Bảo vệ quyền đánh thuế và chống xói mòn cơ sở thuế theo thông lệ quốc tế

Việt Nam nằm trong nhóm 56 quốc gia đang áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 20%. Với lợi thế là có mức thuế suất thấp hơn nhóm nhiều nhất thế giới đang áp dụng thuế suất 25%, nên Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội khi so sánh tương quan thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp trong thu hút vốn FDI.

Ảnh: Minh họa

Ảnh: Minh họa

Thu hút FDI chủ yếu bằng chính sách ưu đãi

TS. Nguyễn Thị Kim Chi - Trường Đại học Tài chính - Marketing cho rằng, trong hơn 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam chủ yếu áp dụng chính sách ưu đãi thuế suất, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) so với mức thuế suất luật định áp dụng chung cho mọi doanh nghiệp (DN).

Thuế suất luật định có nhiều ưu điểm trong mắt các nhà đầu tư FDI vì ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập kinh doanh. Do đó, việc giảm thuế suất thuế TNDN có tác động thu hút FDI, tạo nên cuộc đua về việc hạ thấp thuế suất giữa các quốc gia và việc xói mòn cơ sở thuế TNDN, nhưng thật sự không mang lại sự ổn định và tăng trưởng lâu dài cho các quốc gia.

“Gần đây, các nhà nghiên cứu cho rằng, các quốc gia đang phát triển không nên tiếp tục việc giảm thuế suất về đáy nhằm thu hút FDI vì điều này làm giảm nguồn thu ngân sách. Mặt khác, thuế suất luật định áp dụng chung cho cả DN ngoài FDI, nên việc điều chỉnh thuế suất thuế TNDN luật định tác động đến toàn bộ DN và nguồn thu ngân sách” - TS. Chi nhận định.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, số thu ngân sách nhà nước (NSNN) của DN có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 2015 là 140.979 tỷ đồng, chiếm 13,81%; năm 2021 là 217.259 tỷ đồng tương đương với 13,85%.

Thực tế cho thấy, kể từ năm 2017, Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên thứ 100 thuộc diễn đàn hợp tác chung của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), tham gia vào tuyên bố chung về việc thực hiện chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS2.0).

Theo kế hoạch của Chương trình BEPS 2.0, "Quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu" sẽ được các nước tham gia thực thi, với sự tham gia của hơn 140 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, với mức thuế tối thiểu thống nhất là 15% đối với các tập đoàn đa quốc gia có tổng doanh thu từ 750 triệu Euro trở lên.

Mức thuế tối thiểu toàn cầu (Global minium tax - GMT) 15%, là số thuế tính trên thu nhập thực tế của doanh nghiệp FDI tại mỗi vùng lãnh thổ mà công ty đó có hoạt động, thực chất GMT là thuế suất hiệu quả (ETR: effective tax rate) và khi được áp dụng, các công ty đa quốc gia có mức thuế suất hiệu quả tại Việt Nam thấp hơn 15%, có thể sẽ phải nộp thuế suất bổ sung (top-up tax) tại nước họ đặt trụ sở chính.

Phân phối thuế suất luật định thuế TNDN của các quốc gia năm 2022.

Nguồn: Theo OECD năm 2022

Trụ cột 2 của BEPS 2.0 cũng thống nhất cho phép các quốc gia áp dụng cơ chế thuế tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn (QDMTT) để giành quyền thu phần thuế bổ sung trước các quốc gia khác, do đó một số quốc gia đã lựa chọn QDMTT trong điều chỉnh ưu tiên hàng đầu, có tính cấp bách về mặt thời gian đối với tác động của thuế TNDN và FDI.

Một số quốc gia đã có kế hoạch triển khai QDMTT vào năm 2024 như Hàn Quốc, Nhật Bản, Liên minh Châu Âu ..., một số quốc gia có thể áp dụng vào năm 2025 như Thái Lan, Singapor, Hồng Kông...

