Bảo vệ cây xanh khi thi công dự án hạ tầng

Trên địa bàn tỉnh đang triển khai thi công nhiều dự án hạ tầng. Quá trình xây dựng các công trình tác động đến cảnh quan nói chung và cây xanh hiện hữu nói riêng. Vì vậy, xác định mức độ ảnh hưởng của công trình đến cây xanh để lựa chọn biện pháp ứng xử phù hợp, hài hòa ngay từ giai đoạn đầu là rất quan trọng.

Dự án xây dựng mới Trường THPT Chuyên Lào Cai đang được nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu 2 tháng nữa các khối phòng học, bộ môn và nhà hiệu bộ sẽ hoàn thành phần thô.

Ông Bùi Minh Hải, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cho biết, đây là một trong những dự án xây dựng điển hình về việc giữ gìn tối đa rừng cảnh quan, cây xanh hiện hữu khi xây dựng công trình mới.

Khu đất xây dựng mới Trường THPT Chuyên Lào Cai trước đây là trụ sở của Trường Cao đẳng Cộng đồng cũ. Trụ sở này được xây dựng cách đây hơn 10 năm, mặc dù các hạng mục hạ tầng kỹ thuật đã xuống cấp nhưng nơi đây lại có khu rừng cảnh quan và cây xanh được trồng theo đường đi và khuôn viên các khối nhà học rất đẹp.

Vì vậy, ngay từ khi thiết kế dự án, chủ đầu tư đã đặt ra yêu cầu thiết kế phải hài hòa với địa hình, cảnh quan hiện có, hạn chế đào đắp, chặt phá cây xanh. Bản vẽ thiết kế được chấm cao nhất và đang được nhà thầu thi công hiện thực hóa trên công trường đã đáp ứng các yêu cầu đó.

Với thiết kế này, mật độ xây dựng của dự án chỉ hơn 50%. Khi xây dựng xong các khối nhà, nhà thầu sẽ tiếp tục bổ sung cây xanh, thảm cỏ.

Trên công trường khối phòng học và nhà hiệu bộ, nhà thầu đã đổ bê tông đến mái tầng 3. Sát với mái hiên, một hàng cây sấu hơn chục năm tuổi rợp bóng mát. Mặc dù gặp đôi chút khó khăn khi đưa phương tiện, máy móc tiếp cận các vị trí trên công trường nhưng nhà thầu vẫn quyết tâm khắc phục để giữ lại những cây xanh này.

Ông Trương Văn Bảy, chỉ huy công trường cho biết: Trong thiết kế thì hàng cây này nằm trên vỉa hè của đường nội bộ, nếu giữ lại được thì sau này không mất công trồng mới. Trong quá trình thi công, chúng tôi hạn chế thấp nhất phải chặt hạ cây xanh, trừ những vị trí không thể làm khác được.

Trên đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi Sa Pa, mặc dù dự án vừa mới đi vào vận hành nhưng những mảng xanh đã phủ dọc tuyến đường. Bên cạnh những cây xanh, thảm cỏ được trồng theo dự án thì nhiều đoạn đường vẫn giữ được cây xanh hiện hữu.

Điều này không chỉ giúp tuyến đường có được cảnh quan đẹp đi giữa khoảng rừng xanh mát mà cây xanh còn là hộ lan tự nhiên đảm bảo an toàn cho phương tiện lưu thông.

Ông Phạm Ngọc Tùng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án, Công ty Cổ phần Đầu tư BOT Lào Cai - Sa Pa cho biết: Ngay từ khâu thiết kế bản vẽ thi công, hướng tuyến được lựa chọn phù hợp với địa hình thực tế đảm bảo yếu tố kinh tế, kỹ thuật của dự án, không phá vỡ cảnh quan môi trường.

Khuôn viên quảng trường Trung tâm Hội nghị thành phố Lào Cai sau khi được cải tạo vẫn giữ nguyên những hàng cây lát, xà cừ hàng chục năm tuổi khiến những người sống gần đó như ông Lê Thanh Hiếu (phường Kim Tân) rất hài lòng. Trước đó, ông Hiếu từng nghi ngại khi thành phố cải tạo khu vực này thì đơn vị làm dự án sẽ chặt hạ để thay thế cây khác như từng xảy ra ở một số dự án.

“Nếu ban đầu đã muốn trồng mới cây xanh thì những cây xanh hiện hữu khó có cơ hội tồn tại, còn nếu công trình vẫn làm nhưng bằng mọi giá phải giữ lại cây xanh thì chắc chắn sẽ nghĩ ra cách” - ông Hiếu nói.

Để có những cây lớn thế này phải mất hàng chục năm. Cây không chỉ cho bóng mát mà còn gắn bó như một phần của công trình Trung tâm Hội nghị thành phố, vì vậy sau khi cải tạo lại, khuôn viên vừa đẹp hơn lại vẫn mang cảm giác thân thuộc.

Ông Vũ Quốc Trung, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Lào Cai cho biết: Tại các dự án đang triển khai như cải tạo, nâng cấp vỉa hè đường Hoàng Liên, đường An Dương Vương đều thiết kế hào nước 2 bên đối diện hố trồng cây để thu nước. Ngoài ra, cũng không thiết kế các thành bê tông xung quanh hố trồng cây để nước mưa dễ chảy vào gốc cây.

Ông Trung cho biết thêm: Quan điểm chỉ đạo của thành phố khi thực hiện các công trình hạ tầng đô thị là phải hạn chế thấp nhất việc chặt hạ cây xanh.

Các chuyên gia đô thị cho rằng, khi xây dựng công trình hạ tầng, nếu chủ đầu tư, cơ quan chức năng quan tâm đúng mức sẽ giảm thiểu đốn hạ cây xanh hiện hữu, bảo vệ cây cổ thụ bằng các biện pháp phù hợp trong các bước thực hiện chuẩn bị đầu tư, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, khảo sát thiết kế, điều chỉnh cục bộ, thay đổi biện pháp thi công, thậm chí có thể dịch chuyển vị trí xây dựng để bảo vệ các hàng cây xanh tạo bóng mát.

Như tại dự án cải tạo, sửa chữa công viên Nhạc Sơn, ngay từ khâu thẩm định phê duyệt dự án, chủ đầu tư đã chỉ đạo quyết liệt việc giữ lại nguyên trạng các cây xanh trong công viên. Đối với hạng mục mở rộng đường Lê Quý Đôn, những cây xanh sẽ được bứng hạ, chăm sóc và trồng lại sau khi tuyến đường hoàn thành phần hạ tầng kỹ thuật.

Theo Phòng Quản lý đô thị thành phố, đô thị thành phố Lào Cai được đánh giá là đô thị xanh tiêu biểu trong mạng lưới đô thị cả nước. Diện tích cây xanh bình quân trên địa bàn thành phố là 9,5 m2/người. Số lượng cây xanh trồng năm 2023 trên địa bàn là 435 cây.

Thành phố hiện vẫn duy trì và phát triển 153 ha rừng hiện có. Thành phố đã rất thành công với ý tưởng quy hoạch “thành phố trong rừng, rừng trong thành phố”. Trong công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng, quan điểm chỉ đạo của thành phố là tính toán thêm phương án vị trí, hướng tuyến xây dựng, quy mô công trình phù hợp để có thể bảo vệ cây xanh hiện hữu, hạn chế lãng phí.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/bao-ve-cay-xanh-khi-thi-cong-du-an-ha-tang-post384917.html