Đề xuất lập hội đồng xử lý tài sản thi hành án các vụ đại án kinh tế, tham nhũng

TS.LS Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam kiến nghị cần thành lập Hội đồng xử lý tài sản thi hành án đối với các vụ đại án kinh tế, tham nhũng.

Tại Hội thảo "Góp ý sửa đổi Luật Thi hành án dân sự - Giải pháp xử lý tài sản thi hành án trong các vụ án kinh tế" do Báo Pháp luật TP.HCM tổ chức sáng 14/5, TS.LS Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam - kiến nghị cần thành lập Hội đồng xử lý tài sản thi hành án đối với các vụ đại án kinh tế, tham nhũng nhằm tập trung sức mạnh tổng hợp, tháo gỡ khó khăn về pháp lý và thủ tục để hồi sinh các dự án bất động sản lớn, tạo nguồn lực khắc phục hậu quả vụ án.

Ông Hoài dẫn ví dụ từ vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát - nơi Thủ tướng đã thành lập Ban chỉ đạo thu hồi tài sản - cho thấy sự cần thiết phải có cơ chế phối hợp liên ngành bài bản, đủ thẩm quyền và chuyên môn để xử lý khối tài sản lớn, phức tạp đang bị kê biên, phong tỏa.

TS.LS Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

TS.LS Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Theo LS Phan Trung Hoài, nhiều bất cập trong quá trình xử lý tài sản thi hành án hiện nay cần được xem xét sửa đổi trong Luật Thi hành án dân sự.

Bất cập đầu tiên là thời điểm định giá tài sản và hiệu lực của chứng thư thẩm định giá. Hiện tại, việc xác định giá trị tài sản thường dựa vào thời điểm cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu, dẫn tới chênh lệch lớn khi thời điểm xảy ra vụ án và thời điểm định giá cách xa nhau.

Trong các vụ án dân sự hoặc hình sự có thời gian giải quyết kéo dài, việc xác định thời điểm định giá là lúc nào (sơ thẩm, phúc thẩm...) vẫn chưa có hướng dẫn rõ ràng, khiến kết quả định giá thiếu nhất quán, dễ gây thiệt hại cho các bên liên quan.

Một điểm nghẽn khác là hiệu lực của chứng thư thẩm định giá chỉ kéo dài 6 tháng, trong khi quá trình tổ chức thi hành án có thể bị kéo dài do đương sự chống đối hoặc do nguyên nhân khách quan. Khi chứng thư hết hiệu lực mà không thể định giá lại, nhiều trường hợp buộc phải sử dụng chứng thư cũ, gây rủi ro pháp lý.

Cũng theo ông Hoài, phương pháp định giá hiện nay còn nhiều lỗ hổng. Cụ thể, phương pháp so sánh, vốn được dùng phổ biến lại dựa trên dữ liệu thu thập từ các nguồn không chính thống như báo chí, Internet... Điều này khiến giá trị thẩm định có thể thiếu tính xác thực và dễ bị nghi ngờ về pháp lý.

"Nếu có sự chênh lệch lớn giữa kết quả định giá của các đơn vị được Bộ Tài chính cấp phép, thì lấy kết quả nào làm căn cứ tổ chức đấu giá? Đặc biệt là với bất động sản, loại tài sản có giá trị lớn, biến động theo thị trường", ông Hoài đặt vấn đề.

Theo ông Hoài, thực tế cũng cho thấy không ít vụ án bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi việc định giá thiếu nhất quán. Ông dẫn chứng một vụ án gây thiệt hại cho ngân hàng, trong đó nhiều tài sản có giá trị lớn như cổ phần, cổ phiếu, tài sản hình thành trong tương lai không được định giá vì "chưa đủ cơ sở pháp lý", dẫn tới việc không được đưa vào xem xét bồi thường.

Thậm chí, có trường hợp hai công ty thẩm định giá đưa ra kết quả khác biệt quá lớn, ảnh hưởng đến trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo. Một vụ án tại Chi cục Thi hành án dân sự (thuộc địa phương phía Nam) được xét xử tháng 5/2025 cho thấy chứng thư thẩm định đã hết hiệu lực, nhưng cơ quan thi hành án vẫn sử dụng chứng thư cũ vì cho rằng "không có căn cứ để định giá lại".

Từ những bất cập trên, ông Hoài cho rằng cần thiết phải xây dựng một cơ chế pháp lý thống nhất và linh hoạt hơn. Đặc biệt, đối với các tài sản đặc thù như cổ phần, cổ phiếu, giấy tờ có giá, quyền tài sản hay tài sản hình thành trong tương lai, cần có quy định bắt buộc về phương pháp định giá, tránh tình trạng công ty định giá tự ý loại bỏ những tài sản này khỏi danh mục định giá.

Bên cạnh đó, Luật cũng cần quy định rõ thời điểm định giá là thời điểm tài sản bị xâm phạm, đảm bảo nguyên tắc có lợi cho người bị buộc tội và tạo sự thống nhất trong xét xử.

Việc xây dựng quy trình định giá cũng cần được chuẩn hóa hơn. Theo đó, thông tin thu thập phải có hệ thống, khách quan, phù hợp với đặc điểm tài sản và mục đích định giá. Các Hội đồng định giá cần căn cứ vào giá thực tế tại địa phương, kết hợp giữa dữ liệu từ các bên liên quan và khung giá nhà nước, chỉ định giá theo khung khi có đủ bằng chứng chứng minh khung giá sát thực tế.

“Định giá tài sản không chỉ là bước kỹ thuật mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả xét xử, thi hành án và quá trình thu hồi tài sản tham nhũng. Nếu không làm đúng và minh bạch, dễ tạo ra khiếu kiện kéo dài, gây thất thoát ngân sách và làm giảm niềm tin vào công lý”, ông Hoài nhấn mạnh.

Hoàng Thọ

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/de-xuat-lap-hoi-dong-xu-ly-tai-san-thi-hanh-an-cac-vu-dai-an-kinh-te-tham-nhung-ar943148.html