Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, quyết liệt chống khai thác IUU

Trước yêu cầu cấp bách trong việc khắc phục những khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), BĐBP Nghệ An đang nỗ lực triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp. Trong đó, công tác tuần tra, kiểm soát, tuyên truyền và xử lý vi phạm được đẩy mạnh, góp phần giữ vững chủ quyền vùng biển, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và hướng tới mục tiêu gỡ 'thẻ vàng' cho ngành thủy sản Việt Nam.

Tàu tuần tra của BĐBP Nghệ An tiếp cận các tàu cá của ngư dân thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát. Ảnh: Anh Bách

Tàu tuần tra của BĐBP Nghệ An tiếp cận các tàu cá của ngư dân thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát. Ảnh: Anh Bách

Những ngày đầu tháng 5, khi bình minh còn chưa ló rạng, các tổ tuần tra của BĐBP Nghệ An đã cơ động rời bến thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên các khu vực biển trọng điểm. Việc tuần tra được duy trì thường xuyên, cả ngày lẫn đêm nhằm phát hiện sớm và kịp thời xử lý các hành vi vi phạm quy định IUU. Chỉ tính riêng trong 10 ngày đầu của đợt cao điểm ra quân, các đơn vị đã tổ chức 87 lượt tuần tra, với sự tham gia của 428 lượt cán bộ, chiến sĩ, phát hiện và xử lý 28 vụ vi phạm, xử phạt hành chính hơn 200 triệu đồng.

Qua công tác kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện một số tàu cá không bật thiết bị giám sát hành trình (VMS), không ghi nhật ký khai thác, thậm chí tàng trữ ngư cụ bị cấm như kích điện hoặc có thuyền viên chưa đủ giấy tờ hợp pháp. Các trường hợp vi phạm đều được lập biên bản, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. Ngư dân Lê Đình Dương, thuyền trưởng tàu TH 1923 TS chia sẻ: “Hành vi tàng trữ xung điện và một số giấy tờ không hợp pháp là do nhận thức hạn chế. Sau khi được tuyên truyền, tôi đã hiểu rõ hơn và cam kết sẽ chấp hành nghiêm các quy định”.

Tại Trạm Kiểm soát Biên phòng Lạch Quèn (Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận), công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động xuất, nhập bến của tàu cá được triển khai một cách nghiêm ngặt và bài bản. Trạm là điểm chốt quan trọng trong việc kiểm soát dòng phương tiện ra vào khu vực biển Quỳnh Lưu - nơi tập trung lượng lớn tàu thuyền và ngư dân hành nghề khai thác hải sản. Mỗi ngày, hàng chục lượt tàu cá cập bến hoặc rời bến đều phải thực hiện đầy đủ các thủ tục như kiểm tra hồ sơ hành nghề, đối chiếu danh sách lao động, kiểm tra giấy tờ đăng ký. đăng kiểm, thiết bị VMS và nhật ký đánh bắt thủy sản. Mọi bất thường đều được ghi nhận, lập biên bản và xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật.

Các trạm kiểm soát Biên phòng luôn duy trì lực lượng túc trực 24/24 giờ, kể cả trong những ngày lễ, Tết hay điều kiện thời tiết bất lợi, để kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ bà con ngư dân. Đội ngũ cán bộ, chiến sĩ tại đây không chỉ thực hiện nhiệm vụ giám sát, mà còn kiêm luôn vai trò là những tuyên truyền viên, tích cực phổ biến các nội dung liên quan đến chống khai thác IUU, cập nhật quy định mới của Nhà nước và quốc tế, hướng dẫn ngư dân thực hiện khai thác hợp pháp, không vi phạm vùng biển nước ngoài.

Thiếu tá Nguyễn Trường Sinh, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Lạch Quèn cho biết: “Chúng tôi trực tiếp hướng dẫn bà con ngư dân các thủ tục pháp lý, đồng thời tuyên truyền để họ hiểu và tuân thủ nghiêm các quy định của Nhà nước trong khai thác thủy sản. Nhiều ngư dân trước đây còn lúng túng trong việc sử dụng thiết bị VMS hay ghi chép nhật ký, nay đã dần chủ động, có ý thức hơn trong việc chấp hành pháp luật”.

Xác định tuyên truyền là giải pháp bền vững, các đơn vị BĐBP Nghệ An phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức như phát tờ rơi, phát cờ Tổ quốc, tuyên truyền trực tiếp trên tàu cá và tại các khu neo đậu. Trong lúc chuẩn bị vật dụng cần thiết cho chuyến biển mới, ngư dân Phạm Minh Sĩ (xã Phú Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu) chia sẻ: “Qua tuyên truyền của cán bộ BĐBP, tôi luôn đánh bắt trong vùng biển cho phép, không xâm phạm vùng biển nước ngoài để tránh vi phạm pháp luật”.

