Cách tập luyện cho người mắc u màng não

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tập thể dục không chỉ đem lại nhiều lợi ích về sức khỏe cho người bệnh u màng não mà còn giảm nguy cơ lo lắng, trầm cảm, cải thiện khả năng tương tác xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

1. Lợi ích của tập luyện với bệnh u màng não

Nội dung

1. Lợi ích của tập luyện với bệnh u màng não

2. Người bệnh u màng não tập luyện như thế nào là hợp lý?

3. Một số bài tập cho người mắc u màng não

Theo ThS.BS Trần Quang Dũng – Khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, u màng não là khối u nguyên phát của hệ thần kinh trung ương, xuất phát từ tế bào nhung mao màng nhện của màng não. Thông thường, khối u phát triển khá chậm, ngoài trục.

U màng não thường lành tính chiếm 97,7%, u màng não ác tính chiếm khoảng 1,7%. U màng não có thể gặp ở mọi vị trí trong hộp sọ như: vòm sọ, vùng nền sọ, trong não thất hoặc trong ống sống.

Theo Hiệp hội Ung thư - thần kinh Châu Âu và Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, nguyên tắc điều trị u màng não tùy thuộc vào vị trí, kích thước u, bản chất mô bệnh học (nếu có), độ tuổi, biểu hiện triệu chứng thần kinh, tình trạng toàn thân cũng như sự lựa chọn của người bệnh mà điều trị đa mô thức bao gồm: phẫu thuật đơn thuần, hoặc phẫu thuật phối hợp với xạ trị, xạ phẫu.

Tập thể dục đem lại nhiều lợi ích sức khỏe cả thể chất lẫn tinh thần cho bệnh nhân u màng não. Ảnh minh họa.

Tập thể dục đem lại nhiều lợi ích sức khỏe cả thể chất lẫn tinh thần cho bệnh nhân u màng não. Ảnh minh họa.

Ngoài những phương pháp điều trị trên, theo các chuyên gia, các liệu pháp y học thay thế bao gồm: Châm cứu; thôi miên; massage; thiền định; âm nhạc trị liệu; các bài tập thư giãn có thể hỗ trợ điều trị cơ bản và giúp bệnh nhân tìm cách quản lý căng thẳng sau khi được chẩn đoán u màng não.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tập thể dục đem lại nhiều lợi ích, giúp cải thiện mức độ hoạt động về thể chất và chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân u màng não.

Theo đó, tập thể dục giúp bệnh nhân mắc u màng não cải thiện sự cân bằng, giảm nguy cơ té ngã và gãy xương; cải thiện lưu lượng máu đến chân, giảm nguy cơ đông máu; giảm các triệu chứng mệt mỏi và giúp kiểm soát cân nặng.

Bên cạnh đó, người bệnh tập thể dục thường xuyên sẽ bớt phụ thuộc vào người thân trong các hoạt động thường ngày, nâng cao niềm tin vào cuộc sống, giảm nguy cơ lo lắng và trầm cảm, cải thiện khả năng tương tác xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống.

2. Người bệnh u màng não tập luyện như thế nào là hợp lý?

Trước khi người bệnh u màng não bắt đầu các bài tập rèn luyện sức khỏe, nâng cao sức đề kháng, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị để được hướng dẫn bài tập phù hợp nhất với thể trạng bệnh của mình.

Người bệnh có thể đi lại, vận động bình thường hoặc tương đối bình thường:

Tập vận động: các môn theo sở thích, khả năng của cơ thể và điều kiện tiếp cận như đi bộ, chạy bộ, yoga, bơi lội, đạp xe…

Tập thở: các bài thở cơ hoành, thở kích hoạt năng lượng, thở thư giãn …

Tập thiền: có thể tham gia lớp tập hoặc nghe các video thiền tập.

Người bệnh vẫn có thể đi lại nhưng hạn chế vận động:

Tập vận động: các môn nhẹ nhàng, tránh gây áp lực cho vùng tổn thương của cơ thể. Nên tập các hình thức vừa phải như yoga nằm, ngồi (dưới sàn, trên ghế), thả lỏng người trong nước, đạp xe …

Tập thở tư thế ngồi (trên ghế, dưới sàn): các bài thở cơ hoành, thở kích hoạt năng lượng, thở thư giãn…

Tập thiền: có thể nghe các video thiền tập hoặc tham gia lớp tập online.

Người bệnh phải nằm hay ngồi một chỗ:

Tập vận động: các bài tập thật đơn giản cho những bộ phận còn hoạt động được như cổ, tay, chân với các động tác yoga gấp duỗi.

Tập thở trong khi nằm, ngồi: các bài thở cơ hoành, thở kích hoạt năng lượng, thở thư giãn …

Tập thiền: có thể nghe các video thiền tập hoặc tham gia lớp tập online.

3. Một số bài tập cho người mắc u màng não

Yoga

Trên thực tế, một cách tiếp cận cân bằng đối với việc tập thể dục có thể giúp ích rất nhiều trong việc phục hồi thể trạng sau điều trị bệnh, trong đó có u màng não.

Liệu pháp yoga là một trong những kỹ thuật thể dục giúp bệnh nhân u màng não tăng cường thể lực tổng thể, sức khỏe tinh thần (giúp thư giãn, giảm căng thẳng, lo lắng, trầm cảm) và mức năng lượng. Hơn nữa, yoga còn giúp người bệnh tĩnh tâm để có thể đương đầu với bệnh tật tốt hơn.

