Bảo tồn, phát huy giá trị Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ
Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ mang những thông điệp văn hóa quá khứ bị lãng quên do hoàn cảnh lịch sử. Những di tích, di vật tìm được phản ánh nhiều mặt về đời sống xã hội, tinh thần, kinh tế của Vương quốc Champa tại vùng đất Amaravati từ thế kỷ X đến thế kỷ XII.
Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) được lấy tên theo làng Phong Lệ xưa. Khu di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ tình cờ được phát hiện vào tháng 4/2011, khi gia đình ông Ông Văn Tồn và bà Lê Thị Út, trú tại xóm Cấm, tổ 3, phường Hòa Thọ Đông đào móng làm nhà và phát hiện một pho tượng cổ đầu người mình chim cùng nhiều gạch Chăm.
Qua 3 đợt khai quật, nhiều dấu vết kiến trúc Chăm xuất lộ, cùng một số hiện vật còn sót lại. Đợt khai quật năm 2012 do Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng phối hợp với Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) đã làm phát lộ khá rõ ràng và chính xác toàn bộ quy mô và cấu trúc nền móng của 1 tòa tháp Chăm rất lớn. Đặc biệt, lần đầu tiên đã khai quật được 1 “hố thiêng” có bố cục hoàn toàn khác lạ với các di tích đã biết.
Đoàn khảo cổ nhận định Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ là một tổ hợp kiến trúc phân bố trên một gò đất cao, được bao quanh bởi một dòng chảy cổ thuộc dòng sông Cẩm Lệ. Di tích được người Chăm khởi dựng vào khoảng đầu thế kỷ X và được duy trì thờ tự cho đến ít nhất vào thế kỷ XII.
Ông Phan Công Hải, Phó Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho biết, theo các chuyên gia, sự xuất hiện của tháp Phong Lệ với kỹ thuật xây cất, chạm khắc trên gạch truyền thống kỹ thuật Champa cũng như những tác phẩm điêu khắc đá mang kỹ thuật, đề tài nội dung tôn giáo truyền thống với phong cách thể hiện vừa có tính truyền thống, vừa manh nha dấu hiệu đột phá của một phong cách nghệ thuật mới là đóng góp sáng giá vào việc tìm hiểu về nghệ thuật kiến trúc tháp, nghệ thuật điêu khắc đá Champa trong tiến trình phát triển của nền văn hóa này. Đây chính là tư liệu quý, những đóng góp mới cho việc nghiên cứu bản sắc văn hóa Champa, một bộ phận quan trọng của nền văn hóa dân tộc trong lịch sử.
Đặc biệt, việc tìm thấy “hố thiêng” còn nguyên vẹn trong lòng tháp là một phát hiện mới, có ý nghĩa khoa học lớn trong quá trình khảo cổ, nghiên cứu đối với kiến trúc và nền văn hóa Chăm còn nhiều ẩn số. Đây là hố thiêng có kích thước lớn nhất trong các hố thiêng của đền tháp Chăm được phát hiện đến thời điểm này.
Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Quang Nam cho biết, thời gian tới, Thành phố sẽ thực hiện việc tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di sản; tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức cộng đồng để cùng chung tay bảo vệ và phát huy bền vững các giá trị của di tích. Kết hợp chặt chẽ với ngành du lịch trong việc xây dựng các chương trình, các tour du lịch đến với di tích nhằm giới thiệu cho du khách biết nơi đây là mảnh đất có bề dày văn hóa, lịch sử. Ngoài ra, Thành phố cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu để làm sáng tỏ hơn nữa các tầng ý nghĩa của di tích này.