Bảo vệ phụ nữ toàn diện

Ngày 30.10. 2022, Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc thông qua Luật sửa đổi về bảo vệ quyền và lợi ích của phụ nữ (sau đây gọi là Luật Bảo vệ phụ nữ sửa đổi). Có hiệu lực từ ngày 1.1.2023, luật bổ sung gần 30 điều khoản mới nhằm tăng cường bảo vệ phụ nữ trong các lĩnh vực từ bình đẳng giới trong tuyển dụng và đàm phán hợp đồng, nghĩa vụ của người sử dụng lao động trong việc ngăn chặn quấy rối, cũng như nhiều biện pháp hỗ trợ phụ nữ nếu quyền và lợi ích của họ bị xâm phạm…

Những thay đổi chính

Theo China Briefing, thực tế, từ khi còn là dự thảo, Luật Bảo vệ phụ nữ sửa đổi đã thu hút được hơn 700.000 ý kiến trong giai đoạn lấy ý kiến đóng góp, trở thành văn bản pháp luật được thảo luận nhiều nhất trong những năm gần đây ở Trung Quốc. Luật này được sửa đổi lần lượt vào năm 2005 và 2018, sau khi được ban hành lần đầu tiên năm 1992.

Nguồn: AFP

Nguồn: AFP

Luật Bảo vệ phụ nữ sửa đổi có 10 chương, bao gồm một số điều liên quan đến quyền và lợi ích của lao động nữ, do đó có liên quan đến tất cả các doanh nghiệp ở Trung Quốc. Các điều khoản mới nhằm xóa bỏ phân biệt đối xử về giới trong quá trình tuyển dụng và đưa phân biệt đối xử về giới tại nơi làm việc vào phạm vi giám sát an ninh lao động. So với các phiên bản trước, luật mới là bước tiến lớn hướng tới việc bảo vệ quyền sinh con của lao động nữ và giải quyết vấn đề bình đẳng giới trong đánh giá hiệu quả làm việc và đề bạt.

Mặc dù luật pháp Trung Quốc đặc biệt cấm các hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, nhưng luật sửa đổi định nghĩa rõ hơn về quấy rối tình dục dưới hình thức nhận xét bằng lời nói, chữ viết, hình ảnh, hành vi hoặc các hành động khác trái với ý muốn của phụ nữ. Ngoài ra, luật cũng đưa thêm quy định giúp bảo vệ mạnh mẽ hơn đối với quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân của phụ nữ.

Theo Tân Hoa xã, luật mới còn giúp “tăng cường bảo vệ quyền và lợi ích của các nhóm thiệt thòi như phụ nữ nghèo, có tuổi và khuyết tật”, thông qua hỗ trợ việc làm, hỗ trợ kinh doanh và nhiều dịch vụ khác... Người sử dụng lao động sẽ phải chịu trách nhiệm về bất kỳ hành vi nào vi phạm quyền và lợi ích lao động, an sinh xã hội của phụ nữ. Các quan chức địa phương cũng được hướng dẫn để giải cứu những phụ nữ bị buôn bán và bắt cóc…

Các nhà phân tích tin rằng, các biện pháp trong luật sửa đổi sẽ khuyến khích xây dựng xã hội thân thiện với gia đình.

Cải thiện địa vị của phụ nữ

Các nghiên cứu gần đây cho thấy, tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động ở Trung Quốc giảm đáng kể trong 30 năm qua, giảm từ 73,2% vào năm 1990 xuống còn 60,5% vào năm 2019. Một số nguyên nhân có thể kể đến là chênh lệch lương liên quan đến giới tính, việc thiếu các lựa chọn chăm sóc trẻ em và người già, hay sự tái diễn của những định kiến cũ về lao động đối với phụ nữ…

Về chênh lệch tiền lương, mặc dù có nhiều tiến bộ nhưng vẫn có sự khác biệt khá lớn về tiền lương đối với phụ nữ. Theo khảo sát của cổng thông tin việc làm Zhipin.com, thu nhập trung bình của nam giới thành thị ở Trung Quốc đại lục năm 2019 cao hơn 22,5% so với nữ giới. Phụ nữ ở Trung Quốc chỉ kiếm được 84% so với những gì nam giới kiếm được cho công việc tương đương vào năm 2019.

Những rào cản mà phụ nữ gặp phải trong một số ngành chiếm một phần nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch về lương, vì phụ nữ Trung Quốc cảm thấy vô cùng khó khăn khi tham gia một số ngành nghề. Một số lĩnh vực ở Trung Quốc, chẳng hạn như quân đội và một số ngành khoa học, vẫn áp đặt các hạn chế đối với phụ nữ, điều có thể ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển nghề nghiệp của họ. Hơn nữa, những công việc như vậy cũng thường được trả lương cao hơn.

Liên quan đến khả năng quy hoạch, đề bạt, theo dữ liệu từ báo cáo Women on Board hàng năm của MSCI, tỷ lệ nữ thành viên Hội đồng quản trị trung bình của các công ty Trung Quốc là 13,8% vào năm 2021, so với 22,6% trên toàn cầu và 14,5% ở các nền kinh tế đang phát triển. Năm 2021, chỉ có 6,4% CEO (giám đốc điều hành) của các công ty là nữ, trong khi nữ CFO (giám đốc tài chính) là 26,3% - cao hơn mức trung bình toàn cầu.

Trong bối cảnh đất nước phải vật lộn để giải quyết vấn đề nhân khẩu học, năm 2021, Chính phủ Trung Quốc công bố kế hoạch 10 năm mới Đề cương phát triển phụ nữ ở Trung Quốc (2021 - 2030), trong đó nhấn mạnh đến quyền việc làm. Tài liệu đề xuất 75 mục tiêu chính và 93 biện pháp hỗ trợ, bao gồm các lĩnh vực chính như y tế, giáo dục và kinh tế. Đề cương đề xuất đến năm 2030, chính sách quốc gia cơ bản về bình đẳng giữa nam và nữ sẽ được thực hiện triệt để, và các cơ chế, thể chế để thúc đẩy bình đẳng giữa nam và nữ và sự phát triển toàn diện của phụ nữ sẽ được đổi mới và hoàn thiện, như một phần trong nỗ lực lớn của Chính phủ nhằm xóa bỏ phân biệt đối xử và cải thiện địa vị của phụ nữ ở Trung Quốc.

Linh Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/-bao-ve-phu-nu-toan-dien-i318526/