Bảo tồn, phát triển nguồn gen, bảo vệ đa dạng sinh học
Lâm Đồng là tỉnh có đa dạng sinh học với nhiều kiểu hệ sinh thái, các loài sinh vật và nguồn gen phong phú, đặc hữu; tuy nhiên, nguồn gen đang dần bị thoái hóa và nhiều loài có nguy cơ bị tuyệt chủng do khai thác không hợp lý. Nhằm bảo vệ các hệ sinh thái, sự đa dạng loài và đa dạng di truyền nguồn gen, việc ứng dụng khoa học hiện đại kết hợp với tri thức truyền thống góp phần bảo tồn, lưu giữ nguồn gen động vật, thực vật và vi sinh vật khởi thủy phục vụ nghiên cứu khoa học, cải tạo giống, bảo tồn và phát triển nguồn gen, bảo vệ đa dạng sinh học đã được đặt ra cấp bách.
Thực hiện Quy hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh đến năm 2020, định hướng 2030 và Đề án khung nhiệm vụ khoa học công nghệ (KHCN) về quỹ gen tỉnh Lâm Đồng 2021 - 2025; đến nay, các trung tâm, viện nghiên cứu toàn tỉnh đã bảo tồn, lưu giữ 781 nguồn gen rau, hoa, cây ăn quả; 74 nguồn gen giống cây dược liệu; 81 nguồn gen giống dâu; 47 nguồn gen giống tằm; 74 nguồn gen chè; 10 nguồn gen cây rừng quý hiếm. Hiện nguồn gen vẫn đang bị suy thoái nghiêm trọng, nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng do khai thác quá mức. Sự phân mảnh và suy thoái hệ sinh thái do phá rừng làm đất nông nghiệp, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng với quy mô lớn; ô nhiễm môi trường; du nhập và xâm lấn của các loài ngoại lai… đã làm mất đi, làm pha tạp nhiều nguồn gen quý hiếm của tỉnh.
Theo thống kê, 12 năm qua (2012 - 2024), Sở KHCN Lâm Đồng đã triển khai 21 nhiệm vụ cấp tỉnh liên quan đến hoạt động nghiên cứu, bảo tồn và phát triển nguồn gen cây trồng nông nghiệp, lâm nghiệp, cây cảnh quan, nấm, dược liệu, vật nuôi, thủy sản, vi sinh vật. Các nghiên cứu đã bổ sung vào danh mục, bảo tồn và phát triển một số nguồn gen đang có nguy cơ bị mất và bị giảm số lượng; khôi phục và bảo vệ một số nguồn gen được xác định ưu tiên. Nhiều kết quả nghiên cứu đã từng bước đưa vào ứng dụng, sản xuất, tạo nên sản phẩm thương mại phục vụ con người như Atiso, đẳng sâm, đông trùng hạ thảo, các loại nấm ăn, nấm linh chi…
Cụ thể, ngành KHCN đã thực hiện 8 nhiệm vụ liên quan đến nguồn gen cây trồng nông nghiệp. Đối với Atiso, đã nhập nội để tuyển chọn 6 giống Atiso có năng suất chất lượng cao phù hợp ăn tươi và chế biến; di thực được 2 giống từ Lào Cai (thích ứng với khí hậu cho năng suất, chất lượng); phục tráng 2 giống hiện có trên địa bàn tỉnh; xây dựng quy trình canh tác giống Atiso nhập nội.
Với cây bơ, đã bình tuyển được 6 cây bơ năng suất cao, chất lượng tốt tại Lâm Đồng, di thực được 2 dòng bơ cho năng suất cao, chất lượng tốt từ Đắk Lắk về trồng khảo nghiệm; xây dựng được 1 mô hình vườn nhân chồi các giống bơ bình tuyển và di thực, 1 mô hình vườn sản xuất giống bơ bằng phương pháp ghép. Qua đó xác định các dòng bơ di thực và bình tuyển sinh trưởng, phát triển mạnh hơn khi được trồng tại Di Linh và Bảo Lâm; trong đó dòng BLD9056 có ưu thế phát triển vượt trội ở tất cả các mô hình tại 4 vùng sinh thái.
