Nông dân Hàm Thuận Bắc thắng lớn với phương châm 'nhất trí tuệ, nhì công nghệ'
Hàm Thuận Bắc từng được coi là 'thủ phủ thanh long' truyền thống của Bình Thuận, giờ đây đang diễn ra một cuộc chuyển mình mạnh mẽ. Những HTX tiên phong đã và đang ứng dụng công nghệ cao, đưa sở hữu trí tuệ vào sản xuất, nâng cao hiệu quả.
Hơn 10 năm trước, những vườn thanh long tại xã Hàm Chính, Hàm Đức hay Hồng Sơn chủ yếu sản xuất theo phương thức truyền thống. Thiếu kỹ thuật, thiếu liên kết, sản phẩm làm ra thường bị thương lái ép giá, mất mùa thì trắng tay.
Từ sản xuất manh mún đến công nghệ cao
"Trước đây, chỉ cần một đợt mưa trái mùa hay dịch bệnh bùng phát là cả vùng nông sản lao đao, khi được mùa thì mất giá, khi được giá thì lại không có sản phẩm để bán", ông Nguyễn Văn Hòa, một nông dân lâu năm tại xã Hàm Đức, nhớ lại.
Tuy nhiên, bước ngoặt bắt đầu khi các HTX bắt đầu làm “cách mạng” trong sản xuất. Với vai trò kết nối, dẫn dắt và cung ứng dịch vụ cho thành viên, nhiều HTX tại Hàm Thuận Bắc đã chủ động chuyển đổi phương thức canh tác, từng bước áp dụng khoa học công nghệ vào từng khâu – từ giống, chăm sóc, tưới tiêu đến thu hoạch, bảo quản và phân phối.

Sản xuất thông minh hơn giúp nông dân, HTX ở Hàm Thuận Bắc thắng lớn.
Tiêu biểu như HTX thanh long VietGAP Thuận Tiến (xã Hàm Liêm) – đơn vị tiên phong ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt tự động kết hợp cảm biến độ ẩm, ánh sáng và dinh dưỡng. Không chỉ giúp tiết kiệm chi phí nhân công, hệ thống này còn nâng cao chất lượng quả, giảm sâu bệnh hại.
Để nâng cao hiệu quả, HTX đã phối hợp với các viện nghiên cứu chuyển giao quy trình canh tác sạch, sử dụng chế phẩm sinh học thay cho thuốc hóa học. Nhờ đó, sản phẩm của HTX đạt chuẩn VietGAP và đang tiến tới đạt chứng nhận GlobalGAP, hướng tới chinh phục thêm nhiều thị trường lớn.
Không chỉ dừng lại ở khâu sản xuất, các HTX tại Hàm Thuận Bắc còn đầu tư mạnh vào công nghệ sau thu hoạch và chế biến. Một ví dụ điển hình là HTX Nông nghiệp sạch Thuận Quý (xã Hàm Chính) – nơi đang vận hành nhà máy sấy thanh long bằng công nghệ hồng ngoại kết hợp tách nước lạnh.
Quy trình sản xuất hiện đại của HTX không chỉ giúp các dòng sản phẩm sau cùng giữ nguyên hương vị mà còn nâng thời gian bảo quản lên đến 6 tháng, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Sở hữu trí tuệ – nền tảng bảo vệ và phát triển thương hiệu
Ông Trần Văn Quý – đại diện HTX Thuận Quý cho biết: "Trước đây chỉ bán trái tươi, giá bấp bênh. Giờ có thêm các sản phẩm chế biến như thanh long sấy, nước ép, mứt thanh long… được thị trường trong và ngoài nước đón nhận tích cực, kể cả thị trường khó tính như Hàn Quốc và châu Âu".
Đặc biệt, HTX Thuận Quý cũng đầu tư vào nền tảng truy xuất nguồn gốc điện tử. Mỗi sản phẩm đều có mã QR để khách hàng kiểm tra thông tin vùng trồng, ngày thu hoạch, quá trình canh tác. “Đây là điều kiện tiên quyết để xây dựng lòng tin với người tiêu dùng và gia nhập các chuỗi siêu thị, kênh thương mại điện tử”, ông Quý nói thêm.
Đáng chú ý, một trong những bước đi quan trọng để nâng cao giá trị nông sản Hàm Thuận Bắc chính là chú trọng phát triển sở hữu trí tuệ. Năm 2021, thương hiệu “Thanh long Hàm Thuận Bắc” đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể, mở ra cơ hội lớn cho địa phương trong việc xây dựng thương hiệu vùng, chống hàng nhái và nâng cao uy tín.
