Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Hà Nam
Trong dòng chảy của lịch sử với nền văn hóa riêng biệt đó, tiền nhân để lại gần 2.000 di tích, di sản văn hóa cả vật thể và phi vật thể đã thúc đẩy công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản của Hà Nam thêm nhiều bước tiến mới.
Khẳng định Giá trị lịch sử, văn hóa từ khảo cổ học
Nhận thức sâu sắc về giá trị các di tích khảo cổ, những năm qua, các cấp lãnh đạo và ngành VH,TT&DL luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho việc nghiên cứu khảo cổ học, đồng thời đẩy mạnh công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích khảo cổ. Trong nỗ lực chung của ngành khảo cổ học, sự phối hợp của các địa phương và những cơ quan liên quan, khảo cổ học ở Hà Nam có thêm nhiều phát hiện mới lý thú, minh chứng cho quá trình tiến hóa của con người cùng di tồn văn hóa thời tiền sử ở Việt Nam trên địa bàn tỉnh.
Từ năm 2021 - 2023, Sở VH,TT&DL đã phối hợp với Viện Khảo cổ học tổ chức điều tra hệ thống các di tích trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh các hoạt động khảo sát, điền dã tại thực địa, Viện Khảo cổ học, Sở VH,TT&DL đã phối hợp thực hiện một số cuộc khai quật trên địa bàn các huyện Thanh Liêm, Kim Bảng và thị xã Duy Tiên. Tổ chức khai quật dấu tích kiến trúc chùa Vân Mộng thuộc danh thắng Bát Cảnh Sơn, xã Tượng Lĩnh (Kim Bảng) thu được 315 hiện vật và mảnh, đặc biệt trong đó có một số bát đĩa gốm men thời Trần. Qua đó xác định sự tồn tại của chùa Vân Mộng ở thời Trần (thế kỷ 14), sau đó trải qua các triều đại liên tục được trùng tu, tôn tạo và mở rộng để trở thành một trung tâm lớn đào tạo các tăng đồ và truyền thụ giáo lý của Phật giáo. Đặc biệt, lần trùng tu và mở rộng lớn nhất được tiến hành dưới thời Lê Trung Hưng (thế kỷ 17) với sự hưng công của các tín chủ là những người có vị trí vai trò quan trọng bậc nhất trong triều đình.
Tại huyện Thanh Liêm, Viện Khảo cổ học và Sở VH,TT&DL đã phối hợp khai quật khẩn cấp động Tiên Thánh Công Chúa, thuộc thị trấn Kiện Khê. Tại hố khai quật phát hiện một số mảnh tước và hạch cuội nguyên liệu có nguồn gốc sông suối. Đáng chú ý, một số vị trí sâu nhất trên nền hang tại di tích phát hiện sự có mặt của lớp ngói cùng than tro, nồi đất nung, đinh sắt, mảnh gốm men thời Thanh cũng được phát hiện. Cũng tại huyện Thanh Liêm, đoàn khảo cổ còn tiến hành khai quật dấu tích đền Thượng thuộc cụm di tích đền Lăng, xã Liêm Cần. Quá trình khai quật cho thấy, khu vực dấu tích đền Thượng chỉ có một lớp văn hóa, thể hiện 2 thời kỳ, thời Lý/Trần và thời Nguyễn, nằm đan xen nhau. Về tính chất di tích, đền Thượng là địa điểm thể hiện văn hóa phi vật thể, đã từng là nơi thực hiện nghi thức tế lễ, cầu đảo của quốc gia, bắt đầu từ thế kỷ 10, tồn tại ở thời Lý và thời Trần.
Đặc biệt, tại Tam Chúc – Ba Sao các chuyên gia Viện khảo cổ và Bảo tàng tỉnh Hà Nam đã tiến hành điều tra, khảo sát, phát hiện hàng chục hang động, mái đá, giếng Cactx-tơ, cồn hến… không chỉ có giá trị về mặt cảnh quan, du lịch, mà còn giá trị về khảo cổ. Việc phát hiện các di tích văn hóa Hòa Bình trong vùng lõi của Danh lam thắng cảnh Tam Chúc khẳng định cư dân văn hóa Hòa Bình đã có sự thích ứng với điều kiện môi trường tương đối khắc nghiệt ở đây. Những thông tin có được sẽ không chỉ làm phong phú di sản và sự hiểu biết về hành vi của người xưa nơi đây, mà còn đóng vai trò là một tham khảo vô giá đối với quá trình thích ứng và tái định cư của tiền nhân.
