Bảo tồn, phát triển cây dược liệu ở Khu bảo tồn các loài hạt trần quý hiếm Nam Động

Khu bảo tồn (KBT) các loài hạt trần quý hiếm Nam Động có diện tích 623 ha, nằm trên địa bàn 2 huyện Quan Hóa và Quan Sơn (Thanh Hóa). Đây là KBT tự nhiên có tính đa dạng sinh học cao với các loài hạt trần quý hiếm và nhiều loại cây dược liệu có giá trị.

Mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng ở KBT các loài hạt trần quý hiếm Nam Động.

Mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng ở KBT các loài hạt trần quý hiếm Nam Động.

Theo kết quả điều tra, KBT các loài hạt trần quý hiếm Nam Động hiện có 467 loài cây dược liệu, trong đó có 30 loài dược liệu nguy cấp quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam.

Trước khi thành lập KBT, người dân sinh sống ở khu vực này đã tự phát vào rừng khai thác cây dược liệu dẫn đến tình trạng suy kiệt về số lượng và trữ lượng.

Để bảo tồn và phát triển cây dược liệu trong KBT, những năm gần đây thông qua các hoạt động khoa học, Hạt Kiểm lâm Quan Hóa đã triển khai một số chương trình, dự án khoa học nhằm bảo tồn, phát triển các loại cây dược liệu đặc trưng, bước đầu mang lại thành công nhất định; đồng thời bảo vệ nghiêm ngặt rừng tự nhiên, ngăn chặn triệt để tình trạng người dân vào rừng khai thác cây thuốc.

Cùng với đó, đơn vị đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia quản lý bảo vệ rừng và khai thác hợp lý các loài cây thuốc ở khu vực vùng đệm.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm Quan Hóa đánh giá sự sinh trưởng của cây dược liệu.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm Quan Hóa đánh giá sự sinh trưởng của cây dược liệu.

Nhờ vậy, đến nay trong rừng tự nhiên, nhiều loài cây thuốc thân gỗ và thân mộc lan đang tái sinh với số lượng lớn. Trong đó có các loài cây thân mộc và đặc biệt là các loại dược liệu đặc hữu như thông pà cò, lam kim tuyến, tắc kè đá...

Để bảo tồn và phát huy giá trị của cây dược liệu gắn với tạo sinh kế cho người dân sinh sống quanh KBT, năm 2021 Hạt Kiểm lâm Quan Hóa đã triển khai Dự án “Thực hiện mô hình trồng 3 loài cây thuốc dưới tán rừng nhằm bảo tồn nguồn gen một số loài dược liệu phù hợp với điều kiện tự nhiên, đất đai thổ nhưỡng”. Ba loài cây dược liệu được lựa chọn gồm ngũ gia bì, khúc khắc và huyết đằng. Đây là những loài dược liệu bản địa, phân bố rộng trong rừng tự nhiên nhưng đang bị suy giảm nghiêm trọng. Mô hình này được thực hiện tại bản Bâu, xã Nam Động (Quan Hóa), với tổng diện tích 1,5 ha dưới tán rừng trồng. Nguồn giống được cán bộ kỹ thuật thu hái và nhân giống tại chỗ.

Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Quan Hóa Lê Văn Sơn cho biết: Trong quá trình nhân giống từ tự nhiên, cán bộ kỹ thuật của đơn vị đã tiến hành cắt hom, chọn những cành bánh tẻ không già, không non, cây không bị sâu bệnh, tạo ra các khúc hom từ 12 đến 25cm đưa vào môi trường ẩm, phun thuốc kích rể. Khi phát triển tốt, đưa ra trồng tại mô hình.

Sau 4 năm trồng thử nghiệm, kết quả cho thấy các loại cây dược liệu này dễ trồng, dễ chăm sóc và sinh trưởng rất tốt dưới tán rừng trồng. Hai loại cây ngũ gia bì và huyết đằng sau hơn 3 năm trồng đã có thể thu hoạch làm nguyên liệu hoặc làm giống.

Hiện nay, khúc khắc và huyết đằng tươi đang có giá bán dao động từ từ 90.000 -100.000 đồng/kg. Theo tính toán của Hạt Kiểm lâm Quan Hóa, với diện tích 1,5 ha cây dược liệu khúc khắc, huyết đằng và ngũ gia bì phân tán dưới tán rừng, có thể cho thu hoạch khoảng 150kg dược liệu, giá trị khoảng 15 triệu đồng.

Hạt kiểm lâm Quan Hóa đang tiếp tục nhân rộng mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng tự nhiên và rừng sản xuất ở KBT các loài hạt trần quý hiếm Nam Động, góp phần bảo tồn và phát triển các loại dược liệu quý, đồng thời tạo sinh kế nhằm xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho Nhân dân vùng lõi và vùng đệm, giúp họ yên tâm bám rừng, giữ rừng.

Bài và ảnh: Khắc Công

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/bao-ton-phat-trien-cay-duoc-lieu-o-khu-bao-ton-cac-loai-hat-tran-quy-hiem-nam-dong-32141.htm