Bảo tồn và phát triển cây dược liệu quý theo hướng hàng hóa

Thời gian qua, cùng với nhiệm vụ nghiên cứu và bảo tồn các loại dược liệu quý, Vườn Quốc gia Hoàng Liên còn nghiên cứu nhân giống, xây dựng thí điểm các mô hình trồng cây dược liệu chất lượng cao để phát triển kinh tế và chuyển giao kỹ thuật, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Trồng và chăm sóc cây tam thất hoang tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên.

Trồng và chăm sóc cây tam thất hoang tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên.

Có mặt tại Phòng Nuôi cấy mô và tế bào (Vườn Quốc gia Hoàng Liên), chúng tôi được “mục sở thị” quy trình nuôi cấy và sản xuất đông trùng hạ thảo - một loại dược liệu quý đang được thị trường ưa chuộng. Quy trình nuôi cấy mô đông trùng hạ thảo từ khâu phân lập, lai tạo chủng giống, nhân sinh khối, cấy chuyển, nhân nhanh, nuôi trồng, thu hoạch, bảo quản và đóng gói, chế biến thành phẩm, rồi đưa ra thị trường tiêu thụ được tổ chức khép kín ngay tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên. Theo các cán bộ kỹ thuật tại đây, để nuôi cấy được đông trùng hạ thảo đã khó, nhưng cho ra loại có hàm lượng dược chất cao như trong tự nhiên còn khó hơn nhiều lần. Vì vậy, quy trình nuôi cấy mô phải đảm bảo vô trùng, khép kín, chỉ một sai sót nhỏ cũng có thể khiến mọi công sức đổ sông, đổ bể. Sự thành công trong việc nuôi cấy mô và tạo ra sản phẩm có hàm lượng dược chất cao cũng có nghĩa Vườn Quốc gia Hoàng Liên có thể làm chủ quy trình sản xuất sản phẩm đông trùng hạ thảo có chất lượng ổn định sau này.

Là người trực tiếp nghiên cứu, sản xuất đông trùng hạ thảo, chị Ngô Thị Ngọc Hường, cán bộ Vườn Quốc gia Hoàng Liên chia sẻ: Mỗi quy trình sản xuất đông trùng hạ thảo diễn ra trong 2 tháng. Chúng tôi đang nuôi cấy trên 2 loại giá thể chính (nhộng tằm và gạo lứt), đây là sản phẩm được chứng minh có tác dụng rất tốt đối với sức khỏe con người. Nuôi cấy tại Sa Pa có khí hậu tự nhiên phù hợp nên sản phẩm có dược chất cao, giá thành rẻ hơn nhiều khu vực. Tuy nhiên, đơn vị vẫn sản xuất với quy mô nhỏ, phụ thuộc vào nhu cầu thực tế của thị trường. Chúng tôi cũng đang nghiên cứu phát triển loại đông trùng hạ thảo trên bọ xít để đưa vào sản xuất, đây là loại mới được phát hiện tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên.

Chị Nguyễn Thị Chín ở xã Bản Phiệt (huyện Bảo Thắng cho biết): Sau khi biết Vườn Quốc gia Hoàng Liên sản xuất đông trùng hạ thảo, tôi đã mua sản phẩm về dùng thử. Sản phẩm của vườn có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, giá bán lại rẻ hơn nhiều loại đang bán trên thị trường. Tôi rất tin tưởng sử dụng bởi sản phẩm được sản xuất, thu hoạch khép kín tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên.

Ngoài sản xuất đông trùng hạ thảo theo phương pháp nuôi cấy mô, từ lâu, Vườn Quốc gia Hoàng Liên đã ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô trong việc nhân giống các loại cây dược liệu có giá trị kinh tế cao, như tam thất hoang, tam thất bắc, ba kích, sâm Ngọc Linh… để xây dựng các mô hình trình diễn, chuyển giao kỹ thuật cho người dân trên địa bàn thị xã phát triển kinh tế.

Sản xuất giống cây dược liệu bằng phương pháp nuôi cấy mô.

Sản xuất giống cây dược liệu bằng phương pháp nuôi cấy mô.

Anh Trần Văn Tú, Phó Trưởng Phòng Hợp tác quốc tế, Vườn Quốc gia Hoàng Liên cho biết: Chúng tôi thử nghiệm nghiên cứu sản xuất tam thất hoang, sâm Ngọc Linh từ năm 2013, hiện tại đã hoàn thiện quy trình chọn giống, nhân giống, thu hoạch, sơ chế và bảo quản, có thể triển khai các mô hình sản xuất theo hướng hàng hóa. Ngoài việc nhân giống bằng hạt, chúng tôi cũng nghiên cứu thử nghiệm bằng hình thức nuôi cấy mô để có thể đáp ứng nhu cầu giống khỏe, chất lượng trong điều kiện sản xuất hàng loạt. Bên cạnh đó, một số loại cây dược liệu quý có giá trị kinh tế cao như ba kích, lan kim tuyến… cũng được đơn vị nghiên cứu nuôi cấy mô để hoàn thiện quy trình sản xuất thử nghiệm tại Sa Pa. Mục đích cuối cùng là để chuyển giao kỹ thuật cho người dân.

Điển hình trong thực hiện hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật cho người dân thời gian qua là Vườn Quốc gia Hoàng Liên đã phối hợp với vùng Nouvelle Aquitaine (Cộng hòa Pháp) thực hiện Dự án Phát triển sinh kế (IDEAS) đồng hành cùng khát vọng nông nghiệp bền vững và cải thiện cuộc sống nơi núi rừng Tây Bắc giai đoạn 1 (2017 - 2020) và khởi động Dự án IDEAS giai đoạn 2 ( 2021 - 2023). Trong đó, giai đoạn 1 hỗ trợ 491 hộ xây dựng trang trại hộ gia đình với 7 mô hình (lợn đen, gà bản, rau, nhím, mật ong, giảo cổ lam, cây ăn quả); giai đoạn 2 hỗ trợ 141 hộ vật liệu xây dựng, cây giống. Việc triển khai giai đoạn 1 của Dự án IDEAS cho thấy, các mô hình sinh kế, trong đó có cây dược liệu, đã mang lại thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân thuộc vùng lõi, vùng đệm Vườn Quốc gia Hoàng Liên tham gia dự án.

Ông Nguyễn Hữu Hạnh, Giám đốc Vườn Quốc gia Hoàng Liên khẳng định: Vườn luôn xác định thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa nghiên cứu, bảo tồn đa dạng sinh học, vừa xây dựng các mô hình sản xuất để chuyển giao kỹ thuật cho người dân phát triển kinh tế. Điều đó thể hiện rõ qua các mô hình được đơn vị nghiên cứu, triển khai thành công và được người dân đón nhận, tạo sản phẩm có thương hiệu. Thời gian tới, vườn tiếp tục nghiên cứu, bảo tồn, lưu trữ nguồn gen các loại dược liệu quý, từng bước thí điểm thực hiện mô hình theo hướng thương mại để người dân có thể tiếp cận và sản xuất thành hàng hóa, đồng thời liên kết với các đầu mối để tiêu thụ sản phẩm cho người dân khi sản xuất đại trà.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/348236-bao-ton-va-phat-trien-cay-duoc-lieu-quy-theo-huong-hang-hoa