Yoga giúp người bệnh tĩnh tâm để có thể đương đầu với bệnh tật tốt hơn.

Yoga giúp người bệnh tĩnh tâm để có thể đương đầu với bệnh tật tốt hơn.

Một số tư thế Yoga phù hợp với người bệnh u màng não:

+ Tư thế cái cây

Tư thế này có thể mang lại sự bình tĩnh và thư giãn cho tâm trí và cơ thể.

Cách thực hiện:

Bắt đầu bằng cách đứng thẳng với hai chân sát vào nhau.

Nâng chân phải lên và đặt lên đùi trong bên trái. Sau đó, giữ thăng bằng ở tư thế này và từ từ áp hai lòng bàn tay vào nhau rồi giơ cao qua đầu.

Chú ý nhìn tập trung vào một điểm phía trước để giữ thăng bằng tốt hơn.

Lặp lại động tác với chân còn lại.

+ Tư thế con sếu

Tư thế con sếu tuy có độ khó cao nhưng lại có rất nhiều lợi ích cho tinh thần và sức khỏe. Thường xuyên tập tư thế yoga này giúp cơ thể cân bằng hơn, các cơ tay, chân được giãn ra và tăng sức mạnh.

Bắt đầu ở tư thế đứng thẳng, 2 chân mở rộng bằng vai, từ từ gập người và chống 2 bàn tay xuống mặt sàn phía trước của ngón chân.

Hít thật sâu, từ từ kiễng gót chân lên, đẩy phần mông và hông lên cao dần, đầu gối tựa trên bắp tay để chống đỡ, người đổ dần về phía trước.

Thở ra, giữ tư thế này và hít thở tự do, giữ khoảng 10 – 15 giây hoặc lâu hơn tùy khả năng của mỗi người.

+ Tư thế hoa sen

Nói đến bài tập yoga tốt cho não thì không thể nào bỏ qua tư thế hoa sen – một trong những tư thế dễ thực hiện tại nhà. Với bài tập này, não bộ được kích thích tối đa, cải thiện sự tập trung, giảm nguy cơ suy giảm trí nhớ, thúc đẩy khả năng sáng tạo mạnh mẽ hơn. Đây cũng là tư thế yoga giải tỏa stress rất tốt.

Chuẩn bị tư thế ngồi thẳng lưng, chân duỗi thẳng về phía trước, đầu gối gập dần lại và mắt cá chân đặt trên đùi của chân còn lại.

Đặt 2 bàn tay lên 2 đầu gối, giữ lưng thẳng, đầu thẳng, thả lỏng cơ thể, hít thở sâu và giữ tư thế yoga này trong 1 – 5 phút.

Khiêu vũ

Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học New England, khiêu vũ được cho là làm giảm nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ hơn các hoạt động thể chất khác. Sự phối hợp các động tác thể chất và tinh thần của khiêu vũ sẽ kích hoạt các vùng não kiểm soát trí nhớ, lập kế hoạch và phối hợp, khiến nó trở thành một bài tập tốt cho sức khỏe não bộ.

Thái cực quyền

Tập thái cực quyền giúp thúc đẩy sự thư giãn và giảm căng thẳng, có lợi cho sức khỏe não bộ.

Tập thái cực quyền giúp thúc đẩy sự thư giãn và giảm căng thẳng, có lợi cho sức khỏe não bộ.

Thái cực quyền là một hình thức võ thuật đặc trưng bởi các động tác chậm rãi, có chủ ý và thở sâu. Đây là một bài tập tuyệt vời cho não. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng thái cực quyền có thể cải thiện chức năng điều hành, trí nhớ và tốc độ xử lý thông tin ở người lớn tuổi.

Khía cạnh thiền định của thái cực quyền cũng giúp thúc đẩy sự thư giãn và giảm căng thẳng, điều này có lợi cho việc duy trì sức khỏe não bộ.

Chơi cờ

Các thể loại cờ vây, cờ tướng, cờ vua là các bộ môn thể thao rèn luyện trí óc hiệu quả mà bất kỳ ai cũng có thể học và chơi. Đây là bộ môn giúp người chơi cải thiện chỉ số IQ, nâng cao khả năng tập trung và cải thiện trí nhớ.

Lối sống phòng ngừa u màng não

- Thăm khám sức khỏe định kỳ 6 tháng - 1 năm/lần, đặc biệt là những nhóm đối tượng có yếu tố nguy cơ mắc u não. Việc này giúp tầm soát để phát hiện cũng như ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh từ giai đoạn sớm.

- Cuộc sống ngày nay nhiều áp lực, do vậy sau mỗi giờ lao động cũng như học tập căng thẳng, để tránh stress, bạn nên dành thời gian thư giãn thông qua một số hoạt động như tập luyện thể dục thể thao, nghe nhạc, đọc sách…

- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, một chế độ dinh dưỡng cân bằng các loại thực phẩm, tăng cường bổ sung vitamin và khoáng chất sẽ mang lại những lợi ích sức khỏe tuyệt vời.

- Môi trường chứa nhiều bức xạ cũng như hóa chất độc hại sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho u não phát sinh. Vì vậy, nên chủ động hạn chế tối đa việc tiếp xúc với môi trường ô nhiễm và có nhiều bức xạ.

Anh Khôi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cach-tap-luyen-cho-nguoi-mac-u-mang-nao-1692410311352026.htm