Bảo vệ đàn cò nhạn quý hiếm xuất hiện tại Gia Lai

Chính quyền UBND xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa (Gia Lai) đã chỉ đạo lực lượng tuần tra, bảo vệ đàn cò. Vận động, tuyên truyền các chính sách pháp luật về bảo vệ động vật quý hiếm, cấm săn bắt động vật quý hiếm có trong sách đỏ vừa xuất hiện trên địa bàn...

Đàn cò nhạn - một loài quý hiếm có trong sách đỏ xuất hiện trên những cánh đồng của huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai

Đàn cò nhạn - một loài quý hiếm có trong sách đỏ xuất hiện trên những cánh đồng của huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai

Những ngày qua, trên cánh đồng xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa (Gia Lai), một đàn cò nhạn (cò ốc) với số lượng hàng trăm con có tên trong Sách đỏ Việt Nam bất ngờ bay về cư trú, kiếm ăn tại đây.

Là một loài chim thuộc họ Hạc, cò nhạn còn có tên gọi khác là cò ốc. Cò nhạn có trọng lượng từ 1-1.2 kg, có lông màu xám trắng, cánh màu đen bóng, mỏ xám sừng, đuôi có ánh lục hoặc tía, chân thường có màu hồng nhạt, vàng nhạt hay nâu nhạt.

Thức ăn chủ yếu là các loài ốc, các động vật thủy sinh như ếch, nhái, cua và côn trùng lớn.

Trên thế giới, loài này phân bố rộng rãi tại Ấn Độ, Sri Lanka, Burma và Thái Lan.

Tại Việt Nam, loài cò nhạn chỉ xuất hiện ở một vài nơi như miền Tây Nam bộ và Tây Ninh với số lượng không nhiều.

Cò nhạn thường gặp ở Cà Mau (Cái Nước, Đầm Dơi và rừng tràm U Minh). Tại miền Bắc, cò Nhạn xuất hiện tại vùng cửa biển Hải Phòng.

UBND xaĨa Mrơn chỉ đạo lực lượng tuần tra, bảo vệ đàn cò, thông báo cho người dân cấm săn bắt động vật quý hiếm

UBND xaĨa Mrơn chỉ đạo lực lượng tuần tra, bảo vệ đàn cò, thông báo cho người dân cấm săn bắt động vật quý hiếm

Cò Nhạn xuất hiện trên cánh đồng ở huyện Ia Pa khiến người dân Gia Lai thích thú và hào hứng.

Tuy nhiên, người dân ở đây cũng lo sợ sẽ xuất hiện nạn săn bắt gây ảnh hưởng tới đàn cò. Vì vậy, Bí thư Đảng ủy xã Ia Mrơn đã có văn bản chỉ đạo yêu cầu UBND xã Ia Mrơn và các ngành, đoàn thể bảo vệ đàn cò nhạn quý hiếm di cư qua địa bàn.

Theo đó, UBND xã đã chỉ đạo lực lượng tuần tra, bảo vệ đàn cò, thông báo cho người dân cấm săn bắt động vật quý hiếm. Vận động nhân dân bảo vệ đàn cò, tuyên truyền các chính sách pháp luật về bảo vệ động vật quý hiếm có trong sách đỏ.

Đồng thời, quán triệt đảng viên chấp hành nghiêm chính sách pháp luật về bảo vệ động vật quý hiếm có trong sách đỏ. Người dân cần chấp hành tốt việc bảo vệ động vật quý hiếm, không săn bắt dưới mọi hình thức, việc săn bắt là vi phạm pháp luật, có thể bị xử lý hình sự.

NHƯ TRANG

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/chuyen-de/bao-ve-dan-co-nhan-quy-hiem-xuat-hien-tai-gia-lai-129028.html