Bảo vệ trẻ em trước mặt trái của AI
Trí tuệ nhân tạo (AI) đang dần trở thành phương tiện thiết yếu hỗ trợ mỗi người từ công việc, học tập cho đến giải trí. Tuy nhiên, cùng với những mặt tích cực, một mối lo ngại lớn đang nổi lên là khả năng AI tạo ra các nội dung độc hại, đặc biệt là đối với trẻ em.
Trẻ em thường tò mò và yêu thích khám phá những điều mới lạ. Sự phát triển của khoa học-công nghệ, trong đó có công nghệ AI hiện nay đã và đang mang lại nhiều cơ hội học tập, vui chơi cho trẻ em, tuy nhiên, trẻ em cũng đồng thời là đối tượng dễ bị tổn thương nhất. AI có khả năng tạo ra nội dung với tốc độ chóng mặt và độ chân thực cao, khiến người xem khó phân biệt thật giả. Chỉ cần vài từ khóa đơn giản và một công cụ AI phổ biến, bất kỳ ai cũng có thể tạo ra hình ảnh, video với nội dung như ý muốn. Đáng nói, những hình ảnh, video này không phải lúc nào cũng mang lại hiệu ứng tích cực mà ngược lại. Ví như, có những đoạn phim hoạt hình tưởng chừng vô hại được gán cho các nhân vật quen thuộc như Elsa, Doraemon hay Spiderman... nhưng lại chứa đựng các yếu tố kinh dị, hành vi lệch chuẩn...

Phụ huynh cần đồng hành, định hướng con sử dụng AI đúng cách và kiểm soát nội dung con em mình xem từ AI.
Việc tiếp xúc thường xuyên với những nội dung xấu độc không chỉ khiến trẻ em sợ hãi mà còn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển nhân cách, hành vi và nhận thức của trẻ. Không ít trẻ nhỏ bắt chước hành vi từ các video như đấm đá, dùng lời lẽ thô tục... Chị Lê Thị Hồng Nhung ở phường Nông Trang, tỉnh Phú Thọ, có con trai đang học lớp 3, chia sẻ: “Tôi phát hiện con mình xem một đoạn phim hoạt hình tưởng chừng vô hại nhưng có những hình ảnh và hành vi bạo lực. Đáng lo ngại là video này lại gắn tên nhân vật hoạt hình nhằm thu hút trẻ em và kiếm tiền từ nền tảng chia sẻ video... Tìm hiểu tôi được biết, đó là video do AI tạo ra, được gợi ý trên ứng dụng YouTube”.
Nhiều phụ huynh khác cũng bày tỏ sự bối rối, lo lắng trước tốc độ phát triển của công nghệ AI và những rủi ro đi kèm đối với con em mình. Họ mong muốn có những công cụ, hướng dẫn cụ thể hơn để bảo vệ con trên không gian mạng. Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC) cho biết: “Việc AI tạo ra nội dung độc hại là một thách thức lớn vì chúng ta đang phải đối mặt với công nghệ có khả năng tự học và thích nghi. Các công cụ phát hiện nội dung độc hại truyền thống khó có thể chống lại AI. Chúng ta cần phát triển AI đối kháng, sử dụng AI để phát hiện và ngăn chặn nội dung độc hại do AI khác tạo ra. Đầu tư mạnh vào việc nghiên cứu và phát triển các công nghệ tiên tiến để nhận diện chính xác các nội dung deepfake...”.
Luật sư Trần Hồng Tình, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đức Trí An cho biết: “Về mặt pháp lý, hành vi tán phát nội dung gây hại cho trẻ em có thể bị xử lý theo quy định tại Luật Trẻ em, Luật An ninh mạng, Bộ luật Hình sự và các văn bản liên quan đến phòng, chống xâm hại trẻ em. Tuy nhiên, với nội dung do AI tạo ra, việc xác định chủ thể vi phạm (người tạo, người tán phát, nền tảng phân phối) rất phức tạp. Về lâu dài, Việt Nam cần sớm ban hành luật về trí tuệ nhân tạo hoặc bổ sung quy định về nội dung số và AI vào các luật hiện hành. Chúng ta cần có quy định pháp luật mới điều chỉnh trách nhiệm của nhà phát triển AI, nền tảng lưu trữ và chia sẻ nội dung. Đồng thời bổ sung công cụ kiểm duyệt tự động, đặc biệt là đối với nội dung hướng đến trẻ em”.
Trong bối cảnh AI phát triển nhanh hơn khung pháp lý, vai trò của gia đình và nhà trường trở nên rất quan trọng. Gia đình là "hàng rào" đầu tiên và quan trọng nhất để bảo vệ trẻ. Cha mẹ không thể phó mặc hoàn toàn cho các ứng dụng kiểm soát hay nhà trường, bởi các nội dung độc hại do AI tạo ra ngày càng tinh vi và có thể vượt qua các bộ lọc kỹ thuật. Phụ huynh cần thường xuyên kiểm tra lịch sử truy cập và thời lượng dùng thiết bị; cài đặt phần mềm kiểm soát nội dung như Google Family Link, YouTube Kids... và hướng dẫn trẻ phân biệt nội dung đáng tin cậy, nội dung xấu, khuyến khích con nói với người lớn khi gặp điều bất thường...
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/bao-ve-tre-em-truoc-mat-trai-cua-ai-836159