Bảo vệ, chăm sóc đàn vật nuôi sau mưa lũ
Sau mưa lũ và ngập úng, môi trường bị ô nhiễm, nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Ngăn chặn dịch bệnh và giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi, các địa phương và ngành chức năng của tỉnh đang khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi.
Trong đợt mưa lũ cuối tháng 7 vừa qua, gây ngập lụt tại nhiều điểm ở một số huyện và Thành phố, làm 517 con gia súc và trên 12.296 con gia cầm chết, hoặc bị cuốn trôi, ước tổng thiệt hại gần 13 tỷ đồng. Để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh sau mưa lũ, đơn vị đang phối hợp chặt chẽ với các địa phương để thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh động vật sau mưa lũ.
Chi cục đang tập trung đôn đốc việc thống kê thiệt hại và triển khai phun khử trùng, vệ sinh chuồng trại tại các vùng đã hết ngập úng, như: xã Tông Cọ, huyện Thuận Châu; bản Phứa Cón và phường Chiềng An, Thành phố. Đồng thời, chi cục cũng theo dõi sát sao tình hình ngập úng tại xã Chiềng Đen để kịp thời hỗ trợ, tư vấn người dân xử lý vệ sinh môi trường và khôi phục sản xuất ngay khi nước rút.
Trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố, đặc biệt các huyện Mai Sơn, Thuận Châu và Thành phố huy động tối đa nhân lực trực tiếp xuống cơ sở tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi thu gom, xử lý gia súc, gia cầm chết và tổ chức vệ sinh tiêu độc, khử trùng toàn bộ chuồng nuôi và khu vực xung quanh.
Tổ chức, tuyên truyền, hướng dẫn hàng nghìn lượt hộ chăn nuôi về các biện pháp phòng bệnh. Các địa phương tuyên truyền vận động các hộ chăn nuôi thường xuyên giám sát, theo dõi tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi và báo cáo ngay cho cán bộ thú y khi phát hiện dấu hiệu bất thường; tăng khẩu phần ăn, để tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi.
Đến nay, Chi cục đã triển khai cấp phát, tổ chức tiêm phòng được trên 544.400 liều vắc xin phòng chống các loại dịch bệnh động vật nguy hiểm trên đàn vật nuôi, 14.021 lít hóa chất tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi, đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh động vật.
Đồng thời, giám sát chặt chẽ trên 80 ổ dịch tả lợn Châu Phi đã công bố hết dịch và 3 ổ dịch tả lợn Châu Phi tại xã Chiềng Lương, huyện Mai Sơn và xã Mường Sang, Phiêng Luông của huyện Mộc Châu mới phát sinh trong trung tuần tháng 7 và đầu tháng 8, chưa qua 21 ngày công bố hết dịch. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh tả lợn Châu Phi với các địa phương giáp ranh vùng dịch. Tăng cường giám sát, quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn.
Tại huyện Thuận Châu, mưa lũ đã làm trên 6.000 con gia súc, gia cầm bị chết, thiệt hại lên đến hàng trăm triệu đồng. Huyện Thuận Châu đã tổ chức cuộc họp trực tuyến chỉ đạo các xã, thị trấn hướng dẫn người dân thống kê thiệt hại để hỗ trợ. Chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cử cán bộ xuống cơ sở hướng dẫn người dân vệ sinh khu vực chăn nuôi, thu dọn và xử lý môi trường ô nhiễm sau lũ; đồng thời, triển khai tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho gia súc, gia cầm. Hướng dẫn các hộ chăn nuôi sửa chữa, gia cố chuồng trại, hệ thống nước, đảm bảo điều kiện để khôi phục chăn nuôi.
Hiện nay, đang bước vào cao điểm mùa mưa lũ, nguy cơ dịch bệnh trên đàn vật nuôi rất cao, người chăn nuôi cần chủ động theo dõi sát thời tiết, gia cố chuồng trại, đảm bảo nguồn thức ăn, tiêm phòng đúng lịch và thường xuyên vệ sinh chuồng trại. Khi phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường, người dân cần nhanh chóng liên hệ với cơ quan thú y, hoặc chính quyền địa phương để được hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời, ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te/bao-ve-cham-soc-dan-vat-nuoi-sau-mua-lu-cZnfMQ9SR.html