Bảo vệ sức khỏe cộng đồng trước thuốc lá thế hệ mới
Bảo vệ sức khỏe cộng đồng trước thuốc lá thế hệ mới đang là vấn đề đặt ra cho các cơ quan quản lý khi nhập lậu thuốc lá vào Việt Nam vẫn đang tiếp diễn.
Sáng 19/10 tại Hà Nội, Tọa đàm “Thực trạng thuốc lá mới và giải pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức với mục tiêu góp phần thúc đẩy Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030.
Trước đó, ngày 24/5/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định số 568/QĐ-TTg ban hành Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 với các mục tiêu cụ thể và giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ nhằm tăng cường hiệu quả của công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ: Giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 36%; Giảm tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá tại nơi làm việc xuống dưới 25%; tại nhà hàng xuống dưới 65%; Ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng, đặc biệt là ưu tiên ngăn ngừa thanh thiếu niên.
Thông tin tại Tọa đàm ông Cao Trọng Quý – Trưởng phòng Tiêu dùng, Thực phẩm-Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết: Các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới mặc dù đã có mặt trên thị trường Việt Nam nhưng hiện vẫn chưa thống nhất được chính sách quản lý, chưa được phép lưu hành nhưng lại được bán ở thị trường chợ đen với nhiều hình thức trên mạng, cửa hàng truyền thống.
“Những sản phẩm này hầu hết được nhập vào Việt Nam qua đường xách tay, nhập lậu… không được quản lý về chất lượng, nguồn gốc. Dù chưa được phép thương mại hóa nhưng việc tiếp cận sản phẩm này lại rất dễ dàng trên thị trường, do chưa có biện pháp quản lý và chế tài, nên toàn bộ các hoạt động kinh doanh, quảng cáo đều là tự phát, vi phạm quy định pháp luật”- ông Quý khẳng định.
Còn theo ông Ngô Khải Hoàn - Phó Cục trưởng- Cục Công nghiệp, mặc dù các lực lượng chức năng trong những năm qua tuy đã có nhiều giải pháp tăng cường kiểm tra kiểm soát, phòng, chống buôn lậu nhưng tình hình vẫn còn diễn biến phức tạp. “Hệ lụy không chỉ ảnh hưởng sức khỏe của người dân mà nhà nước không thu được thuế, người dân muốn sử dụng thuốc lá thế hệ mới lại phải tiếp cận sản phẩm không rõ nguồn gốc, không được kiểm soát về chất lượng dẫn đến ảnh hưởng tới sức khỏe. Do vậy, việc xây dựng Chính sách quản lý thí điểm thuốc lá thế hệ mới trong thời gian tới là nhiệm vụ cấp bách và cần thiết”- ông Hoàn cho hay.
Theo WHO, sản phẩm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng có chứa nicotine, có khoảng 15.500 loại hương liệu được sử dụng, trong đó, rất nhiều loại hương liệu độc hại, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, có thể gây cháy nổ, và có thể pha trộn các chất khác vào dung dịch như ma túy, cần sa. Các bằng chứng khoa học chỉ ra rằng, nicotine trong thuốc lá làm suy yếu sự trưởng thành não bộ của thanh thiếu niên với những hậu quả ngắn hạn và hậu quả lâu dài nghiêm trọng, đó là nghiện, rối loạn nhận thức và cảm xúc, giảm khả năng học tập và rối loạn tâm thần...
Căn cứ quy định tại các danh mục thì mặt hàng thuốc lá thế hệ mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng) chưa được định danh cụ thể tại Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu và cũng không thuộc Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, điều kiện hay bị áp dụng biện pháp tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu.
Tuy nhiên, nó lại đang được mua, bán và sử dụng khá dễ dàng tại Việt Nam. Đây là một nghịch lý trong công tác quản lý thị trường, gây khó khăn trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân.
