Bảo vệ môi trường bền vững
Công tác bảo vệ môi trường luôn là vấn đề được toàn xã hội quan tâm, chú trọng với phương châm 'không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế'. Với phương châm đó, những năm qua tỉnh Bình Phước đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp với sự chung tay vào cuộc của cộng đồng, doanh nghiệp (DN), từ đó chất lượng môi trường luôn được kiểm soát tốt, trở thành nơi đáng sống.
Diễn biến chất lượng môi trường
Theo kết quả quan trắc định kỳ của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) năm 2022 và 2023 cho thấy, chất lượng môi trường không khí tại các khu đô thị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh vẫn còn khá tốt; giá trị đo được của các thông số quan trắc đều thấp hơn so với mức giới hạn cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí. Hầu hết độ ồn đo được tại các điểm quan trắc trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh đều thấp hơn mức giới hạn cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn (khu vực thông thường 70 dBA). Tuy nhiên, tại các khu vực tập trung đông dân cư, xe cộ qua lại nhiều có độ ồn đo được cao, xấp xỉ bằng và một số điểm vượt mức giới hạn cho phép. Tuy nhiên, độ ồn đo được cao hơn so với quy chuẩn chỉ xảy ra cục bộ, diễn ra vào giờ cao điểm, không thường xuyên.
Tỉnh đã lắp đặt và vận hành 3 trạm quan trắc môi trường không khí tự động, liên tục tại thành phố Đồng Xoài, thị xã Chơn Thành và huyện Đồng Phú để giám sát, theo dõi diễn biến chất lượng môi trường không khí xung quanh tỉnh. Theo đánh giá của Sở TN&MT, xu hướng biến động giá trị của bụi PM10 và PM2.5 có sự phân hóa theo mùa trong năm. Vào mùa khô, ít mưa, giá trị nồng độ bụi đo được tại 3 trạm quan trắc khá cao nhưng đều trong giới hạn cho phép, vào mùa mưa giá trị bụi đo được giảm dần so với mùa khô.
So sánh với kết quả quan trắc của những năm gần đây cho thấy, chất lượng nước, môi trường nước tại lưu vực các dòng sông, nước dưới đất của tỉnh đang dần tốt lên, nằm trong mức giới hạn cho phép. Kết quả phân tích các thông số quan trắc kim loại nặng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật gốc photpho, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật gốc clo tại 88 điểm thuộc mạng lưới quan trắc môi trường đất của Bình Phước năm 2022 và 2023 đều có hàm lượng thấp và trong mức giới hạn cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng đất.
Kiểm soát tốt nguồn ô nhiễm
Tỉnh Bình Phước đang trên đà phát triển mạnh với tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2023 đạt 7,25%, cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước; trong đó, sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại và dịch vụ tăng mạnh so với năm 2022, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh. Đi kèm với sự phát triển kinh tế thì các nguồn phát sinh chất thải, xả thải ra môi trường cũng gia tăng nhanh chóng về số lượng, quy mô và mức độ tác động. Trong khi đó, các cơ sở hạ tầng về bảo vệ môi trường của tỉnh còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Hầu hết các huyện, thị xã của tỉnh chưa được đầu tư nhà máy xử lý chất thải rắn/hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung; các bãi chứa rác thải sinh hoạt chỉ là bãi lộ thiên, tạm thời, không đảm bảo vệ sinh môi trường; nước thải chủ yếu được người dân xử lý qua bể tự hoại rồi cho thấm trực tiếp vào đất hoặc thải ra hệ thống thoát nước chung gây ô nhiễm môi trường không khí, nguồn nước.
Sự gia tăng về số lượng các cơ sở sản xuất, khu, cụm công nghiệp đã làm tăng lượng chất thải phát sinh, gây áp lực không nhỏ đến môi trường của tỉnh. Tình trạng một số DN chưa thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường, còn xả chất thải xử lý chưa đạt quy chuẩn ra môi trường, gây ô nhiễm không khí và nguồn nước; hoạt động của một số trang trại chăn nuôi, cơ sở chế biến mủ cao su, sản xuất phân bón chưa đảm bảo vệ sinh môi trường, làm phát sinh mùi hôi gây ảnh hưởng đến người dân xung quanh.
