. Với sự tham gia của nghệ nhân và học viên người dân tộc Lự sinh sống trên địa bàn tỉnh Lai Châu, ưu tiên học viên là thanh thiếu niên, học sinh trung học phổ thông dân tộc Lự.
Qua đó, khảo sát, đánh giá thực trạng văn hóa truyền thống và nghề dệt truyền thống về những kết quả đạt được, khó khăn, hạn chế. Đồng thời, hỗ trợ các trang thiết bị phục vụ xây dựng nghề dệt truyền thống dân tộc Lự, góp phần, tổ chức truyền dạy và thực hành nghề dệt truyền thống dân tộc Lự phục vụ phát triển du lịch. Đồng thời, xuất bản, phát hành ấn phẩm giới thiệu, tuyên truyền nét đặc trưng văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú của cộng đồng dân tộc Lự phản ánh những nét cơ bản nhất về nguồn gốc, dân cư, tập quán sinh hoạt, lao động - sản xuất, trang phục, dân ca, dân vũ, lễ hội, tín ngưỡng... nhằm quảng bá, tuyên truyền các giá trị văn hóa tiêu biểu của dân tộc Lự đến rộng rãi du khách trong và ngoài nước.
Cũng theo Quyết định, Bộ VHTTDL yêu cầu việc tổ chức khôi phục, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Lự tại huyện Tam Đường và Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu cần phù hợp với điều kiện kinh tế và phong tục, tập quán cộng đồng dân tộc thiểu số; lựa chọn hỗ trợ bảo tồn, phát huy các loại hình văn hóa tiêu biểu của dân tộc thiểu số rất ít người, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch tại địa phương. Qua đó, động viên, khích lệ đồng bào dân tộc thiểu số tích cực tham gia vào hoạt động bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống; phát huy vai trò chủ thể văn hóa, khơi dậy lòng tự hào đối với các giá trị văn hóa truyền thống, từng bước nhân rộng mô hình bảo tồn văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/bao-ton-phat-huy-ban-sac-van-hoa-dan-toc-lu-5699848.html