Bảo tồn và phát huy âm nhạc các dân tộc

Sơn La có 12 dân tộc anh em cùng chung sống, mỗi dân tộc đều có những bản sắc văn hóa riêng. Bởi vậy, nghệ thuật âm nhạc các dân tộc cũng vô cùng phong phú, nhiều màu sắc, với những loại hình và hình thức diễn tấu khác nhau và có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần mỗi cộng đồng dân cư, thể hiện tâm tư tình cảm của con người trong cuộc sống.

Nghệ nhân ưu tú Lừ Hồng Xưa (thứ 4 từ phải sang) truyền dạy diễn tấu khèn bè cho các hạt nhân văn nghệ xã Chiềng Khoi, huyện Yên Châu.Ảnh: PV

Nghệ nhân ưu tú Lừ Hồng Xưa (thứ 4 từ phải sang) truyền dạy diễn tấu khèn bè cho các hạt nhân văn nghệ xã Chiềng Khoi, huyện Yên Châu.Ảnh: PV

Về nhạc cụ, đồng bào dân tộc Thái có các loại pí (pí pặp, pí thiu, pí tam lay...), khèn bè, tính tảu, trống, chiêng. Bà con dân tộc Mông có các loại sáo, khèn, đàn môi. Dân tộc Khơ mú có cọng linh, chiêng khỉ, hưn mạy, tăng bẳng. Người Mường có pí lè, trống, thanh la, chũm chọe. Người Dao có chuông, tù và...

Về loại hình dân ca cũng rất phong phú và đa dạng, như: Các bài khắp, hát đối đáp giao duyên, hạn khuống của đồng bào Thái; hát ru, hát than thân của dân tộc Mông, hay các làn điệu páo dung của người Dao... Tuy có sự khác biệt về giai điệu, ca từ, hình thức diễn sướng thể hiện, thế nhưng các làn điệu dân ca đều mang nội dung hướng tới những giá trị tốt đẹp, đề cao tinh thần lao động, sáng tạo, lẽ sống, ứng xử giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên, ca ngợi tình yêu, vẻ đẹp quê hương, làng bản... Âm nhạc dân gian các dân tộc không chỉ có giá trị nghệ thuật, mà còn là động lực giúp người dân thêm yêu cuộc sống, hăng say lao động sản xuất, xây dựng quê hương.

Nghệ nhân ưu tú Lừ Hồng Xưa, người được coi là “cây đại thụ” trong nghệ thuật diễn tấu và chế tác khèn bè của vùng đất Mường Vạt, Yên Châu, chia sẻ: Âm nhạc được ví như là linh hồn trong đời sống văn hóa của cộng đồng dân tộc Thái. Ngày nay, âm nhạc dân gian đã có nhiều thay đổi, đồng bào dân tộc Thái trình diễn những điệu xòe, điệu hát trên nền nhạc điện tử mới mẻ và sôi động. Tuy nhiên, thế hệ chúng tôi vẫn luôn hướng tới những giá trị truyền thống và nỗ lực truyền dạy cách thổi khèn bè, thổi pí, đánh trống chiêng cho con cháu mình, để những giá trị văn hóa dân tộc được sống mãi với thời gian.

Trước những thách thức của thời đại đối với văn hóa truyền thống, tỉnh Sơn La đã thực hiện nhiều giải pháp để phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nhất là âm nhạc dân gian. Năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La gắn với phát triển du lịch” giai đoạn 2022-2030, với 8 nội dung nhiệm vụ. Trọng tâm là phát huy vai trò của các chủ thể văn hóa trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số; tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp; khích lệ sáng tạo các giá trị văn hóa mới; gắn kết giữa phát triển kinh tế với bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số. Đồng thời tăng cường đầu tư, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, bảo tồn và phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số ở Sơn La.

Cán bộ Nhà hát Ca múa nhạc tỉnh (thứ 2 từ phải sang) tập huấn thổi khèn môi cho hạt nhân văn nghệ xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ.

Cán bộ Nhà hát Ca múa nhạc tỉnh (thứ 2 từ phải sang) tập huấn thổi khèn môi cho hạt nhân văn nghệ xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ.

Nghệ sĩ ưu tú Phạm Hồng Thu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Triển khai thực hiện Đề án, trong năm 2023, Sở đã phối hợp với các địa phương trong tỉnh, tổ chức 12 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho hơn 500 học viên là công chức văn hóa xã, trưởng bản, nghệ nhân, hạt nhân văn nghệ trong công tác quản lý, gìn giữ và phát huy giá trị nghệ thuật trình diễn dân gian các dân tộc thiểu số. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng chương trình biểu diễn văn nghệ dân gian, phục dựng một số làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc tiêu biểu nhằm phục vụ hoạt động trải nghiệm của khách du lịch tại các khu, điểm du lịch và bản du lịch cộng đồng.

Hiện nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tham mưu với tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách; trong đó tập trung vào những nghệ nhân, người đóng vai trò quan trọng trong việc truyền dạy các giá trị văn hóa. Triển khai số hóa dữ liệu dân ca, dân vũ, dân nhạc và các loại hình di sản truyền thống của các dân tộc thiểu số, phục vụ cho công tác bảo tồn, nghiên cứu khoa học, giảng dạy và tuyên truyền, quảng bá, phát triển du lịch.

Hoàng Giang

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/van-hoa-xa-hoi/bao-ton-va-phat-huy-am-nhac-cac-dan-toc-E2G1XlyIR.html