Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số

Việc bảo tồn và phát huy giá trị các làng nghề thủ công truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trong tỉnh có vai trò quan trọng, không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập, mà còn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Việc bảo tồn và phát huy giá trị các làng nghề thủ công truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trong tỉnh có vai trò quan trọng, không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập, mà còn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Hợp tác xã Dệt thổ cẩm và dịch vụ du lịch Chiềng Châu, xã Chiềng Châu (Mai Châu) tạo việc làm cho lao động nữ người dân tộc thiểu số ở địa phương.

Hợp tác xã Dệt thổ cẩm và dịch vụ du lịch Chiềng Châu, xã Chiềng Châu (Mai Châu) tạo việc làm cho lao động nữ người dân tộc thiểu số ở địa phương.

Nhằm khôi phục nghề dệt truyền thống của dân tộc Thái ở huyện Mai Châu, được sự đồng hành, hỗ trợ của Tổ chức Jica Nhật Bản với mục tiêu "Nâng cao năng lực phát triển ngành nghề nông thôn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn tỉnh Hòa Bình”, năm 2009, Hợp tác xã (HTX) Dệt thổ cẩm và dịch vụ du lịch Chiềng Châu, xã Chiềng Châu được thành lập. Từ đó đến nay, HTX có nhiều hoạt động sáng tạo, thiết thực để bảo tồn, phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Thái.

Bà Vì Thị Oanh, Phó Giám đốc HTX Dệt thổ cẩm và dịch vụ Chiềng Châu chia sẻ: Những năm gần đây, các thành viên HTX và các hộ trong làng nghề dệt tại địa phương không ngừng tìm tòi, sáng tạo, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu sản phẩm hàng hóa và phục vụ du khách. Các sản phẩm thổ cẩm từ bản làng đã đi khắp mọi miền đất nước, thậm chí có cả những đơn hàng từ nước ngoài. HTX còn góp phần cải thiện sinh kế cho hàng chục lao động nữ người dân tộc thiểu số tại địa phương với thu nhập ổn định.

Hiện nay, tỉnh Hòa Bình có 11 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được UBND tỉnh công nhận. Trong đó, 2 làng nghề thuộc nhóm ngành nghề sản phẩm chế biến; 7 làng nghề truyền thống thuộc nhóm ngành nghề sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, đan lát... và 2 làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Thực hiện Quyết định số 801/QĐ-TTg, ngày 07/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021-2023; Quyết định số 1058/QĐ-TTg, ngày 14/9/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Sở NN&PTNT đã triển khai đến các địa phương chỉ đạo rà soát, khôi phục, bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh.

Các địa phương tập trung sắp xếp lại các làng nghề, làng nghề truyền thống phù hợp với các quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch, đất đai, xây dựng; đảm bảo đủ mặt bằng phục vụ sản xuất, bảo vệ cảnh quan, không gian và môi trường gắn với xây dựng nông thôn mới. Xây dựng tiêu chí và tổ chức đánh giá, xếp loại hoạt động làng nghề gắn với các mục tiêu phát triển bền vững, xây dựng và số hóa hệ thống cơ sở dữ liệu. Tập trung phát triển các làng nghề sản xuất những sản phẩm có giá trị kinh tế, hàm lượng văn hóa cao, tiềm năng xuất khẩu lớn...

Với nhiều giải pháp, thời gian qua, các làng nghề trong tỉnh đã và đang dần được khôi phục, phát triển, góp phần giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa độc đáo của các địa phương. Trong đó, tiêu biểu như các nghề: nuôi ong, dệt thổ cẩm, mây tre đan, chế tác đá, gỗ lũa, chế biến các món ăn dân tộc và chế biến nông, lâm, thủy sản. Đến nay, toàn tỉnh có 5 làng nghề có sản phẩm OCOP và 2 làng nghề có sản phẩm được đăng ký thương hiệu. Trong quá trình đầu tư, khôi phục, thúc đẩy phát triển làng nghề, các làng nghề, ngành nghề thủ công mỹ nghệ, chế biến nông sản, thực phẩm trong tỉnh đã có bước phát triển. Đi kèm với đó đã khôi phục, xây dựng và hình thành các tổ hợp tác, HTX góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Tổng số lao động tham gia tại các làng nghề là 1.300 người, thu nhập bình quân 3 - 5 triệu đồng/người/tháng.

Đồng chí Nguyễn Huy Nhuận, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Bên cạnh những kết quả tích cực, một số địa phương vẫn chưa thực sự quan tâm xây dựng kế hoạch, quy hoạch phát triển ngành nghề, làng nghề, nghề truyền thống, làng nghề truyền thống. Số cơ sở còn ít, quy mô nhỏ lẻ, mang tính chất hộ gia đình nên chưa thực sự thu hút lao động địa phương. Việc tiêu thụ sản phẩm thông qua các hợp đồng hạn chế, chưa có nhiều doanh nghiệp hoạt động bao tiêu sản phẩm... Thời gian tới cần sự quan tâm của các địa phương trong phát triển các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống để có thể phát triển bền vững, xây dựng các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP...

T.H

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/249/192720/bao-ton-va-phat-trien-nghe-truyen-thong-cuadong-bao-cac-dan-toc-thieu-so.htm