Không dừng lại ở đó, các HTX cũng chủ động đăng ký nhãn hiệu riêng cho sản phẩm chế biến. Điển hình như HTX Thuận Quý hiện đã sở hữu 3 nhãn hiệu sản phẩm, trong đó có sản phẩm "Thanh long sấy Thuận Quý" đạt OCOP 4 sao cấp tỉnh.
Đại diện ngành nông nghiệp huyện Hàm Thuận Bắc cũng cho hay địa phương đang đẩy mạnh hỗ trợ các HTX về tư vấn đăng ký nhãn hiệu, thiết kế bao bì, quảng bá thương hiệu. Mục tiêu là đến năm 2026, 100% HTX nông nghiệp trên địa bàn có sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ.

HTX, nông dân Hàm Thuận Bắc được định hướng tiếp tục đẩy mạnh khoa học công nghệ và sở hữu trí tuệ.
Hiện toàn huyện Hàm Thuận Bắc có hơn 40 HTX nông nghiệp, trong đó hơn 20 HTX đang triển khai ứng dụng công nghệ cao, truy xuất nguồn gốc, và một nửa đã xây dựng được nhãn hiệu hàng hóa.
Điển hình như HTX dịch vụ nông nghiệp Hàm Đức, với mô hình “vườn mẫu – nông trại thông minh” sử dụng công nghệ IoT, tích hợp camera giám sát, điều khiển tưới tiêu từ xa qua smartphone. HTX còn cung cấp dịch vụ kỹ thuật, cung ứng vật tư nông nghiệp đầu vào theo chuẩn sạch, góp phần giảm 30% chi phí và tăng năng suất từ 15–20%.
Thành công bước đầu tại Hàm Thuận Bắc đang góp phần thay đổi diện mạo sản xuất nông nghiệp tại Bình Thuận – vùng đất từng đối mặt với nhiều khó khăn do khí hậu khô hạn, thiếu nước tưới, nhưng lại có tiềm năng lớn về cây ăn quả đặc sản, đặc biệt là thanh long.
Thêm sức bật từ sở hữu trí tuệ và công nghệ
Dễ nhận thấy thời gian qua, huyện Hàm Thuận Bắc đã có nhiều chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế hợp tác, HTX. Góp phần vào thành công đó là sự đồng hành thiết thực từ các chương trình hỗ trợ của Liên minh HTX Việt Nam - tổ chức đóng vai trò “bà đỡ” quan trọng giúp các HTX đổi mới, phát triển bền vững.
Trong giai đoạn 2021–2024, Liên minh HTX Việt Nam đã phối hợp với Liên minh HTX tỉnh Bình Thuận triển khai nhiều chương trình hỗ trợ kỹ thuật, vốn, xúc tiến thương mại và phát triển thương hiệu cho các HTX trên địa bàn Hàm Thuận Bắc. Cụ thể, thông qua các dự án hỗ trợ từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX, nhiều đơn vị đã được vay vốn ưu đãi để đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm, kho lạnh bảo quản nông sản, dây chuyền sơ chế, máy sấy thanh long…
Bên cạnh đó, Liên minh HTX Việt Nam còn tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn cho cán bộ quản lý HTX và thành viên về kỹ năng quản trị, truy xuất nguồn gốc, chuyển đổi số và phát triển sản phẩm OCOP. Nhiều HTX đã chủ động áp dụng công nghệ số trong quản lý sản xuất, xây dựng mã QR cho sản phẩm và kết nối thương mại điện tử với hệ thống siêu thị, sàn thương mại số.
Một nội dung quan trọng khác là hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu riêng cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Nhờ sự hướng dẫn chuyên sâu, đến nay nhiều HTX ở Hàm Thuận Bắc đã sở hữu thương hiệu được bảo hộ như: “Thanh long sạch Thuận Quý”, “Thanh long sấy Hàm Chính”, góp phần gia tăng giá trị nông sản và khẳng định uy tín trên thị trường.
Từ một vùng nông nghiệp truyền thống, Hàm Thuận Bắc đang vươn lên thành điểm sáng về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với sở hữu trí tuệ. Những người nông dân từng chỉ quen với cách làm “cha truyền con nối” nay đã thành thạo dùng app để điều khiển tưới nước, quản lý sổ tay canh tác số, thậm chí biết bảo vệ sản phẩm bằng nhãn hiệu riêng.
Có thể nói, chính những HTX tiên phong, với tư duy đổi mới và sự đồng hành của chính quyền, đã và đang thắp lên hy vọng về một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững – nơi "trí tuệ" và "công nghệ" trở thành cặp bài trùng đưa nông sản Hàm Thuận Bắc vươn xa.