Bảo vệ đàn vật nuôi trong mùa mưa bão

Trước tình trạng ngập úng trên diện rộng diễn ra như thời điểm mưa lụt vừa qua, việc chủ động các giải pháp bảo vệ và phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi trong mùa mưa bão là điều hết sức cần thiết nhằm giảm thiệt hại cho các hộ chăn nuôi.

Trang trại chăn nuôi lợn của gia đình anh Mạc Tuấn Hải, xã Bàn Giản (Lập Thạch) thường xuyên phun thuốc khử trùng phòng chống dịch bệnh. Ảnh Thế Hùng

Trang trại chăn nuôi lợn của gia đình anh Mạc Tuấn Hải, xã Bàn Giản (Lập Thạch) thường xuyên phun thuốc khử trùng phòng chống dịch bệnh. Ảnh Thế Hùng

Nhìn chuồng trại vẫn chưa kịp thu dọn sau đợt ngập úng, chị Đỗ Thị Phương Lan, xã Thanh Vân (Tam Dương) chia sẻ: "Trong suốt hơn 10 năm chăn nuôi gà, cũng từng trải qua những đợt mưa lớn, nước ngấm vào trong chuồng nhưng chưa khi nào tôi thấy nước dâng cao, thoát chậm như đợt mưa lớn cuối tháng 5 vừa qua.

Đến khi phát hiện, đàn gà hơn 1.000 con đã có tới gần 300 con bị chết. May mắn là gia đình tôi cũng chuẩn bị chuồng trống dự kiến vào thêm một lứa gà mới. Do đó, ngay khi phát hiện ngập úng, tôi đã kịp thời chuyển gà sang. Lúc ấy mà không có chuồng trống để chuyển nguy cơ sẽ mất cả đàn”.

Không chỉ riêng gia đình chị Lan, đợt mưa lớn lịch sử hồi cuối tháng 5 vừa qua đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất nông nghiệp. Tính đến đến ngày 31/5/2022, toàn tỉnh có hơn 1.000 ha thủy sản bị ngập úng và trên 100 nghìn con gia súc, gia cầm bị chết...

Đợt mưa lớn này cũng đã mở đầu cho mùa mưa bão, với nguy cơ thiên tai được dự báo sẽ diễn ra phức tạp, khốc liệt và khó dự đoán hơn năm 2021. Không chỉ gây thất thoát tài sản, mưa bão, ngập úng cũng làm ô nhiễm môi trường, cộng với khí hậu ẩm ướt là điều kiện thuận lợi để các loại dịch bệnh phát sinh và lây lan, ảnh hưởng đến đàn vật nuôi.

Theo đó, ngày 26/5 vừa qua, Sở NN&PTNT đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, UBND cấp xã tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi theo dõi chặt chẽ các bản tin thời tiết, cảnh báo thiên tai để chủ động có biện pháp ứng phó.

Gia cố chuồng trại, ao nuôi, khơi không cống rãnh, hạn chế úng ngập khi mưa to. Đối với những vùng có nguy cơ ngập lụt, cần tôn cao nền chuồng, bờ ao hoặc làm sàn kê cao và có phương án chủ động di dời vật nuôi bị ngập úng.

Dự trữ đủ lượng thức ăn tại nơi an toàn cho vật nuôi trong những ngày mưa lũ, thực hiện tốt quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh, chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Đề nghị các địa phương huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ người chăn nuôi xử lý, khắc phục hậu quả, hạn chế tối đa thiệt hại khi chuồng nuôi gia súc, gia cần, ao nuôi thủy sản bị ngập lụt do mưa lũ, đặc biệt là tại các các trang trại quy mô lớn trên địa bàn.

Sở cũng yêu cầu Chi cục Chăn nuôi và Thú y chỉ đạo hệ thống thú y từ tỉnh đến cơ sở tăng cường công tác kiểm tra, giám sát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, thủy sản để sớm phát hiện, có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện gia súc, gia cầm, thủy sản mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, không để dịch bệnh lây lan diện rộng.

Ông Trương Công Thắng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: "Ngoài công tác kiểm tra, giám sát dịch bệnh, trước trong và sau mỗi đợt mưa bão, chi cục đều chú trọng công tác tuyên truyền hướng dẫn người chăn nuôi kỹ thuật chăn nuôi, nâng cấp cải tạo chuồng nuôi, vệ sinh phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, hướng dẫn người dân tiêm phòng đầy đủ các loại vắc – xin cho gia súc, gia cầm theo đúng lịch trình phòng bệnh để tăng khả năng miễn dịch cho vật nuôi".

Được biết, Chi cục hiện đang chỉ đạo các Trạm Chăn nuôi và Thú y cấp huyện phối hợp với các phòng chuyên môn cấp huyện, UBND các xã tiếp tục triển khai thực hiện tốt công tác tiêm phòng vắc xin, phun khử trùng tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi đợt I/2022 (diễn ra từ ngày 5/5 -15/6/2022).

Thực hiện yêu cầu của Sở NN&PTNT, hướng dẫn của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, các địa phương, hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cũng đang khắc phục khó khăn, chủ động các giải pháp ứng phó với những diễn biến bất thường của thời tiết.

Anh Cù Xuân Thành, chủ trang trại chăn nuôi lợn ở phường Đồng Xuân (Phúc Yên) chia sẻ: "Vừa rồi, chuồng trại bị ngập nước, mặc dù đã kịp thời di chuyển song sức khỏe đàn lợn cũng bị ảnh hưởng nhiều.

Chúng tôi cũng đang tích cực theo dõi, bổ sung các loại thuốc bổ, thực hiện tiêm phòng đầy đủ để tăng đề kháng cho đàn lợn. Ngoài ra, để chuẩn bị đưa lợn quay trở lại chuồng, chúng tôi đang tiến hành dọn dẹp, vệ sinh chuồng trại, sửa chữa một số hạng mục bị hư hỏng do mưa lớn gây ra.

Mặt khác, nhằm tránh tình trạng ngập úng tái diễn, trước khi có điều kiện tôn cao nền chuồng, tôi dự định xây dựng tường bao loan xung quanh chuồng, thiết kế cửa sập, hạn chế nước dâng cao tràn vào trong chuồng khi mưa bão".

Tương tự, chị Đỗ Thị Phương Lan hiện cũng đang tạm dừng việc vào lứa gà mới để chuẩn bị sửa sang lại chuồng trại. Chị dự kiến tôn cao nền trại lên 40 - 50cm để tránh tình trạng ngập úng như vừa rồi xảy ra.

Thiên tai là bất khả kháng, song với sự chủ động trong khắc phục khó khăn và có những giải pháp phù hợp, đặc biệt là với sự quan tâm của chỉ đạo quyết liệt của các cấp, ngành, người chăn nuôi hoàn toàn có thể giảm thiểu những thiệt hại do thiên tai gây ra.

Nguyễn Hường

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/78431/bao-ve-dan-vat-nuoi-trong-mua-mua-bao.html