Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Thông tin sản phẩm cần rõ ràng và minh bạch
Trong năm 2023, Tổng đài tư vấn và hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838 đã tiếp nhận và trả lời 8.850 cuộc gọi đến, trong đó, phần lớn về lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Ngày 20/6/2023, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ Quyền lợi Người tiêu dùng và có hiệu lực từ 1/7 tới đây. Theo đánh giá của các chuyên gia, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 đã sửa đổi toàn diện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010; bổ sung nhiều quy định để bảo đảm thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành và kịp thời điều chỉnh các vấn đề mới phát sinh, trong đó, nhiều quy định mang tính dấu ấn, lần đầu xuất hiện trong hệ thống pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Để hiểu rõ hơn những điểm mới trong Luật Bảo vệ Quyền lợi Người tiêu dùng cũng như công tác bảo vệ người tiêu dùng trong tình hình mới, bà Nguyễn Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã có một số trao đổi với phóng viên về những nội dung trên.
Xác định rõ trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng
- Luật Bảo vệ Quyền lợi Người tiêu dùng (sửa đổi) đã chính thức được Quốc hội thông qua, vậy xin bà chia sẻ những điểm nổi bật trong luật sửa đổi lần này?
Bà Nguyễn Quỳnh Anh: Ngày 20/6/2023, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Đây là một dự án Luật quan trọng, có ảnh hưởng rộng đến nhiều ngành, lĩnh vực, đồng thời sửa đổi, bổ sung những quy định chưa rõ, còn bất cập, chưa thống nhất trên nguyên tắc hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất đồng bộ trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật...
Việc ban hành Luật Bảo vệ Quyền lợi Người tiêu dùng (sửa đổi) có ý nghĩa hết sức quan trọng trong bối cảnh thực tiễn và xu hướng phát triển của bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã và đang có nhiều thay đổi cả trong và ngoài nước so với 10 năm trước đây. Sự xuất hiện nhiều hình thức kinh doanh mới, đặc biệt là sự phát triển của thương mại điện tử, giao dịch trên không gian mạng, giao dịch xuyên biên giới đang có những tác động mạnh mẽ tới lợi ích của đông đảo người tiêu dùng.
Trên cơ sở đó, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 đã có sự sửa đổi khá toàn diện, với 7 Chương, 80 Điều (tăng 1 Chương và 29 Điều so với Luật năm 2010).
Một số quy định quan trọng đã được hoàn thiện, bổ sung trong Luật mới như: Xác định rõ hơn khái niệm người tiêu dùng, quyền và trách nhiệm của người tiêu dùng, bổ sung các quy định mới như: Sản xuất và tiêu dùng bền vững, bảo vệ người tiêu dùng dễ bị tổn thương, giao dịch đặc thù, đặc biệt là hình thức kinh doanh trực tiếp, kinh doanh trên không gian mạng, bán hàng đa cấp…; hoàn thiện quy định về phương thức giải quyết tranh chấp, hoạt động của tổ chức tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cụ thể hóa hơn trách nhiệm quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở các cấp…
- Bên cạnh sự kiện quan trọng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi được ban hành, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Bộ Công Thương đã đạt được kết quả tích cực gì trong năm qua, thưa bà?
Bà Nguyễn Quỳnh Anh: Công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Bộ Công Thương nói chung và Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia nói riêng trong năm qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tích cực, theo đó sau khi Luật được ban hành, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 31/8/2023 về việc ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Bộ Công Thương đã và đang chủ trì xây dựng các dự thảo văn bản như: Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 98/2020/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng… Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.
Ngoài ra, Bộ Công Thương còn tích cực thực hiện tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho quần chúng nhân dân; đa dạng hoạt động tuyên truyền, phù hợp với từng đối tượng người tiêu dùng như: Người cao tuổi, công nhân, sinh viên, học sinh…; lan tỏa hoạt động tuyên truyền tới các địa phương...
Hơn hết, việc tổ chức thường xuyên và hiệu quả hoạt động tư vấn, hỗ trợ giải quyết phản ánh, kiến nghị của người tiêu dùng. Trong năm 2023, Tổng đài tư vấn và hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838 đã tiếp nhận và trả lời 8.850 cuộc gọi đến, trong đó, phần lớn về lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; đã tiếp nhận và xử lý cho 1.560 đơn, thư phản ánh, yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng qua đa dạng các phương thức.
