Bảo vệ trẻ em trước tác động của ngành công nghiệp thuốc lá

Ngày Thế giới không khói thuốc lá năm nay được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phát động với chủ đề “Bảo vệ trẻ em trước những tác động của ngành công nghiệp thuốc lá”. Đây là hành động kêu gọi mạnh mẽ của WHO nhằm bảo vệ sức khỏe trẻ em.

WHO nhấn mạnh, đây sẽ là diễn đàn để giới trẻ trên toàn thế giới yêu cầu ngành công nghiệp thuốc lá ngừng việc nhắm tới trẻ em, thanh thiếu niên bằng những sản phẩm có hại cho sức khỏe. Đồng thời, kêu gọi lãnh đạo các nước thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHCTL) mạnh mẽ, bảo vệ các em khỏi tác động của việc quảng cáo thuốc lá, tiếp thị qua mạng xã hội và các nền tảng kỹ thuật số.

Thực hiện Chiến lược quốc gia về PCTHCTL đến năm 2030, Công điện số 47 ngày 13-5-2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trên toàn quốc đều triển khai Chiến dịch “Thanh niên Việt Nam nói không với thuốc lá và thuốc lá điện tử”. Theo đó, Trung ương Đoàn đã phát động giải chạy online “Thanh niên Việt Nam vì môi trường không khói thuốc”; Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phát động sáng kiến, hội thi “Gia đình có sức khỏe, không khói thuốc”; Bộ Y tế và WHO tại Việt Nam tổ chức Chiến dịch truyền thông ngăn ngừa thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để bảo vệ trẻ em và sức khỏe cộng đồng…

Hội thi trường học không khói thuốc lá ở TP. Cam Ranh.

Hội thi trường học không khói thuốc lá ở TP. Cam Ranh.

Tất cả những hoạt động trên là những hành động cụ thể nhằm ngăn ngừa, kêu gọi việc giảm sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới trong cộng đồng, đặc biệt đối với thanh thiếu niên là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Chiến dịch cung cấp các thông tin tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, nâng cao nhận thức của người dân, khuyến khích các bậc phụ huynh, nhà trường, gia đình, cộng đồng chung tay bảo vệ thế hệ trẻ, thực thi nghiêm Luật PCTHCTL. Bộ Y tế cũng kêu gọi sự hỗ trợ, cam kết của các cơ quan chức năng trong việc xây dựng thể chế, chính sách cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo các sản phẩm thuốc lá mới; tăng cường thực thi pháp luật, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, tiếp thị các sản phẩm thuốc lá, thuốc lá mới trái phép, đặc biệt là bán cho trẻ vị thành niên.

Theo khảo sát của Bộ Y tế, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh ở nhóm tuổi từ 13 - 17 tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023. Sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đã được WHO, Bộ Y tế chỉ ra là nguyên nhân gây ra gánh nặng bệnh tật và kinh tế không chỉ cho bản thân người sử dụng mà còn cho cả gia đình và toàn xã hội. Tại Việt Nam, theo ước tính sơ bộ của Hội Kinh tế Y tế Việt Nam năm 2022, tổng chi phí liên quan đến khám chữa bệnh, ốm đau và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá là 108.000 tỷ đồng/năm. Theo báo cáo của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), chỉ tính riêng năm 2023, toàn quốc ghi nhận 1.224 trường hợp nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử. Trong đó, nhóm từ 65 tuổi trở lên có 580 ca nhập viện, nhóm từ 45 - 64 tuổi có 377 ca, nhóm từ 25 - 44 tuổi có 138 ca, nhóm từ 19 - 24 tuổi có 58 ca, nhóm từ 16 - 18 tuổi có 44 ca, nhóm dưới 16 tuổi có 27 ca nhập viện.

WHO đã cung cấp nhiều bằng chứng cho thấy, thuốc lá điện tử cũng gây nguy hại cho sức khỏe tương tự như thuốc lá điếu thông thường. Trong thuốc lá điện tử có chứa nicotine là chất gây nghiện, khi trẻ em sử dụng sẽ vật vã, khó chịu. Nicotine làm ảnh hưởng đến hệ hô hấp, tim mạch, gây cơn đau thắt ngực, suy tim, đột quỵ, suy giảm miễn dịch, giảm sức đề kháng, tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư và các vấn đề sức khỏe khác. Đặc biệt, nicotine gây hại cho sự phát triển não bộ ở trẻ em, làm suy yếu trí nhớ, ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ do não bộ của trẻ chưa hoàn thiện. Ngoài ra, thuốc lá điện tử có sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất không phải từ nguyên liệu của lá cây thuốc lá như thuốc lá điếu thông thường. Nguyên liệu phối trộn nhiều thành phần khác nhau nên có thể bị lợi dụng để sử dụng ma túy và các chất gây nghiện khác khó bị phát hiện. WHO cũng lưu ý, không có bằng chứng về việc thuốc lá điện tử sẽ cai nghiện thuốc lá điếu thông thường. Ngược lại, bằng chứng cho thấy, người sử dụng thuốc lá điện tử sẽ tăng nguy cơ sử dụng cùng lúc nhiều loại thuốc lá.

Hiện nay, có ít nhất 39 quốc gia và vùng lãnh thổ quy định cấm hoàn toàn các sản phẩm thuốc lá điện tử. Theo báo cáo của Bộ Công an, từ năm 2020 đến quý I/2024, toàn quốc phát hiện xử lý 728 vụ/883 đối tượng liên quan đến thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Trong đó, khởi tố do phạm tội về ma túy 162 vụ/299 đối tượng, khởi tố về buôn lậu 2 vụ, còn lại là xử lý hành chính về hành vi kinh doanh hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ...

Nguyễn Thị Quế Lâm

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202407/bao-ve-tre-em-truoctac-dong-cua-nganh-cong-nghiep-thuoc-la-1be14c1/