Cơ hội để Việt Nam chống xói mòn cơ sở thuế

Theo TS Chi, như vậy, nếu áp dụng QDMTT, Việt Nam sẽ giữ được quyền đánh thuế và các nhà đầu tư cũng xác định được nghĩa vụ phải đóng thuế bổ sung tại Việt Nam thay vì chuyển đến một quốc gia khác để nộp khoản thuế bổ sung này.

Ngoài ra, nếu giữ quyền đánh thuế tại Việt Nam và dùng nguồn thu này để điều tiết, hỗ trợ hợp lý cho nhà đầu tư, Việt Nam sẽ tăng cường vị thế cạnh tranh trong thu hút và giữ chân nhà đầu tư nước ngoài, có tác động tốt đến ổn định kinh tế vĩ mô, giải quyết việc làm, xuất khẩu, dự trữ ngoại hối…

Đây là cơ hội lớn để Việt Nam hướng đến cải cách thuế TNDN bằng việc áp dụng QDMTT có thể bắt đầu thay thế thuế TNDN, tạo điều kiện mở rộng cơ sở thuế phù hợp bối cảnh kinh tế - xã hội của đất nước và thông lệ quốc tế, đồng thời giảm động cơ chuyển dịch lợi nhuận, điều này giúp cải thiện nhận thức về sự công bằng, nâng cao tinh thần nộp thuế, từ đó dẫn đến ý thức tuân thủ rộng rãi hơn.

Qua các cuộc hội thảo và nghiên cứu mới đây, TS. Chi cũng như các chuyên gia đều cho rằng, mặc dù GMT trước mắt được áp dụng đối với các MNEs có tổng doanh thu từ 750 triệu Euro trở lên, nhưng do tính chất lan tỏa của hoạt động FDI, việc điều chỉnh chính sách thuế TNDN sẽ có ảnh hưởng rộng rãi đến toàn bộ hoạt động đầu tư tại Việt Nam, cả những ưu đãi ít bị ảnh hưởng bởi GMT.

Theo đó, Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến 2030 chúng ta xác định, cải cách thuế TNDN đối với đầu tư nhằm chuyển trọng điểm chính sách thu hút đầu tư nước ngoài từ số lượng sang chất lượng, khuyến khích sự tham gia của các thành phần kinh tế trong đầu tư vào những ngành, nghề mũi nhọn và những địa bàn cần khuyến khích đầu tư.

Vì vậy, trong dài hạn, hệ thống thuế cùng các ưu đãi cần được xem xét cải cách để hạn chế tác động tiêu cực của trụ cột II, đảm bảo thu hút đầu tư thực chất, sàng lọc các hoạt động làm xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận. Bên cạnh đó, cải cách thuế TNDN cần được xây dựng dựa trên các nguyên tắc kinh tế hợp lý, sử dụng bằng chứng, nâng cao tính minh bạch và tăng cường trách nhiệm giải trình và cần thiết có sự tham gia rộng rãi của các yếu tố ngoài chính sách thuế như môi trường đầu tư, cạnh tranh, chất lượng lao động./.

Do tính cấp bách của việc thực hiện QDMTT tại nhiều quốc gia, trước mắt Việt Nam sẽ phải ưu tiên thực hiện một số hành động sau: Thứ nhất là thống kê các công ty đa quốc gia (MNEs) đang hoạt động ở Việt Nam và trụ sở chính của các công ty này. Thứ hai là cần có phương pháp tính toán ETR đối với các MNEs này chính xác nhất. Thứ ba là phân loại MNEs thuộc phạm vi áp dụng GMT (theo doanh thu và ETR) và cả không thuộc phạm vi áp dụng GMT. Thứ tư là xây dựng lộ trình xử lý với chính sách ưu đãi đầu tư về thuế TNDN cho các dự án hiện nay đang áp dụng (kể từ khi trước Trụ cột 2) và cuối cùng là phải ước tính chi phí và số thu của các khoản ngân sách khi thực hiện QDMTT.

Gia Cư

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/bao-ve-quyen-danh-thue-va-chong-xoi-mon-co-so-thue-theo-thong-le-quoc-te-125874.html