Bảo trì đường bộ hiệu quả: Hệ thống quốc lộ được duy trì ổn định

Thời gian qua, công tác bảo trì đường bộ đã đạt được các kết quả tích cực. Hệ thống quốc lộ được duy trì ổn định, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân an toàn, thông suốt; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, cũng như sử dụng có hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước...

Kết quả tích cực trong bảo trì đường bộ

Theo ông Lê Hồng Điệp - Trưởng phòng Quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, Cục Đường bộ Việt Nam, thời gian qua, công tác bảo trì đường bộ đã đạt được các kết quả tích cực. Hệ thống quốc lộ được duy trì ổn định, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân an toàn, thông suốt. Chất lượng phục vụ của đường sá ngày càng tốt lên. Ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN), vật liệu mới, tiên tiến được đẩy mạnh, thời hạn khai thác kéo dài.

Cụ thể, chiều dài đường rải bê tông nhựa tăng từ gần 50% năm 2015 lên gần 70% năm 2021, hàng nghìn km quốc lộ được mở rộng. Trên 40 điểm thường xuyên ngập lụt tại Tây Nam bộ đã được sửa chữa, nâng cấp. Hàng trăm "điểm đen" và điểm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT) đã được sửa chữa, khắc phục. Về công trình ATGT, đã sửa chữa, bổ sung hàng nghìn km hộ lan, hàng vạn cọc tiêu, biển báo, hàng chục vị trí xây dựng đường cứu nạn và các công trình ATGT khác đã được sửa chữa, bổ sung để hệ thống quốc lộ ngày càng an toàn, với tốc độ và lưu lượng giao thông ngày càng tăng. Chiều dài đường rải bê tông nhựa tăng từ 48% năm 2015 đến hết năm 2022 sẽ đạt trên 70%.

Chất lượng bảo trì đường bộ là vấn đề sống còn trong bối cảnh hiện nay.

Chất lượng bảo trì đường bộ là vấn đề sống còn trong bối cảnh hiện nay.

Đáng chú ý, công tác sửa chữa khắc phục hậu quả thiên tai đã có nhiều chuyển biến tích cực, từ khâu xây dựng thể chế, đến bổ sung nguồn lực và đặc biệt đã thực hiện tốt chủ trương 4 tại chỗ để sửa chữa, khắc phục kịp thời thông đường sớm, bảo đảm giao thông an toàn…

Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều quốc lộ quá thời hạn, nhu cầu sửa chữa lớn, nhưng nguồn lực hạn chế nên quy mô dự án sửa chữa nhỏ hơn chiều dài cần sửa, dẫn đến phải phân đoạn sửa chữa làm giảm quy mô dự án, hạn chế cho việc áp dụng các kết cấu có giá thành cao ..vv…

Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng

Ông Lê Hồng Điệp cũng cho biết thêm, thời gian tới để nâng cao chất lượng công tác bảo trì đường bộ góp phần gìn giữ kết cấu hạ tầng giao thông, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ tiếp tục đề xuất kiến nghị từng bước tăng tổng vốn dành cho quản lý, bảo trì quốc lộ; bổ sung vốn để duy trì hoạt động các hệ thống phần mềm, công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ quản lý, cập nhật, khai thác sử dụng dữ liệu cầu, đường, kết cấu hạ tầng đường bộ để bảo đảm sự hoạt động các hệ thống này liên tục, nhằm khai thác hiệu quả trong quản lý, bảo trì, lập kế hoạch thực hiện bảo trì, theo dõi, dự đoán, tình trạng xuống cấp; phục vụ kiểm định định kỳ, đánh giá an toàn công trình.

Nhà thầu và cơ quan đường bộ giao thông phải tăng cường ý thức trách nhiệm, qua cam kết về khắc phục các hư hỏng mất ATGT; thiết lập mối quan hệ gắn bó, đối tác giữa cơ quan quản lý đường và nhà thầu thực hiện dịch vụ công về quản lý, vận hành, bảo dưỡng công trình đường bộ, hệ thống kho vật tư dự phòng, các công trình đặc biệt như bến phà, hầm…

Cơ chế, chính sách tiếp tục được đổi mới, xây dựng kế hoạch bảo trì ngày càng sát hơn, phù hợp hơn và hiệu quả hơn, tránh xu hướng bình quân mà không xét đến lịch sử xây dựng, lịch sử bảo trì, lưu lượng của các tuyến đường, tuổi thọ công trình và ý nghĩa phát triển kinh tế - xã hội. Việc lựa chọn chủ đầu tư, bên cạnh địa bàn, lĩnh vực như hiện nay cũng cần xem xét chất lượng thực hiện, sự tuân thủ quy định của Nhà nước; tiến độ thực hiện và kết quả giải ngân…

Có biện pháp lựa chọn nhà thầu năng lực, kinh nghiệm tốt, bảo đảm nguồn vật liệu phục vụ thi công, huy động máy móc thiết bị và nhân sự đúng cam kết trong hồ sơ dự thầu, có hệ thống kiểm soát chất lượng, có kinh nghiệm tổ chức thực hiện tốt các dự án sửa chữa làm tiền đề để triển khai dự án bảo đảm chất lượng tiến độ.

Tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý, khai thác, sử dụng dữ liệu cầu đường và kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, cập nhật truy xuất dữ liệu phục vụ quản lý, khai thác sử dụng đường bộ; xây dựng hệ thống theo dõi thời hạn khai thác sử dụng công trình đường bộ, giai đoạn đầu là các cầu, mặt đường để có cơ sở xử lý công trình hết thời hạn khai thác theo Nghị định 06; làm cơ sở dữ liệu nghiên cứu điều chỉnh thời hạn sửa chữa định kỳ phù hợp với cường độ mặt đường, lưu lượng vận tải tích lũy…

Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu nhà thầu tham gia bảo trì quốc lộ để theo dõi, đánh giá chất lượng thực hiện của nhà thầu, nhằm phân loại trong lựa chọn nhà thầu; có hình thức khen thưởng khuyến khích kịp thời hàng năm.

Theo ông Nguyễn Xuân Cường - Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, hệ thống quốc lộ hiện nay có hơn 25.000 km và hơn 6.700 cây cầu. Giá trị ước tính khoảng hơn 3 triệu tỷ đồng. Đây là khối tài sản lớn, phải quản lý an toàn, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, doanh nghiệp vì chất lượng bảo trì đường bộ là vấn đề sống còn trong bối cảnh hiện nay. Cục Đường bộ Việt Nam sẽ tổng kết về công tác đấu thầu, công tác bảo trì và ban hành các chính sách mới, tăng cường các giải pháp đảm bảo chất lượng bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ...

Thời gian tới, Cục Đường bộ cũng sẽ rà soát lại theo hướng phân cấp, phân quyền trong duy tu, quản lý bảo trì phù hợp.

Trí Dũng

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/bao-tri-duong-bo-hieu-qua-he-thong-quoc-lo-duoc-duy-tri-on-dinh-115095.html