Theo kết quả điều tra sử dụng thuốc lá ở nước ta, tình trạng người trẻ sử dụng thuốc lá mới đang gia tăng đáng kể từng năm. Năm 2019, kết quả điều tra sức khỏe học đường cho thấy tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở nhóm tuổi 13-17 tuổi nói chung là 2,6%, riêng ở học sinh thành thị là 3,4%. Năm 2021 - 2022, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở nhóm tuổi 13 - 15 tuổi là 3,5% (nam là 4,3%, nữ là 2,8%).
Từ năm 2017, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ ngành khẩn trương đề xuất chính sách quản lý thuốc lá mới. Tuy nhiên, đến nay câu chuyện quản lý sản phẩm này vẫn chỉ đang trong tiến trình thảo luận giữa các bộ, ngành.
Nói về vấn đề này, ông Cao Trọng Quý cho biết: Quan điểm của Bộ Công Thương, căn cứ vào ý kiến của Bộ Tư pháp cần đánh giá sự tương thích của thuốc lá thế hệ mới với định nghĩa của thuốc lá hiện nay, nếu có sản phẩm thuốc lá thế hệ mới nào thuộc phạm trù thuốc lá thì đề xuất đưa định nghĩa thuốc lá thế hệ mới vào Nghị định về kinh doanh thuốc lá thay thế Nghị định 67/2013.
Ông Quý cho hay, trong quá trình xây dựng Chính sách quản lý thí điểm thuốc lá thế hệ mới, Bộ Công Thương đang xây dựng phương án quản lý tiệm cận gần nhất với ý kiến của Bộ Y tế để có thể trình Chính phủ theo hướng phù hợp với Hiến pháp, Luật Đầu tư, các qui định khác liên quan và chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ đảm bảo chặt chẽ, phù hợp Chiến lược Quốc gia về giảm thiểu tác hại của thuốc lá, an toàn sức khỏe người sử dụng, dung hòa quyền lợi giữa các chủ thể liên quan và phù hợp thông lệ quốc tế.
Tại tọa đàm, các đại biểu cùng làm rõ thực trạng quản lý thuốc lá mới hiện nay. Đã có nhiều đề xuất, kiến nghị đưa ra nhằm hoàn thiện các quy định pháp lý đối với việc quản lý sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử trong điều kiện hiện nay. Các đại biểu đề nghị, để xây dựng khung pháp lý cho thuốc lá mới, trước hết cần làm rõ thuốc lá mới là gì; các bộ, ngành liên quan cần sớm thống nhất và đưa ra được chính sách quản lý thuốc lá mới để bảo vệ giới trẻ, người dùng và cộng đồng.
Theo các đại biểu, việc tham khảo bài học từ kinh nghiệm quốc tế là cần thiết, trong bối cảnh Việt Nam vẫn đang trong quá trình thảo luận về chính sách quản lý các sản phẩm thuốc lá mới.
Tháng 11 sắp tới, Việt Nam sẽ tham dự Hội nghị Các bên toàn cầu về kiểm soát thuốc lá lần thứ 10 (COP10). Đây là sự kiện góp mặt 183 quốc gia thành viên của Công ước khung về kiểm soát thuốc lá do Tổ chức Y tế Thế giới thành lập. Theo thông lệ, từ năm 2014 đến nay, Chính phủ đã giao Bộ Y tế làm trưởng đoàn đại diện quốc gia để cùng các đại diện của Bộ Công Thương, Bộ Tài Chính, Bộ Tư pháp, Bộ Khoa học - Công nghệ... cùng nhiều bộ ngành khác tham dự hội nghị và chia sẻ quan điểm quốc gia về thuốc lá mới. Năm nay, COP10 sẽ tiếp tục bàn luận về chính sách kiểm soát thuốc lá mới của các quốc gia. Các đại biểu cũng lưu ý, việc thống nhất tiếng nói chung của các bộ ngành có vai trò quan trọng để xây dựng quan điểm quốc gia trước thềm COP10 là rất cần thiết./.