Với cây cà phê, đã chọn được 3 giống cà phê chè lai có khả năng thích ứng tốt tại hầu hết các vùng trồng của tỉnh, cho năng suất trên dưới 3 tấn nhân/ha. Với cây hồng, đã trồng mới 3 vườn giống gốc Fuyu và Jiro tại Đà Lạt, Lạc Dương, Đơn Dương với 90 cây làm cơ sở cung cấp mắt ghép cho cải tạo. Với cây đào, cây mận, đã khảo nghiệm các giống nhập nội và tuyển chọn được 2 giống ưu tú; đã chuyển giao cho nông dân 2 quy trình kỹ thuật canh tác tại Đà Lạt, Lạc Dương…
Các nguồn gen các loại cây lâm nghiệp, cây cảnh quan, cây rừng cũng được chú trọng nghiên cứu bảo tồn, trong đó nhiệm vụ “Điều tra sưu tập và nhân giống các loài trà mi” đã cung cấp danh lục trà mi bản địa 21 loài, thu mẫu tư liệu hóa 11 loài, công bố 2 loài mới (trà mi Đà Lạt, trà mi Di Linh), thực hiện các biện pháp nhân giống (giâm hom, chiết cành, nuôi cấy mô tế bào). Đề tài “Tuyển chọn một số loài thông Caribe, bạch tùng, thông 5 lá bổ sung tập đoàn cây trồng rừng kinh tế tại Lâm Đồng”, đã xây dựng 3 mô hình trồng thông Caribe, 1 mô hình trồng bạch tùng.
Việc bảo tồn phát triển nguồn gen các loài nấm và cây dược liệu đã đưa vào sản xuất và phục vụ đời sống. Có thể kể các đề tài: Nghiên cứu nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo tại Lâm Đồng; Nghiên cứu xây dựng quy trình nhân giống và nuôi trồng cây sói rừng làm dược liệu; Nghiên cứu, đánh giá khả năng khai thác và sử dụng cây đẳng sâm tại Lâm Đồng làm dược liệu…
Bên cạnh đó, việc nghiên cứu bảo tồn, phát triển các nguồn gen vật nuôi, thủy sản cũng được chú trọng qua các nhiệm vụ KHCN như: Lai tạo giống bò thịt cao sản thích hợp với điều kiện chăn nuôi tại Lâm Đồng; Nghiên cứu các đặc điểm di truyền phân tử của quần thể bò lai tự nhiên giữa bò tót và bò nhà tạo cơ sở cho công tác chọn giống; Nghiên cứu quy trình sinh sản nhân tạo giống cá hồi tại Lâm Đồng.
Bà Phạm Thị Nhâm - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Trong thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục tiến hành nghiên cứu đầy đủ, mang tính hệ thống, lâu dài, dài hạn giải quyết các vấn đề về thu thập, về đánh giá giá trị nguồn gen, đánh giá di truyền, đánh giá tổng thể nguồn gen và phát triển nguồn gen; tiến hành tư liệu hóa các nguồn gen, thực hiện đăng ký bản quyền nguồn gen đã có. Để làm được điều đó cần xây dựng cơ sở, trung tâm lưu trữ nguồn gen chung của tỉnh; cần có sự phối hợp giữa nhà khoa học, doanh nghiệp trong việc thương mại hóa, biến nguồn gen quý hiếm thành sản phẩm hàng hóa có giá trị; có phương thức đa dạng hóa để bảo tồn nguồn gen như: hình thành các tour du lịch tham quan các khu bảo tồn, giới thiệu giá trị của từng giống, loài để mọi người cùng chung sức đồng lòng có trách nhiệm bảo tồn nguồn gen; tạo sinh kế cho cộng đồng để hạn chế những tác động bất lợi lên hệ sinh thái.