Những kết quả điều tra, thăm dò, khai quật, nghiên cứu khảo cổ học trên cho thấy tiềm năng nghiên cứu khảo cổ học ở tỉnh Hà Nam còn rất lớn, đó là tư liệu vật chất quan trọng góp phần nhận thức mới nhất về khảo cổ học tiền sử Hà Nam. Đồng thời là cơ khoa học để Sở VH,TT&DL tham mưu, đề xuất với tỉnh triển khai nhiều chương trình, dự án mở rộng khai quật, nghiên cứu khảo cổ và đẩy mạnh công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích khảo cổ học, phục vụ việc nghiên cứu lịch sử văn hóa tỉnh nhà, xây dựng hồ sơ di sản, quy hoạch di sản, bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di tích và các nguồn tài nguyên văn hóa Hà Nam còn tiềm ẩn trong lòng đất. Những kết quả đó còn góp phần tư vấn chính sách cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện bảo vệ cấp thiết di sản văn hóa dân tộc theo quy định của pháp luật, góp phần xây dựng nền văn hóa, con người Hà Nam trong sự phát triển bền vững đất nước.
Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Ảnh: Bình Nguyên
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong đời sống hiện đại
Hà Nam là một vùng đất cổ, có lịch sử phát triển lâu đời. Đây cũng là nơi tụ cư của người Việt cổ. Trải qua quá trình tụ cư, khai thác vùng đất trũng Hà Nam, bao lớp người xưa cũng để lại trên vùng đất này số lượng di tích dày đặc. Các di tích phân bố đều khắp ở hơn 685 thôn, xóm, tổ phố với tổng số 1.888 di tích. Trong số các di tích trên, có nhiều di tích có lịch sử lâu đời, kiến trúc quy mô, nghệ thuật chạm khắc độc đáo, tiêu biểu, như: chùa Đọi Sơn; đền Trần Thương; đền Lăng; chùa Bà Đanh, đền Trúc – Ngũ Động Sơn; đền Lảnh Giang… Tính đến hết tháng 9/2023, Hà Nam có 230 di tích được xếp hạng, trong đó có 2 di tích quốc gia được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (chùa Đọi Sơn và đền Trần Thương), 95 di tích cấp Quốc gia và 133 di tích cấp tỉnh. Từ năm 2009 đến tháng 8/2023, toàn tỉnh có gần 80 di tích, cụm di tích được bảo quản, tu bổ, phục hồi bằng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có 11 di tích được tu bổ lớn, gồm: chùa Đọi Sơn, Từ đường Nguyễn Khuyến, đình Vị Hạ, đình Đồng Du Trung, đền Trần Thương, đình Văn Xá, đình Hòa Ngãi, đình An Hòa, chùa Quế Lâm, đền Trúc, chùa Bà Đanh.
Cùng với kho tàng di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Hà Nam cũng khá phong phú và riêng có. Đó là những làn điệu dân ca độc đáo, mang đậm bản sắc của vùng quê trồng lúa nước: Hát Dậm Quyển Sơn (Thi Sơn, Kim Bảng), hát Lải Lèn (Bắc Lý, Lý Nhân), hát Trống quân (Liêm Thuận, Thanh Liêm), hát giao duyên ngã ba sông Móng (Bình Lục, Duy Tiên, Lý Nhân). Những đặc sản ẩm thực nổi tiếng, như: Cá kho Nhân Hậu, chuối ngự Đại Hoàng (Lý Nhân); đậu Đầm, bún Tái, bánh cuốn chả, bánh đa cá rô (Phủ Lý); rượu Vọc (Bình Lục), rượu Bèo (Duy Tiên), bánh đa Kiện Khê (Thanh Liêm) và hàng trăm loại hình di sản văn hóa phi vật thể khác… Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, hiện Hà Nam đã có 13 di sản văn hóa phi vật thể được ghi tên vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Ngoài ra, theo số liệu kiểm kê, Hà Nam còn có trên 100 lễ hội truyền thống và hơn 40 làng nghề thủ công truyền thống. Trong các lễ hội có một số lễ hội vùng được tổ chức quy mô lớn, như các lễ hội: đền Trần Thương (Lý Nhân); Tịch điền, đền Lảnh Giang, chùa Đọi (Duy Tiên); chùa Bà Đanh (Kim Bảng); Vật võ Liễu Đôi (Thanh Liêm), lễ hội và “Nghi lễ Chầu văn của người Việt ở Hà Nam”… đều đã được ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Để công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản trong giai đoạn tới đạt hiệu quả, ông Mai Thành Chung, Giám đốc Sở VH,TT&DL cho biết: Cần tập trung đầu tư bảo quản, tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa có giá trị tiêu biểu, gắn việc bảo tồn, phát huy với phát triển du lịch. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong việc số hóa di sản văn hóa phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá di sản, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững. Lập quy hoạch các di tích trọng điểm, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển kinh tế - xã hội. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa, quản lý tốt công tác tu bổ, bảo quản di tích, tổ chức tốt các lễ hội, góp phần giáo dục truyền thống, phát triển du lịch và hoạt động quảng bá hình ảnh quê hương, con người Hà Nam đến với du khách trong nước và nước ngoài.