Bảo tồn, phát huy các tác phẩm văn học dân gian
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng đã ký ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị văn học dân gian (VHDG) của các dân tộc thiểu số (DTTS) đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Việc bảo tồn và phát huy các tác phẩm VHDG còn hướng tới mục tiêu đưa tác phẩm VHDG vào sinh hoạt thường xuyên tại những thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở nhằm định hướng cho người dân ý thức giữ gìn, bảo tồn VHDG của dân tộc mình. Bên cạnh đó, thực hiện các chương trình, dự án, kế hoạch bảo tồn, phát huy tác phẩm VHDG của các DTTS để góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam với đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học.
Một trong những quan điểm của tỉnh trong việc bảo tồn và phát huy giá trị VHDG là đảm bảo sự gắn kết, kết nối chặt chẽ với bảo tồn, phát huy các thành tố văn hóa khác như: phong tục, tập quán, tiếng nói, chữ viết, trang phục, dân ca, dân vũ, dân nhạc… Trong quá trình bảo tồn cần có sự tiếp thu, phát triển đồng thời phải đảm bảo giữ gìn được những nội dung cơ bản, cốt lõi mang bản sắc dân tộc trong kho tàng VHDG của các DTTS. Đặc biệt, cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, trọng tâm là công nghệ số để nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, lưu trữ, bảo tồn, phát huy, tuyên truyền, quảng bá các tác phẩm VHDG tiêu biểu, nhất là những tác phẩm, thể loại có nguy cơ mai một cao.
Theo kế hoạch, giai đoạn 2023-2026, toàn tỉnh phấn đấu sưu tầm, số hóa, xuất bản 40% tác phẩm VHDG của các DTTS, xây dựng cơ sở dữ liệu số về VHDG các DTTS để lưu trữ, nghiên cứu, tổ chức xuất bản, phát huy truyền dạy. Đến giai đoạn 2027-2030, mục tiêu trên là 80%; đồng thời 80% tác giả, nghệ nhân thuộc lĩnh vực di sản phi vật thể nói chung và VHDG của các DTTS nói riêng được hưởng chính sách hỗ trợ trong hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.