Bảo vệ rừng vùng giáp ranh: Nhiệm vụ chung của nhiều địa phương

Trong những năm qua, việc nhiều diện tích rừng bị lấn chiếm, xâm hại tại các địa phương có khu vực giáp ranh diễn biến rất phức tạp. Các đối tượng lợi dụng khu vực giáp ranh để thực hiện hành vi khai thác, lấn chiếm rừng đã khiến các địa phương gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý. Tại Gia Lai, Hội nghị sơ kết Quy chế phối hợp công tác quản lý bảo vệ rừng vùng giáp ranh giữa tỉnh này với các tỉnh Bình Định, Phú Yên và Đắk Lắk đã được diễn ra. Đây là một vấn đề quan trọng, bởi khu vực rừng giáp ranh giữa các địa phương có diện tích rộng lớn, địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn.

Mới đây, một diện tích lớn rừng tại khu vực giáp ranh giữa Gia Lai và Đắk Lắk đã bị phá trắng. Tuy nhiên, đến nay các lực lượng chức năng vẫn chưa thể xác định được diện tích bị phá thuộc địa phương nào quản lý. Vì là khu vực giáp ranh có địa thế, địa hình phức tạp, hiểm trở nên việc điều tra, truy bắt đối tượng phá rừng gặp rất nhiều khó khăn.

Việc phân định ranh giới rừng của các địa phương ngoài thực địa là rất khó khăn, do vậy, trong Quy chế phối hợp giữa các tỉnh, khi phát hiện một vụ việc vi phạm xảy ra tại vùng giáp ranh, phải xác định rõ được rừng thuộc địa phương nào, để cùng trao đổi, thống nhất và bàn giao xử lý vụ việc cho phù hợp với quy định. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của việc ký kết quy chế phối hợp trong công tác quản lý bảo vệ rừng giáp ranh giữa các tỉnh.

Dù đã có các quy chế phối hợp giữa các tỉnh, nhưng trên thực tế tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp vẫn diễn ra khá phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Do vậy, việc xác định rõ ranh giới, mốc giới là vô cùng cấp thiết để công tác phối hợp quản lý, bảo vệ rừng giữa các địa phương được thống nhất, đồng bộ và quyết liệt hơn.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Đình Đại

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/bao-ve-rung-vung-giap-ranh-nhiem-vu-chung-cua-nhieu-dia-phuong-226580.htm