Cùng đó, Ủy ban đã thực hiện giám sát kịp thời 9 chương trình thu hồi sản phẩm có khuyết tật thuộc đa dạng các lĩnh vực như phương tiện đi lại (ôtô), phao bơi cho trẻ, sách và lốp xe ôtô…; đăng tải các thông tin cảnh báo về tiêu dùng sản phẩm có nguy cơ không an toàn, khuyến cáo trong lựa chọn và tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ nhằm giúp người tiêu dùng bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình.
Việc kiểm soát hợp đồng mẫu, điều kiện giao dịch chung tiếp tục được tiến hành đúng quy định trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp về thủ tục hành chính. Công tác kiểm tra, thanh tra việc tuân thủ pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và bán hàng đa cấp đã được tiến hành thường xuyên liên tục để kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm (nếu có).
Cần được cung cấp thông tin đầy đủ
- Năm nay, Bộ Công Thương tiếp tục lựa chọn chủ đề hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam là “Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn”. Xin bà cho biết lý do để Bộ Công Thương chọn Chủ đề này và sẽ có những hoạt động hưởng ứng gì trong suốt cả năm nay?
Bộ Công Thương tiếp tục lựa chọn Chủ đề “Thông tin minh bạch-Tiêu dùng an toàn” để hưởng ứng cho Ngày Quyền của người tiêu dùng năm 2024 nhằm khẳng định tầm quan trọng của thông tin đối với sự an toàn của người tiêu dùng trong quá trình lựa chọn, thanh toán, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, đặc biệt trong bối cảnh ngày càng có nhiều hành vi lừa đảo, xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch trên môi trường trực tuyến.
Đây cũng là lời kêu gọi các cơ quan, tổ chức, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp trong việc chung tay cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời để người tiêu dùng được thực hiện đầy đủ quyền được cung cấp thông tin, đảm bảo đưa ra các quyết định đúng và an toàn.
Để công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có sự chuyển biến thực chất, vai trò then chốt nằm ở nhận thức của các đơn vị sản xuất, kinh doanh và chính người tiêu dùng. Muốn vậy, các thông tin liên quan đến sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và giao dịch cần được doanh nghiệp cung cấp rõ ràng, chính xác, đầy đủ cho người tiêu dùng.
Bản thân người tiêu dùng cũng phải có trách nhiệm tìm hiểu, thu thập thông tin đầy đủ và chính xác liên quan đến hoạt động tiêu dùng của mình. Việc hiểu biết và được cung cấp thông tin đầy đủ sẽ giúp người tiêu dùng lựa chọn và tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ an toàn.
Hơn hết, các trách nhiệm, nghĩa vụ này của tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng đều đã được quy định trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và pháp luật có liên quan. Vì vậy, thông qua việc tiếp tục hưởng ứng chủ đề “Thông tin minh bạch-Tiêu dùng an toàn” chính là thúc đẩy tuân thủ pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, xây dựng môi trường tiêu dùng an toàn, lành mạnh.
Các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năn 2024 được tập trung tổ chức trong tháng 3/2024 (tháng cao điểm) và kéo dài trong cả năm 2024.
Cụ thể, những hoạt động hưởng ứng quan trọng sẽ được Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia triển khai như: Tổ chức Lễ phát động Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024; Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; xây dựng và phát hành các tài liệu, ấn phẩm tuyên truyền, phục vụ cho các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024.
Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, nhằm gia tăng quyền lợi cho người tiêu dùng, thúc đẩy hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, tạo cầu nối và sự tương tác giữa các bên.
Cơ quan chức năng cũng tổ chức các sự kiện công cộng hướng về cộng đồng người tiêu dùng; cuộc thi tìm hiểu về quy định pháp luật, kiến thức, kỹ năng kinh doanh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tuyên truyền, quảng bá pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quyền của người tiêu dùng và nghĩa vụ của doanh nghiệp thông qua các trang mạng xã hội...
- Xin cảm ơn bà./.