Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Mường Vang

Với khoảng 3,8 vạn dân, trong đó dân tộc Mường chiếm 91%, huyện Lạc Sơn tự hào là 1 trong 4 vùng Mường có đời sống văn hóa giàu bản sắc cùng bề dày lịch sử hàng nghìn năm. Tuy nhiên, quá trình tiếp biến và giao thoa về kinh tế, văn hóa, nền kinh tế thị trường, cách mạng Công nghiệp 4.0 đã tác động đến giá trị văn hóa các dân tộc nói chung, dân tộc Mường nói riêng. Một số loại hình di sản văn hóa phi vật thể, nghệ thuật truyền thống có nguy cơ bị mai một.

Thế hệ trẻ xã Văn Sơn (Lạc Sơn) tìm hiểu về bản sắc văn hóa Mường qua gặp gỡ, trao đổi với nghệ nhân ưu tú Bùi Văn Minh (thứ 2 bên phải).

Thế hệ trẻ xã Văn Sơn (Lạc Sơn) tìm hiểu về bản sắc văn hóa Mường qua gặp gỡ, trao đổi với nghệ nhân ưu tú Bùi Văn Minh (thứ 2 bên phải).

Theo đồng chí Bùi Văn Kía, Phó Bí thư TT Huyện ủy, nguyên nhân của sự mai một do nhận thức của một số cấp ủy Đảng, chính quyền chưa coi trọng việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Hệ thống chính trị và người dân chưa có sự vào cuộc. Công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức chưa thường xuyên, liên tục, nhận thức của người dân, nhất là thế hệ trẻ còn hạn chế. Nguồn lực đầu tư cho công tác này có hạn…

Thời gian qua, Huyện ủy đã ban hành một số nghị quyết tập trung chỉ đạo xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. UBND huyện mở các lớp truyền dạy chiêng Mường, chữ Mường, mo Mường, lớp nghề thủ công mây tre đan truyền thống. Thành lập các câu lạc bộ (CLB) văn hóa, văn nghệ, thơ ca, bao gồm 24 đội thông tin tuyên truyền cấp xã, thị trấn; 5 CLB hát thường rang, bộ mẹng, 1 CLB mo Mường, 3 CLB thơ ca, 252 đội văn nghệ xóm, phố. Bên cạnh đó, phục dựng được 10 lễ hội truyền thống; 16 di tích được công nhận, gồm 3 di tích cấp quốc gia, 13 di tích cấp tỉnh; 3 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào đề án bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; lưu giữ trên 12.000 ngôi nhà sàn Mường, 3.000 chiêng Mường.

Đặc biệt, để tiếp tục kế thừa, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, BCH Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/HU, ngày 20/12/2021 về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường trên địa bàn. Mục tiêu đặt ra là các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể được đầu tư, tôn tạo, sưu tầm, lưu giữ, đáp ứng yêu cầu bảo tồn, phát huy giá trị.

Hiện nay, loại hình văn hóa vật thể trên địa bàn huyện bao gồm hệ thống 16 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được các cấp công nhận. 188 di tích và danh lam thắng cảnh cấp huyện được tỉnh kiểm kê và đưa vào danh sách bảo vệ. Về văn hóa phi vật thể cũng rất phong phú, trong đó tục ăn cơm mới, tục ăn Tết Độc lập tạo nên nét bản sắc dân tộc riêng có. Nghị quyết số 08-NQ/HU xác định việc bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc dân tộc Mường là một "mặt trận”, yêu cầu cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở cùng tham gia. Trong giai đoạn 2021 - 2025, huyện tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, trước hết là tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền đối với việc bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mường; phát triển KT-XH, nâng cao dân trí, tạo điều kiện về nguồn lực và nhận thức; đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống, tuyên truyền về văn hóa Mường trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội và hình thức tuyên truyền trong các nhà trường; gắn bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc với phát triển du lịch; xây dựng không gian văn hóa Mường là nơi bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của người Mường địa phương; bảo tồn, tôn tạo, nâng cấp các di tích lịch sử, văn hóa, nơi thờ tự tín ngưỡng; phục dựng, tổ chức các lễ hội, tín ngưỡng, văn hóa; nghiên cứu, sưu tập, tìm ra những hủ tục lạc hậu để có biện pháp hạn chế, giảm thiểu những ảnh hưởng bất lợi, tiến tới xóa bỏ để đổi mới trong nếp sống của người Mường theo hướng giàu bản sắc, văn minh, hiện đại…

Bùi Minh

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/16/165402/bao-ton-va-phat-huy-ban-sac-van-hoa-muong-vang.htm