Bảo tồn sinh vật biển tại huyện đảo Bạch Long Vĩ
Khu bảo tồn (KBT) biển Bạch Long Vĩ trực thuộc UBND TP Hải Phòng là KBT biển quốc gia đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập, cho thấy vị thế và giá trị của hòn đảo này.
Sau hơn 10 năm hoạt động, hệ sinh thái biển quanh đảo Bạch Long Vĩ đã từng bước được phục hồi; người dân huyện đảo thay đổi nhận thức, tích cực tham gia vào việc bảo tồn hệ sinh thái biển để hoạt động khai thác, nuôi trồng hải sản phát triển bền vững...
Vùng biển Bạch Long Vĩ là một trong 8 ngư trường lớn của khu vực vịnh Bắc Bộ, với diện tích 1.500 hải lý vuông, trữ lượng cá khoảng 78.000 tấn. Với điều kiện tự nhiên như vậy, hoạt động khai thác hải sản ở đây phát triển mạnh trong những năm qua. Tuy nhiên, việc khai thác "nóng", theo kiểu tận diệt đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường, suy giảm hệ sinh thái biển quanh đảo Bạch Long Vĩ. Để giúp bảo vệ và phát triển hệ sinh thái tại vùng biển Bạch Long Vĩ, ngày 31-12-2013, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2630/QĐ-TTg thành lập KBT biển Bạch Long Vĩ.
![Người dân khai thác hải sản trên đảo Bạch Long Vĩ.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_09_16_51429805/65459f62a52c4c72153d.jpg)
Người dân khai thác hải sản trên đảo Bạch Long Vĩ.
Với diện tích hơn 27.000ha, KBT này được chia thành phân khu bảo vệ nghiêm ngặt; phân khu phục hồi sinh thái; phân khu phát triển, tiếp đến là vùng biển phía ngoài KBT và khu vực vành đai bảo vệ. Anh Lê Văn Ngọc, cán bộ KBT biển Bạch Long Vĩ cho biết: “Vùng biển này phân bố nhiều loài quý hiếm thuộc sự quản lý của KBT biển như hải sâm, ốc nón, ốc hương, ngoài ra còn có rạn đá, rạn san hô, cỏ biển... Từ khi KBT đi vào hoạt động, số lượng các loài sinh vật biển, tôm, cá đã tăng lên đáng kể. Theo kế hoạch, hằng ngày, cán bộ KBT cùng lực lượng kiểm ngư tiến hành tuần tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động đánh bắt, ngăn chặn các hành vi xâm phạm khu vực bảo tồn”.
Theo ông Nguyễn Sĩ Bắc, ngư dân sinh sống hơn 20 năm tại khu dân cư số 2, huyện đảo Bạch Long Vĩ, thời gian trước, các hoạt động khai thác tận diệt bằng xung điện hay thuốc nổ diễn ra nhiều khiến nguồn hải sản quanh đảo suy giảm mạnh. Nhưng từ khi KBT biển Bạch Long Vĩ được thành lập thì tình hình đã chuyển biến. Được sự hướng dẫn, hỗ trợ của cán bộ KBT, lực lượng kiểm ngư, người dân trên đảo đã chấm dứt hoàn toàn các hành vi khai thác tận diệt. Ông Bắc và một số ngư dân đã tình nguyện tham gia tổ đội tuần tra trên biển để ngăn chặn các hành vi xâm phạm đến KBT. “Tham gia công tác bảo tồn trong KBT biển, chúng tôi chạy xuồng tuần tra ngày đêm trong khu vực bảo tồn, tuyên truyền nhắc nhở bà con không đánh bắt trong KBT khi hải sản đến mùa sinh sản. Lực lượng kiểm ngư tuyên truyền trong vùng bảo tồn không được khai thác bào ngư, ốc nón, hải sâm và phải bảo tồn các rạn san hô”, ông Bắc chia sẻ.
Hiện nay, vùng biển Bạch Long Vĩ có tới 395 loài, gồm 229 giống thuộc 105 họ với những loài có giá trị kinh tế cao, như: Cá song, cá mú, nhiều loài rong quý hiếm như rong câu, rong loa gai, rong mơ... Đặc biệt, trong phạm vi KBT biển đã có 94 loài san hô thuộc 27 giống, 12 họ. Nguồn lợi sinh vật phù du ở khu vực này khá phong phú với 227 loài thực vật phù du và 110 loài động vật phù du đã được phát hiện. Để đẩy mạnh hoạt động bảo tồn và khôi phục nguồn lợi thủy sản tại KBT biển Bạch Long Vĩ, lực lượng chức năng đã triển khai và thực hiện nghiêm các quy định của Luật Thủy sản năm 2017 kết hợp với hoạt động tuyên truyền đến người dân về bảo vệ tài nguyên, môi trường biển.
Cụ thể, trong năm 2024, Chi cục Kiểm ngư vùng 1 đã xử lý và phối hợp xử lý 5 trường hợp vi phạm pháp luật về hoạt động thủy sản trên vùng biển đảo Bạch Long Vĩ, tổng số tiền xử phạt hơn 144 triệu đồng; tổ chức các sự kiện tuyên truyền định kỳ hằng tháng, phát tờ rơi có nội dung về khai thác thủy sản đúng quy định pháp luật. Các hoạt động này đang góp phần giúp hệ sinh thái trong KBT biển Bạch Long Vĩ từng bước được phục hồi; đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của huyện đảo Bạch Long Vĩ, giúp huyện tiếp tục là trung tâm khai thác và hậu cần nghề cá lớn tại vịnh Bắc Bộ, hỗ trợ tốt cho các hoạt động phát triển kinh tế biển của người dân.
Đồng chí Nguyễn Tiến Dũng, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư vùng 1 cho biết: “Chung tay cùng chính quyền địa phương trong bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản khu vực đảo Bạch Long Vĩ nói chung, KBT biển nói riêng, chúng tôi sẽ tích cực thực hiện các giải pháp như: Tăng cường sự hiện diện trên biển, tích cực tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thủy sản trên khu vực, nhất là đối với những khu vực thuộc phạm vi quản lý của KBT biển. Đồng thời, thường xuyên phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân trên đảo về lợi ích và tầm quan trọng của việc bảo vệ, gìn giữ nguồn tài nguyên sinh vật trong vùng biển quanh đảo”.