Bảo vệ môi trường, chuyện không chỉ của người lớn

Để giúp trẻ em yêu thiên nhiên và có ý thức bảo vệ môi trường, chuyên gia khuyên người lớn nên làm gương và thường xuyên giáo dục trẻ về tầm quan trọng của môi trường sống.

Năm 2023 là năm nóng nhất thế giới từng được ghi nhận và ấm hơn 1,48 độ C so với nhiệt độ thời kỳ tiền công nghiệp (từ năm 1850 đến năm 1900).

Những thách thức mà hành tinh của chúng ta phải đối mặt có vẻ xa vời nhưng thực chất, những thách thức này có mối liên hệ chặt chẽ và có thể đe dọa hạnh phúc của chính chúng ta. Nắng nóng gay gắt tấn công nhiều vùng Đông Nam Á, trong đó có Philippines, Thái Lan, Malaysia, Việt Nam, khiến hàng chục người thiệt mạng và buộc các trường học phải đóng cửa, theo kênh Channel News Asia.

Tất cả các bậc cha mẹ đều mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho con cái họ. Điều đó bao gồm một môi trường an toàn và lành mạnh, cũng như một loạt các giá trị tốt đẹp mà các bậc cha mẹ mong muốn con cái kế thừa từ họ.

 Cha mẹ nên đồng hành cùng con trong quá trình học hỏi để bảo vệ môi trường. Ảnh: ISTOCK

Cha mẹ nên đồng hành cùng con trong quá trình học hỏi để bảo vệ môi trường. Ảnh: ISTOCK

Mỗi quyết định mà cha mẹ đưa ra đều gửi một thông điệp rõ ràng đến con cái về những giá trị mà chính họ tôn trọng. Tất cả giá trị này đều bắt đầu từ mái ấm của mỗi người – nơi những hành động đơn giản có thể để lại những bài học sâu sắc.

Dưới đây là những lời khuyên từ ông Vivek Kumar – Giám đốc điều hành Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) tại Singapore gửi đến các bậc cha mẹ, để giúp con em mình nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường.

Đưa ra lựa chọn bền vững

Những hành động như tái chế giấy, tắt đèn khi rời khỏi phòng và chọn hộp đựng có thể tái sử dụng là những hành động nhỏ nhưng chúng sẽ gieo mầm cho sự thay đổi tích cực trong tâm trí con trẻ.

Điển hình, ông Vivek Kumar cho biết dù ông sống trong một căn hộ không có ban công như hầu hết các gia đình khác ở Singapore, nhưng vợ ông thường trồng nhiều cây, trong đó có cây húng tây. Gia đình ông Kumar sử dụng lá húng tây khi nấu mì ống. Nhờ đó, các con ông giờ đây rất quý loại cây này, không chỉ vì chúng đẹp mà còn vì chúng là một nguyên liệu thực phẩm tươi ngon và không tốn nhiều tiền.

Những thói quen hàng ngày này sẽ được truyền từ cha mẹ sang con cái. Điều này không chỉ định hình cuộc sống hàng ngày của các gia đình, mà còn giúp hình thành nên thế giới mà các cha mẹ muốn để lại cho con cái sau này – một thế giới xanh.

Tuy nhiên, các thiết bị kỹ thuật số và lịch làm việc bận rộn có thể khiến chúng ta đôi khi không có thời gian và không gian để trồng cây ngoài ban công. Dù vậy, trong chính ngôi nhà của mình, chúng ta phải thường nhắc nhở nhau thực hiện những hành động nhỏ như tắt đèn và lưu ý đến việc sử dụng những nguồn tài nguyên quý giá như nguồn nước, khí đốt.

Giáo dục trẻ về sự bền vững

Các chương trình dạy tại trường học đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành thói quen của thanh thiếu niên đối với việc bảo vệ môi trường. Sự hợp tác với các cơ quan chính phủ và tổ chức phi lợi nhuận sẽ nâng cao hơn nữa tác động của những chương trình này.

Tại trường Trung học Commonwealth (Singapore) – một trong 140 trường mà WWF Singapore hợp tác để phát triển các chương trình bền vững, giáo viên và học sinh ở đây biến những bãi cỏ đơn giản thành môi trường sống mô phỏng vùng rừng nhiệt đới và đất ngập nước. Học sinh cũng học các khái niệm vật lý và hóa học thông qua các thí nghiệm tại khu vực này.

Trẻ em không chỉ là người tiếp nhận kiến thức, họ là động lực đằng sau những sự thay đổi. Điều này đặc biệt đúng trong thời đại kỹ thuật số ngày nay khi nhiều người trong thế hệ trẻ can đảm lên tiếng về các vấn đề môi trường.

Tiếng nói và sự đổi mới sáng tạo của người trẻ trong vấn đề môi trường cho thấy thế hệ trẻ có khả năng trong việc thúc đẩy sự thay đổi của nhân loại. Trong quá trình đó, người lớn có trách nhiệm thực hiện các hành động bảo vệ môi trường để nêu gương cho thế hệ trẻ.

 Thiết bị cảnh báo không lãng phí thức ăn do học sinh tiểu học tại Singapore chế tạo. Ảnh: CNA

Thiết bị cảnh báo không lãng phí thức ăn do học sinh tiểu học tại Singapore chế tạo. Ảnh: CNA

Học tập lẫn nhau

Theo ông Kumar, trong khi các bậc cha mẹ cần nỗ lực để truyền đạt ý thức bảo vệ môi trường cho thế hệ trẻ thì chính họ cũng có thể học được rất nhiều từ những người trẻ.

Con gái ông Kumar đam mê tìm hiểu môi trường biển. Với sự hỗ trợ của giáo viên, cô bé đã được chọn làm nhà sinh học biển nhí để đại diện cho trường tiểu học tham gia cuộc thảo luận do Hiệp hội Tự nhiên Singapore tổ chức.

Ngay sau buổi thảo luận, con gái ông Kumar nài nỉ cả nhà ông cho cô bé được đi phương tiện công cộng. Ông Kumar cho rằng quyết định của cô bé là kết quả của việc giáo viên đã có những cuộc trò chuyện phù hợp với cô bé cùng các học sinh khác về tác động của môi trường và cách lựa chọn phương tiện đi lại.

Từ điều này, ông Kumar kết luận rằng khi chúng ta cùng trẻ em tham gia học tập về tính bền vững, chúng ta không chỉ nuôi dưỡng tình yêu của của các em với thế giới tự nhiên, mà còn làm phong phú thêm sự hiểu biết của chúng ta về các vấn đề môi trường thông qua góc nhìn của trẻ.

Những hành động và cuộc trò chuyện hàng ngày của chúng ta với con em mình, bao gồm việc thỉnh thoảng nhắc nhở các em thực hiện hành động nhỏ để bảo vệ môi trường là rất có ích. Nó sẽ đặt nền móng cho việc gây dựng một thế giới tuyệt vời – nơi trách nhiệm bảo vệ môi trường ăn sâu vào cuộc sống hàng ngày.

KHOA ĐIỀM

Nguồn PLO: https://plo.vn/bao-ve-moi-truong-chuyen-khong-chi-cua-nguoi-lon-post794681.html