Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa khu phố cổ Hà Nội
Nhận thức rõ khu Phố cổ Hà Nội có giá trị đặc biệt trong lòng Thủ đô, quận Hoàn Kiếm đã triển khai nhiều hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị trong những năm qua.
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, không gian sáng tạo
Khu phố cổ Hà Nội thuộc quận Hoàn Kiếm có tổng diện tích khoảng 100 ha, có địa giới được phân định với các đường phố như: phía Bắc là phố Hàng Đậu, phía Tây là phố Phùng Hưng, phía Nam là các phố Hàng Bông, Hàng Gai, Cầu Gỗ và Hàng Thùng, phía Đông là đường Trần Quang Khải và đường Trần Nhật Duật. Hiện khu phố cổ gồm 76 tuyến phố thuộc 10 phường (phường Hàng Đào, Hàng Bạc, Hàng Buồm, Hàng Bồ, Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Mã, Đồng Xuân, Cửa Đông, Lý Thái Tổ).
Nơi đây hiện còn lưu giữ được những nếp nhà với kiến trúc cổ, độc đáo, phản ánh đặc điểm địa lý và điều kiện sinh hoạt của người dân Thủ đô nói riêng, người Việt nói chung từ ngàn đời nay. Các tên phố thường là tên phường nghề, tên của các sản phẩm được người dân sản xuất và buôn bán từ xa xưa... Đây là nơi tập trung đông dân cư của Thủ đô với các tuyến phố kinh doanh tấp nập, nhộn nhịp.
Không chỉ là trung tâm kinh tế, khu phố cổ còn là một trung tâm văn hóa đa dạng, giàu bản sắc, là “hồn cốt” của mảnh đất “Thăng Long - Hà Nội” nghìn năm văn hiến. Đây cũng chính là không gian diễn ra các sinh hoạt văn hóa cộng đồng cũng như các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Với mật độ công trình di tích cao nhất thành phố, khu phố cổ Hà Nội có hàng trăm di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu như: ngôi nhà cổ 87 Mã Mây, đình Đồng Lạc 38 Hàng Đào, đền Bạch Mã, đình Kim Ngân 40 - 42 Hàng Bạc, di tích lịch sử cách mạng ở 48 Hàng Ngang - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Tuyên ngôn Độc lập…
Cùng với các di sản văn hóa vật thể là những di sản văn hóa phi vật thể, những giá trị văn hóa, đạo đức của “Hà Nội 36 phố phường”, thể hiện qua các lễ hội truyền thống, sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật, làng nghề, phố nghề truyền thống, văn hóa ẩm thực, phong tục, tập quán, nếp sinh hoạt cộng đồng, cách ứng xử của người Hà Nội thanh lịch, văn minh… Khu phố cổ Hà Nội đã được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 2004.
Các hoạt động đa dạng bảo tồn, phát huy giá trị di sản
Nhân kỷ niệm 20 năm Phố cổ Hà Nội được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, 19 năm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11/2005 – 23/11/2024), và 20 năm hoạt động của Không gian đi bộ trên địa bàn quận (2004 - 2024), Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội sẽ tổ chức 20 hoạt động trưng bày, triển lãm, biểu diễn nghệ thuật để tôn vinh những giá trị di sản.
Chuỗi 20 hoạt động văn hóa diễn ra đến ngày 15/12, gồm các hoạt động: Trưng bày, triển lãm, biểu diễn nghệ thuật, tọa đàm… Đáng chú ý, một số hoạt động tiêu biểu trong chuỗi chương trình như: Trưng bày chủ đề “Đồng Ta” giới thiệu về lịch sử, văn hóa Đông Sơn, về nghề đúc và chế tác đồng của người Việt từ cổ đại đến hôm nay (Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội, số 50, phố Đào Duy Từ); trưng bày không gian gia đình người Hà Nội xưa làm nghề thuốc Đông y, chủ đề “Chuyện Phố Hàng” (Ngôi nhà Di sản số 87 phố Mã Mây); trưng bày giới thiệu thành tựu 20 năm khu Phố cổ Hà Nội đón nhận bằng di tích lịch sử quốc gia…
Nhóm các hoạt động biểu diễn nổi bật gồm có: Hòa nhạc di sản cổ truyền - đương đại; biểu diễn nghệ thuật “Chuyện của Đó”; chương trình tour thực cảnh “Chuyện phố Hàng”; chương trình triển lãm, biểu diễn nghệ thuật và các hoạt động trải nghiệm, giới thiệu Làng nghề - Phố nghề: Gốm Bát Tràng, đậu bạc Định Công, thêu Mỹ Đức, nón làng Chuông, lụa Phùng Xá, cốm Phố cổ…
Ngoài ra, còn có một số cuộc tọa đàm như: Tọa đàm “Trống Đồng người Việt từ Đông Sơn - Thanh Hóa đến Đông Sơn văn hóa”; tọa đàm “Nét đặc sắc của mỹ thuật truyền thống và ứng dụng, tái tạo các giá trị văn hóa trong kiến trúc đương đại”… và nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc khác.
Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội cho biết, các hoạt động chính sẽ diễn ra vào dịp cuối tuần này, tức ngày 23 và 24/11 tại nhiều không gian khác nhau trong khu phố cổ.
Có thể nói những hoạt động đa dạng tại quận Hoàn Kiếm đang từng bước tạo nên không gian sáng tạo mới trong lòng các di sản. Đây là nơi để các nghệ sĩ, nghệ nhân, những người thực hành sáng tạo có môi trường thử nghiệm, thể hiện, môi trường giao lưu, trao đổi những ý tưởng mới, đưa văn hóa, nghệ thuật đến gần với công chúng, góp phần làm gia tăng sức hấp dẫn cũng như truyền cảm hứng sáng tạo, góp phần làm tái sinh khu vực di sản đô thị.