Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng: Kiến tạo môi trường lành mạnh

Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) vừa ban hành 'Bộ quy tắc ứng xử về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng' nhằm xây dựng chuẩn mực ngôn ngữ, hành vi, ứng xử cho người sử dụng internet, góp phần bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng được phụ huynh quan tâm.

Nhiều nguy cơ đối với trẻ em

Theo thống kê của We are social - Công ty chuyên phân tích mạng xã hội toàn cầu, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng internet cao trên thế giới. Tỷ lệ người dùng internet ở Việt Nam sử dụng hàng ngày lên tới 94%, trong đó có trẻ em. Còn theo Tổ chức Tầm nhìn quốc tế tại Việt Nam, cứ 10 trẻ em thì có 9 em sử dụng internet hàng ngày.

Nhiều nguy cơ tiềm ẩn đối với trẻ em trên môi trường mạng. Ảnh: Lê Bảo.

Nhiều nguy cơ tiềm ẩn đối với trẻ em trên môi trường mạng. Ảnh: Lê Bảo.

Gia đình anh Trọng, chị Hiền (quận Hà Đông, Hà Nội) có hai con 13 và 15 tuổi, ngoài việc sử dụng internet để phục vụ học tập thì các cháu còn dùng để giải trí. “Lấy lý do tra cứu tài liệu và làm bài tập cô giáo giao trên phần mềm nên các con tôi dùng internet từ 17 - 23 giờ hàng ngày. Vợ chồng tôi bán hàng ăn tối nên không thể kiểm soát việc dùng internet của con được” - chị Hiền nói.

Tương tự như chị Hiền, gia đình chị Hoàng Thu (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) có một con gái 14 tuổi, để tiện liên lạc và định vị, chị Thu đã cho con gái dùng điện thoại thông minh. “Tôi thấy con có tài khoản Facebook và TikTok. Ngoài tra cứu tài liệu học tập thì con có nghe nhạc, dùng mạng xã hội và chơi game. Tuy nhiên, vợ chồng tôi đều đi làm cả ngày, con gái lại học 1 buổi nên chúng tôi rất khó quản lý việc dùng internet của con” - chị Thu lo lắng.

Đây là tâm trạng chung của rất nhiều phụ huynh khi con em mình hoạt động trên môi trường mạng. Bà Đinh Thị Như Hoa - Trưởng phòng Kiểm định (Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam - Cục An toàn thông tin - Bộ TTTT) cho biết, số lượng trẻ sử dụng internet ngày càng gia tăng và có thể dẫn tới những tác động tiêu cực nếu không kiểm soát. Chẳng hạn, trẻ có thể phải đối mặt với các hình thức lôi kéo, dụ dỗ, quấy rối, lừa đảo, bắt nạt trực tuyến, ép tham gia các hoạt động phi pháp… Ngoài ra, còn có nguy cơ bị rò rỉ, lộ lọt thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em.

Kiểm soát nguồn thông tin, nội dung cung cấp

Theo đại diện Cục An toàn thông tin, Bộ TTTT ban hành “Bộ quy tắc ứng xử về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng” nhằm thúc đẩy môi trường mạng an toàn, lành mạnh, văn minh, góp phần bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng. Bộ quy tắc cũng hướng tới nâng cao nhận thức của xã hội về các rủi ro mà trẻ em phải đối mặt khi hoạt động trên môi trường mạng; bên cạnh đó thúc đẩy việc phản ánh, thông báo các nội dung độc hại và các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng tới các cơ quan chức năng.

Ngoài nhóm quy tắc chung, bộ quy tắc cũng đưa ra các quy tắc cho 5 nhóm đối tượng gồm: Cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và giáo viên; người dùng trên môi trường mạng; tổ chức, doanh nghiệp truyền thông và người sáng tạo nội dung trên môi trường mạng; doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet và doanh nghiệp cung cấp nền tảng; và trẻ em.

Theo ông Ngô Tuấn Anh - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Trẻ em Việt Nam trên không gian mạng, trong thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều văn bản, quy định pháp luật để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng như Luật Trẻ em; Chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025; Nghị định 147/2024 của Chính phủ quy định biện pháp thi hành việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet, thông tin trên mạng, cũng có nhiều quy định tập trung vào bảo vệ an toàn cho trẻ trên không gian mạng; Tiêu chuẩn cơ sở TCCS:03 VNISA do Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam ban hành.

Trong đó, “Bộ quy tắc ứng xử về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng” sẽ góp phần điều chỉnh hành vi ứng xử không chỉ của trẻ em, cha mẹ hay người giám hộ mà cả của các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, nội dung và nền tảng trên internet nhằm cùng nhau kiến tạo môi trường mạng tích cực, lành mạnh cho trẻ em.

Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước vẫn cần có chế tài chặt chẽ hơn với các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet, nền tảng, nội dung trên mạng để có thể kiểm soát được nguồn thông tin, nội dung cung cấp tới trẻ em. Đồng thời, các bậc phụ huynh nên đồng hành, thấu hiểu và sát sao với trẻ trên không gian mạng; cài đặt chế độ kiểm soát, bảo mật; bật tính năng tìm kiếm an toàn… và dạy trẻ các kỹ năng tự vệ, bảo mật thông tin” - ông Ngô Tuấn Anh nói.

Thái Nhung

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/bao-ve-tre-em-tren-moi-truong-mang-kien-tao-moi-truong-lanh-manh-10299599.html