Tại địa bàn Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận – nơi có số lượng tàu cá lớn và hoạt động khai thác đa dạng, công tác chống khai thác IUU luôn được triển khai quyết liệt. Cán bộ, chiến sĩ đơn vị thường xuyên hỗ trợ ngư dân trong việc đăng ký, đăng kiểm, cấp phép và cập nhật đầy đủ dữ liệu vào hệ thống VNFishbase. Thiếu tá Nguyễn Tiến Lượng, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận cho biết: “Chúng tôi tập trung toàn lực lượng cho công tác tuyên truyền và kiểm tra, xử lý vi phạm. Đặc biệt, phát huy hiệu quả hoạt động của các trạm kiểm soát Biên phòng và đảng viên chuyển sinh hoạt tạm thời tại các chi bộ thôn, xóm để tuyên truyền, vận động ngư dân chấp hành nghiêm pháp luật”.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chống khai thác IUU vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. Một số ngư dân vẫn giữ tâm lý "làm theo thói quen", chưa ý thức đầy đủ về hậu quả của hành vi vi phạm IUU. Việc đầu tư thiết bị VMS còn tốn kém, trong khi tín hiệu thiết bị đôi khi bị gián đoạn do thời tiết hoặc kỹ thuật, gây hiểu lầm là cố tình vi phạm. Công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp còn thiếu tính đồng bộ, một số nơi chưa cập nhật đầy đủ dữ liệu tàu cá lên hệ thống quản lý.

Trước yêu cầu đó, BĐBP Nghệ An đã kiến nghị chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng tăng cường hỗ trợ ngư dân về kinh phí, kỹ thuật lắp đặt và bảo trì thiết bị VMS; tổ chức tập huấn chuyên sâu cho cán bộ cơ sở và ngư dân về quy định pháp luật quốc tế trong nghề cá. Đồng thời, đẩy mạnh số hóa, đồng bộ hệ thống giám sát, kiểm tra liên ngành để nâng cao hiệu quả quản lý tàu cá hoạt động trên biển.

BĐBP Nghệ An triển khai đội hình tuần tra chống khai thác IUU. Ảnh: Anh Bách

BĐBP Nghệ An triển khai đội hình tuần tra chống khai thác IUU. Ảnh: Anh Bách

Điểm sáng tích cực trong công tác phòng, chống IUU tại khu vực ven biển Nghệ An chính là sự phát huy vai trò tự giác và tinh thần trách nhiệm cộng đồng của các tổ tự quản tàu thuyền. Tại các xã có truyền thống lâu đời về nghề biển như Quỳnh Lập, Quỳnh Long, Sơn Hải..., ngày càng có nhiều tổ tự quản được thành lập và hoạt động hiệu quả, trở thành lực lượng nòng cốt hỗ trợ lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, giám sát, tuyên truyền và vận động ngư dân chấp hành nghiêm pháp luật.

Các tổ tự quản do chính bà con ngư dân tự bầu ra, gồm những thuyền trưởng, chủ tàu giàu kinh nghiệm, có uy tín trong cộng đồng, am hiểu pháp luật và sẵn sàng xung kích trong việc gìn giữ kỷ cương nghề biển. Không chỉ hỗ trợ nhau trong sản xuất, bảo đảm an toàn trên biển và ứng phó thiên tai, các thành viên tổ còn thường xuyên trao đổi thông tin về thời tiết, tình hình tàu thuyền, cũng như động viên, nhắc nhở nhau thực hiện đúng quy định về lắp đặt, duy trì thiết bị VMS, ghi nhật ký khai thác đầy đủ, không sử dụng ngư cụ cấm như xung điện, lưới có kích thước mắt không hợp lệ...

Hướng tới đợt thanh tra lần thứ 5 của EC, Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ An đã triển khai đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát chống khai thác IUU. Các đơn vị được quán triệt duy trì nghiêm chế độ trực, thành lập các biên đội tàu tuần tra khép kín vùng biển, tăng cường kiểm tra tại các khu vực cửa sông, cửa lạch. Thượng tá Đậu Đình Thành, Phó Tham mưu trưởng BĐBP Nghệ An cho biết: “Chúng tôi xác định công tác chống khai thác IUU là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Bên cạnh tăng cường kiểm tra, kiểm soát, các đơn vị tập trung đẩy mạnh tuyên truyền để ngư dân nắm rõ và tự giác thực hiện, phòng chống khai thác IUU”.

Với tinh thần trách nhiệm cao và sự vào cuộc đồng bộ của lực lượng Biên phòng, chính quyền cùng nhân dân, vùng biển Nghệ An đang từng bước đẩy lùi vi phạm IUU. Những con tàu ra khơi hôm nay không chỉ mang khát vọng mưu sinh, mà còn thể hiện ý thức bảo vệ chủ quyền, khẳng định trách nhiệm với nghề cá nước nhà. Đây là tiền đề quan trọng để Việt Nam sớm gỡ bỏ "thẻ vàng" và tiến tới xây dựng một ngành thủy sản phát triển bền vững, hiện đại và hội nhập quốc tế.

Anh Bách

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/bao-ve-nguon-loi-thuy-san-quyet-liet-chong-khai-thac-iuu-post489854.html