'Bảo vệ' thị trường xuất khẩu Mỹ theo cách nào?

Làm sao để doanh nghiệp Việt Nam không chỉ trụ vững mà còn phát triển tại Mỹ - thị trường lớn nhất của mình? Bài viết này đề xuất một số giải pháp hồi đáp các thách thức mà nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt để có thể vượt qua 'cơn bão' thuế quan, giữ vững vị thế tại xứ sở cờ hoa.

Mang về hơn 120 tỉ đô la kim ngạch xuất khẩu cho Việt Nam trong năm 2024(1), thị trường Mỹ là động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nhưng tới đây “miền đất hứa” này đang hứa hẹn chào đón các doanh nghiệp xuất khẩu nhiều thách thức. Những biện pháp siết chặt và sự ảnh hưởng dây chuyền nối liền sau sắc lệnh Thuế đối ứng (reciprocal tariffs) hôm 13-2-2025 của Tổng thống Mỹ Donald Trump... đã biến thị trường Mỹ trở thành “đấu trường” đầy cam go.

Ngành dệt may Việt Nam chịu áp lực nặng nề bởi phần lớn nguyên liệu đều đến từ Trung Quốc, quốc gia bị Mỹ áp thuế cao nhất. Ảnh: T.L

Ngành dệt may Việt Nam chịu áp lực nặng nề bởi phần lớn nguyên liệu đều đến từ Trung Quốc, quốc gia bị Mỹ áp thuế cao nhất. Ảnh: T.L

Kiểm soát khắt khe về xuất xứ nguyên vật liệu

Chính quyền Tổng thống Donald Trump, với mục tiêu giảm thâm hụt thương mại (ước tính Việt Nam thặng dư 110 tỉ đô la với Mỹ năm 2024)(2), đã biến quy tắc xuất xứ (Rules of Origin - ROO) thành “lá chắn” ngăn hàng hóa Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt Nam để né thuế. Hải quan Mỹ không còn hài lòng với những giấy tờ đơn giản, họ đòi hỏi giấy chứng nhận xuất xứ (Certificate of Origin - C/O) mẫu B hoàn hảo, kiểm tra đột xuất tại nhà máy, danh sách nhà cung cấp cấp 2, cấp 3, và bảng tính giá trị gia tăng khu vực (Regional Value Content - RVC) đạt 35-40%. Các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, như dệt may, giày dép và điện tử đang chịu áp lực nặng nề, bởi phần lớn nguyên liệu - vải, da, linh kiện điện tử - đều đến từ Trung Quốc, quốc gia bị Mỹ áp thuế cao nhất.

Thực tế, việc chứng minh “xuất xứ thuần túy” hoặc “chuyển đổi đáng kể” là điều không hề dễ dàng đối với doanh nghiệp Việt Nam. Hóa đơn nhập khẩu từ Trung Quốc thường mập mờ, nhà cung cấp từ chối tiết lộ nguồn gốc chi tiết, và quy trình xin C/O tại VCCI hay Bộ Công Thương kéo dài cả tuần nếu hồ sơ có sai sót. Một lô hàng dệt may, chẳng hạn, có thể bị áp thuế cao hoặc từ chối thông quan chỉ vì không chứng minh được có nguồn gốc vải dệt tại Việt Nam. Với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn chiếm đa số tại Việt Nam, việc thiếu năng lực quản lý chứng từ và nhân sự có chuyên môn càng làm vấn đề này trở nên nghiêm trọng hơn. Nếu không đáp ứng được các yêu cầu về xuất xứ, hàng hóa có thể bị coi là có xuất xứ không rõ ràng, đẩy doanh nghiệp vào nguy cơ mất đi thị trường xuất khẩu lớn của mình.

Để ứng phó với tình trạng này, doanh nghiệp không còn cách nào khác phải tự thay đổi mình, bao gồm việc đa dạng hóa nguồn nguyên liệu, xây dựng hệ thống chứng từ chuyên nghiệp, đào tạo nhân sự có chuyên môn về C/O và tăng giá trị sản phẩm nội địa. Doanh nghiệp nên chuyển hướng để tìm kiếm các vùng nguyên liệu mới từ các nước có hiệp định thương mại với Việt Nam và ít rủi ro thuế quan từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, thay vì quá lệ thuộc vào Trung Quốc.

Trong giai đoạn đầu, chi phí cho việc tiếp cận nguồn nguyên liệu mới có thể sẽ tăng cao, nhưng đây có thể là cách để doanh nghiệp duy trì khả năng xuất khẩu lâu dài vào Mỹ. Hệ thống chứng từ cũng là điều doanh nghiệp cần quan tâm đến. Doanh nghiệp nên đầu tư phần mềm quản lý để đồng bộ hóa đơn, tờ khai hải quan và bảng giải trình quy trình sản xuất. Mọi thông tin - mã HS, số lượng, giá trị phải khớp hoàn hảo, sẵn sàng ứng phó với các đợt kiểm tra đột xuất. Đội ngũ nhân sự cũng là yếu tố cốt lõi giúp doanh nghiệp có thể vượt qua trở ngại về thuế quan của Mỹ khi doanh nghiệp có thể tổ chức đào tạo cho nhân sự thuộc các bộ phận liên quan của mình về kiến thức, kỹ năng trong hoạt động logistics, hải quan và chuẩn bị các hồ sơ trong quá trình hoạt động.

