Bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể
Hưng Yên là vùng đất có kho tàng di sản văn hóa phi vật thể đa dạng, phong phú. Để giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung, di sản văn hóa phi vật thể nói riêng, trong những năm qua, tỉnh luôn xác định bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể là trách nhiệm của các cấp, các ngành và cả cộng đồng.
Nghệ thuật hát trống quân của Hưng Yên là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Di sản văn hóa phi vật thể ở tỉnh đa dạng ở nhiều loại hình, từ lễ hội truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian, nghề thủ công truyền thống đến phong tục, tập quán xã hội và tín ngưỡng, tri thức dân gian. Trong số đó, hát trống quân và lễ hội đền Tống Trân đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tỉnh cũng có 1 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện nay có trên 500 lễ hội truyền thống được duy trì, tổ chức thường xuyên, nhiều lễ hội được phục dựng cả về quy mô và tính chất, lưu giữ được những nét văn hóa đặc trưng riêng, gắn liền với sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Nhắc đến lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung (hay còn gọi là lễ hội tình yêu) ở huyện Khoái Châu, người ta nghĩ tới lễ rước nước trên sông Hồng hay các trò chơi dân gian như: Bịt mắt bắt dê, bịt mắt đập niêu, chọi gà, đi cầu kiều… Còn với lễ hội đền Tống Trân ở xã Tống Trân (Phù Cừ) lại mang đặc trưng của một lễ hội tôn vinh sự hiếu học. Ở đó, Nhân dân khắp nơi trong và ngoài tỉnh nô nức về dự hội để tưởng nhớ “Lưỡng quốc Trạng nguyên” Tống Trân, một người con tài danh của quê hương, để được chiêm bái những lễ nghi truyền thống đặc sắc cũng như đắm mình trong các trò chơi truyền thống tại lễ hội, để rồi hun đúc thêm ý chí học hành, xây sáng tương lai.
Hưng Yên cũng là nơi gìn giữ, bảo tồn nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống, nổi bật là nghệ thuật hát trống quân, hát ca trù, hát chèo, hát chầu văn… đã đạt đến trình độ cao trong văn hóa diễn xướng dân gian. Bên cạnh đó, tỉnh cũng lưu giữ hơn 147 làng nghề truyền thống. Các làng nghề: Chạm bạc Huệ Lai, nón lá Mão Cầu, đúc đồng Lộng Thượng, hương xạ Cao Thôn… nức tiếng với những sản phẩm tinh xảo, đạt đến trình độ cao của kỹ thuật làm nghề thủ công. Chả gà Tiểu Quan, ếch om Phượng Tường, thịt gà Đông Tảo, cá mòi, bánh răng bừa, bún thang, tương Bần, chè sen, long nhãn... là những đặc sản đậm hương vị đồng quê mà mỗi khi nhắc đến Hưng Yên, người dân khắp xa gần đều muốn một lần được thưởng thức.
Để bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tích cực, chủ động tham mưu với UBND tỉnh ban hành nhiều đề án, chương trình hành động cụ thể như: Kế hoạch bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể hát ca trù và hát trống quân giai đoạn 2014 – 2020; làm hồ sơ xét tặng nghệ nhân dân gian, nghệ nhân ưu tú và hồ sơ trình cấp có thẩm quyền công nhận các loại hình di sản văn hóa vật thể, phi vật thể; bảo tồn không gian văn hóa làng Nôm, bảo vệ các di sản văn hóa phi vật thể hát ca trù, hát trống quân; kế hoạch kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh… Đồng thời tích cực phối hợp với các ban, ngành, địa phương làm tốt công tác tuyên truyền quy định của Luật Di sản văn hóa và các văn bản pháp luật có liên quan nhằm nâng cao nhận thức, khơi dậy ý thức, trách nhiệm của Nhân dân trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn.
Đồng chí Đỗ Hữu Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Văn hóa phi vật thể là tài sản vô giá của các thế hệ cha ông để lại, có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống văn hóa, lịch sử của quê hương, đất nước. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch luôn chú trọng công tác bảo tồn và giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Để thực hiện tốt hơn công tác này, thời gian tới, ngành tiếp tục triển khai việc điều tra, sưu tầm, nghiên cứu toàn diện các di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh, nhất là những di sản tiêu biểu có nguy cơ bị thất truyền; xây dựng phương án bảo tồn giá trị văn hóa đặc trưng của cộng đồng, không ngừng tái tạo và lưu truyền các di sản văn hóa phi vật thể từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác tại cộng đồng; hạn chế tối đa nguy cơ bị thất truyền, nhất là những di sản là tri thức dân gian do các nghệ nhân nắm giữ nhưng tuổi đã cao; từng bước số hóa xây dựng hệ thống thông tin về di sản văn hóa phi vật thể phục vụ công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng, chính quyền các cấp về tầm quan trọng, giá trị và tiềm năng của di sản văn hóa phi vật thể… Qua đó đáp ứng nhu cầu thưởng thức, sáng tạo văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân.