Bảo vệ thương hiệu trong kỷ nguyên số

Hiện nay, khi khoa học và công nghệ, thương mại điện tử, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI)… ngày càng phát triển, yếu tố về bảo vệ thương hiệu ngày càng đóng vai trò quan trọng để tạo tiền đề cho doanh nghiệp (DN), cơ sở bảo đảm sản xuất, phát triển bền vững. Đặc biệt, sự phát triển của thương mại điện tử là xu hướng chung trên toàn cầu, bên cạnh mặt tích cực, nhiều đối tượng cũng lợi dụng hình thức này để kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, gây thiệt hại cho người tiêu dùng, môi trường cạnh tranh lành mạnh và sự phát triển kinh tế, hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, những quy định khắt khe từ các hiệp định thương mại, chính sách bảo hộ của từng thị trường đòi hỏi DN trong nước phải thay đổi nhận thức về nhãn hiệu để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo vệ và phát triển thương hiệu.

Thực tế, khi các thương hiệu bị giả mạo nhãn hiệu sẽ gây tác động lớn đến uy tín thương hiệu cũng như xuất xứ của sản phẩm trên thị trường, nhất là khi có liên quan đến hoạt động thương mại điện tử. Chính vì thế, đòi hỏi đơn vị sản xuất phải nâng cao và tăng cường hơn nữa hoạt động bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường thương mại điện tử ngày càng phát triển như hiện nay. Do đó, để vừa nâng cao sức cạnh tranh, vừa hạn chế những rủi ro, DN khi tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh phải quan tâm đến sở hữu trí tuệ, phát triển thương hiệu, bộ nhận diện cho sản phẩm hàng hóa, dịch vụ…

Tuy nhiên, hiện nay DN, đặc biệt là các DN nhỏ, siêu nhỏ, cơ sở sản xuất còn lúng túng trong việc bảo vệ nhãn hiệu. Theo các chuyên gia, quá trình này bắt đầu từ việc lựa chọn và thiết kế nhãn hiệu, tiếp theo là nộp đơn đăng ký và theo dõi quá trình phê duyệt. Một trong những yếu tố quan trọng là khả năng phân biệt của nhãn hiệu, giúp nó dễ dàng được nhận diện và bảo hộ. Đặc biệt, việc chọn lựa một nhãn hiệu để đăng ký bảo hộ trong môi trường thương mại điện tử cần phải cẩn trọng. Nhãn hiệu cần phải độc đáo, dễ nhận biết và không gây nhầm lẫn với các nhãn hiệu khác đã có trên thị trường. Khi lựa chọn, cần xem xét các yếu tố như tên gọi, biểu tượng, màu sắc và thông điệp liên quan đến sản phẩm hoặc dịch vụ mà DN cung cấp.

Các đơn vị cần lưu ý, công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát và bảo vệ nhãn hiệu trên các nền tảng trực tuyến. Các công cụ như hệ thống theo dõi tự động giúp phát hiện sớm các hành vi xâm phạm và thông báo ngay cho chủ sở hữu nhãn hiệu. Những công cụ này có thể quét các nền tảng như Amazon, eBay, Shopee, Lazada… để phát hiện các sản phẩm vi phạm. Nếu DN hoạt động trên nhiều thị trường khác nhau, việc đăng ký nhãn hiệu quốc tế là cần thiết. Điều này giúp bảo vệ nhãn hiệu khỏi những hành vi xâm phạm tại các quốc gia khác, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho DN khi mở rộng kinh doanh ra thị trường toàn cầu.

KHẢI ANH

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/bao-ve-thuong-hieu-trong-ky-nguyen-so-a347067.html