Cuối cùng, việc tự chủ trong hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn là giải pháp lâu dài và an toàn cho các doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể cân nhắc đến việc đầu tư sản xuất từ nguồn nguyên vật liệu trong nước (ví dụ sợi vải, linh kiện…) để giảm sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Tất nhiên, để làm được điều này, doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ, ưu đãi từ Nhà nước, đồng thời cũng xác định một chiến lược kinh doanh dài hạn và chủ động liên kết với các đơn vị sản xuất nguyên liệu trong nước để tạo ra chuỗi cung ứng khép kín và bền vững.

Tối ưu hóa chi phí hoạt động

Bên cạnh rủi ro hàng hóa không được thông quan hoặc bị áp mức thuế cao còn phải kể đến chi phí bán hàng cũng tăng cao, doanh nghiệp mất lợi thế cạnh tranh về giá so với các sản phẩm từ các quốc gia/nhà cung cấp khác. Đơn cử, việc chậm trễ trong thông quan do không chứng minh được xuất xứ hàng hóa có thể khiến hàng hóa bị lưu kho lâu hơn, gây áp lực về chi phí logistics cho doanh nghiệp.

Chưa kể việc kéo dài thời gian thông quan sẽ làm chậm trễ giao hàng, doanh nghiệp Việt Nam có thể rơi vào thế vi phạm hợp đồng, bị mất điểm trong mắt đối tác hoặc doanh nghiệp phải lựa chọn hình thức vận chuyển khác là bằng đường hàng không, nơi mà mức phí vận chuyển cao hơn đường biển gấp nhiều lần.

Để giảm bớt phần nào gánh nặng gia tăng chi phí hàng hóa, doanh nghiệp có thể tính đến các giải pháp cải tiến hoạt động kinh doanh, đàm phán với các đối tác một cách có lợi nhất.

Đầu tiên, về các phương án nội tại, doanh nghiệp cần tối ưu hóa quy trình sản xuất hàng hóa của mình bằng cách đẩy mạnh áp dụng công nghệ và tự động hóa vào hoạt động sản xuất. Đơn cử như việc áp dụng rộng rãi máy công nghệ cao cho sản xuất gỗ, dây chuyền hiện đại cho hệ thống dệt để giảm chi phí lao động và lãng phí nguyên liệu. Ngoài ra, việc đầu tư cho chất lượng sản phẩm cũng cần được doanh nghiệp tính đến trong trường hợp không đủ khả năng để cạnh tranh về giá với các nhà xuất khẩu từ các quốc gia khác. Việc tập trung phát triển sản phẩm để nâng cao chất lượng có thể khiến giá trị sản phẩm tăng lên, từ đó giúp doanh nghiệp giảm phụ thuộc vào cạnh tranh giá.

Thứ hai, việc đàm phán với các đơn vị logistics (hãng tàu, bên cho thuê kho, bên bảo hiểm…) cũng là điều doanh nghiệp cần tính đến, có thể thông qua việc ký kết các hợp đồng dài hạn để có được mức giá ưu đãi và ổn định trong thời gian dài, tránh tình trạng chi phí vận chuyển biến động thất thường trong giai đoạn hiện nay. Ngoài ra, trực tiếp đàm phán với các đối tác nhập khẩu của Mỹ cũng có thể là phương án mà doanh nghiệp Việt cần tính đến để chia sẻ phần nào chi phí logistics, thay vào đó là các cam kết về chất lượng hàng hóa, là yếu tố mà doanh nghiệp có thể tự chủ được.

Ngoài ra, sau tất cả, doanh nghiệp vẫn cần có sự tham gia hỗ trợ từ cơ quan Nhà nước về việc xây dựng các chính sách phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc huy động vốn, tiếp nhận dây chuyền, chuyển giao công nghệ hiện đại, ưu đãi đối với hoạt động đầu tư sản xuất nguyên vật liệu cho các ngành công nghiệp xuất khẩu thế mạnh như dệt may, linh kiện điện tử.

Không những vậy, sự tham gia của Nhà nước trong việc kêu gọi, liên kết hợp tác giữa doanh nghiệp Việt và các đối tác từ Mỹ cũng sẽ giúp mở rộng cơ hội hợp tác và đạt được nhiều điều kiện thương mại thuận lợi hơn. Cuối cùng, Nhà nước cần đẩy mạnh việc cải cách và đơn giản hóa thủ tục cấp C/O cũng như có động thái mạnh mẽ hơn trong việc hỗ trợ doanh nghiệp Việt trước những rào cản, yêu cầu về xuất xứ hàng hóa.

Có thể thấy, chính sách thuế quan của Chính quyền Tổng thống Donald Trump không phải là một “cơn gió thoảng”, mà là một cơn bão thử thách bản lĩnh của doanh nghiệp Việt Nam. Nếu có phương án phù hợp để thích nghi và ứng phó được với những thách thức này, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt sẽ được gia tăng đáng kể. Khi đó, “sức đề kháng” của doanh nghiệp Việt sẽ được tăng cường mạnh mẽ trước những biến động của thị trường, không chỉ từ Mỹ mà còn là các quốc gia khác trong bối cảnh thế giới “VUCA”(3) như hiện nay.

(1) https://htpldn.moj.gov.vn/Pages/chi-tiet-tin.aspx?ItemID=553&l=Bantin, truy cập lần cuối ngày 10-3-2025.

(2) https://htpldn.moj.gov.vn/Pages/chi-tiet-tin.aspx?ItemID=553&l=Bantin, truy cập lần cuối ngày 10-3-2025.

(3) Viết tắt của Volatility (Biến động), Uncertainty (Không chắc chắn), Complexity (Phức tạp), và Ambiguity (Mơ hồ).

Ánh Dương

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/bao-ve-thi-truong-xuat-khau-my-theo-cach-nao/