Việc đưa các ngành nghề, dự án sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu vực đô thị làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn; một số DN còn sử dụng công nghệ sản xuất cũ, lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng, tài nguyên, chủ yếu là DN quy mô nhỏ, hộ kinh doanh gia đình. Bên cạnh đó, các yêu cầu về bảo vệ môi trường được đặt ra ngày càng cao, khắt khe hơn, buộc DN phải có sự thay đổi, cải tiến về công nghệ sản xuất, xử lý chất thải để đáp ứng các yêu cầu. Điều này đã thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn của tỉnh.
Tỉnh Bình Phước hiện có 13 KCN với tổng diện tích 4.686 ha; trong đó 11 KCN đã đưa vào hoạt động. Các cơ quan chuyên môn của tỉnh thường xuyên hướng dẫn, yêu cầu các chủ đầu tư hạ tầng KCN phải thực hiện nghiêm quy định về bảo vệ môi trường trong quá trình triển khai xây dựng và hoạt động. Năm 2023, toàn tỉnh có 10 KCN đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn, đạt 91%. Tỷ lệ nước thải của KCN được xử lý đảm bảo quy chuẩn đạt 100%.
Toàn tỉnh hiện có 20/20 đơn vị y tế từ tuyến tỉnh đến huyện đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải, trong đó 17 cơ sở có hệ thống xử lý nước thải đảm bảo đạt quy chuẩn. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh hiện đạt hơn 90% tại các khu vực đô thị, công nghiệp, dịch vụ và du lịch; 65% tại khu vực nông thôn. Chất thải rắn công nghiệp, chất thải rắn nguy hại được các DN hợp đồng với đơn vị thu gom, xử lý theo quy định.
Toàn tỉnh có 40 trạm quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục của 28/48 DN thuộc đối tượng được lắp đặt và truyền dữ liệu trực tiếp về Sở TN&MT để theo dõi, giám sát việc xả thải; 3 trạm quan trắc tự động môi trường, không khí xung quanh và 5 trạm quan trắc tự động nước mặt được vận hành thường xuyên để phục vụ công tác quản lý và có cảnh báo kịp thời về diễn biến chất lượng môi trường của tỉnh.
Nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường
Để bảo vệ môi trường bền vững, Sở TN&MT phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm, chặt chẽ các quy định về bảo vệ môi trường, tham mưu chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án. Yêu cầu các chủ dự án đang xây dựng phải hoàn thành công trình bảo vệ môi trường và được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép mới đưa vào hoạt động. Đối với những dự án đã đi vào hoạt động nhưng chưa hoàn thiện các công trình xử lý chất thải, chưa được kiểm tra cấp giấy phép môi trường, phải tiến hành xử phạt nghiêm theo quy định và phải xây dựng, cải tạo hoàn thiện các công trình xử lý để được kiểm tra, cấp phép.
Tăng cường công tác thanh, kiểm tra đột xuất ngay khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm. Xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường, có hành vi gây ô nhiễm môi trường. Đề nghị đình chỉ hoạt động đối với những DN có hành vi vi phạm nhưng không khắc phục và tiếp tục gây ô nhiễm.
Tiếp tục hướng dẫn, yêu cầu các khu công nghiệp (KCN), cơ sở sản xuất thuộc đối tượng phải lắp đặt trạm quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục và truyền dẫn số liệu về Sở TN&MT theo quy định để kiểm soát việc xả thải; hoàn thiện hệ thống giám sát trung tâm để tiếp nhận dữ liệu từ hệ thống quan trắc tự động, liên tục nước thải, khí thải của các DN trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, ngành, người dân; đôn đốc các DN thực hiện đúng và đầy đủ các quy định pháp luật theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; khuyến khích người dân cùng tham gia giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của các DN để phát hiện và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/327/158452/bao-ve-moi-truong-ben-vung