Bảo vệ và phát triển rừng bền vững

PTĐT - Phú Thọ có tiềm năng phát triển rừng với diện tích đất lâm nghiệp gần 190 nghìn ha, chiếm hơn 55% diện tích đất tự nhiên. Bên cạnh đó có nguồn nhân lực dồi dào, người dân có trình độ, kinh nghiệm trồng rừng thâm canh...

Cán bộ kiểm lâm kiểm tra chất lượng cây giống phục vụ trồng rừng sản xuất.

Cán bộ kiểm lâm kiểm tra chất lượng cây giống phục vụ trồng rừng sản xuất.

PTĐT - Phú Thọ có tiềm năng phát triển rừng với diện tích đất lâm nghiệp gần 190 nghìn ha, chiếm hơn 55% diện tích đất tự nhiên. Bên cạnh đó có nguồn nhân lực dồi dào, người dân có trình độ, kinh nghiệm trồng rừng thâm canh theo hướng tập trung với quy mô lớn. Những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và Ngành nông nghiệp, các địa phương đã khai thác tiềm năng thế mạnh để rừng ngày càng được bảo vệ và phát triển tốt hơn góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân đồng thời đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, để bảo vệ và phát triển rừng bền vững cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Xác định được tiềm năng, lợi thế nên công tác phát triển rừng luôn được tỉnh quan tâm, chú trọng. Đặc biệt, giai đoạn từ 1998-2010, thực hiện Chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng phủ xanh đất trống đồi trọc của Quốc gia rất nhiều diện tích đất trống, đồi trọc đã lấy lại màu xanh. Sau khi kết thúc các chương trình, dự án của Trung ương, tỉnh lại triển khai chương trình trồng rừng hỗ trợ từ ngân sách của địa phương, như: Chương trình hỗ trợ trồng rừng theo Nghị quyết 01/2016/NQ-HĐND; hỗ trợ phát triển rừng theo Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND. Bình quân hàng năm toàn tỉnh trồng được 8.544ha rừng, trong đó trên 98% là rừng sản xuất. Riêng năm 2019, toàn tỉnh trồng mới hơn 10.000ha rừng. Bên cạnh trồng rừng tập trung, chương trình chuyển hóa trồng rừng gỗ lớn bước đầu được triển khai. Hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 2.110ha rừng cây gỗ keo được chuyển hóa. Cùng với việc tập trung nguồn lực từ ngân sách đầu tư cho các chương trình phát triển lâm nghiệp, Phú Thọ cũng tranh thủ kêu gọi, huy động các nguồn vốn hợp pháp khác đầu tư cho lâm nghiệp; điển hình là chương trình an sinh xã hội cam kết trao tặng 30.000ha hạt giống keo tai tượng hạt ngoại trị giá 35 tỷ đồng trong giai đoạn 2020-2025 của Tiến sỹ Nguyễn Đức Hưởng - nguyên Chủ tịch HĐQT ngân hàng Bưu điện Liên Việt. Trong những năm gần đây công tác nghiên cứu, ứng dụng các TBKH công nghệ mới trong sản xuất, lai tạo giống cây trồng lâm nghiệp, trồng, chăm sóc rừng, quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) được tăng cường, kết hợp với đẩy mạnh thâm canh năng suất, chất lượng rừng. Do đó, việc trồng rừng không chỉ tăng về diện tích mà chất lượng rừng trồng được nâng lên rõ rệt. Đời sống của người dân khu vực có rừng và đất lâm nghiệp được nâng lên đáng kể.
Gia đình anh Hà Văn Phú ở xã Thu Ngạc, huyện Tân Sơn đã đầu tư trồng, chăm sóc và bảo vệ có hiệu quả hơn 70ha đất đồi rừng hiện có của gia đình. Hầu hết diện tích đất rừng của gia đình anh Phú đều trồng cây keo tai tượng hạt ngoại, toàn bộ nhân công trong gia đình được tập trung vào việc trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Hằng năm diện tích rừng của gia đình đến tuổi cho khai thác khoảng 10ha. Cùng với đó anh cũng đầu tư các phương tiện để mở đường vận xuất, vận chuyển gỗ từ lô rừng và chở bán cho đầu mối thu mua giúp tăng doanh thu và tiết giảm được chi phí. Anh Phú chia sẻ: “Nhờ trồng rừng bình quân mỗi năm doanh thu của gia đình có hơn một tỷ đồng; sau khi trừ hết các chi phí, lợi nhuận thu được từ 500-600 triệu đồng. Cũng từ nguồn thu ổn định đó gia đình đã xây cất được căn nhà hai tầng khang trang đẹp nhất trong khu và đầu tư vốn cho các con kinh doanh, học nghề nhằm đảm bảo cuộc sống ổn định”.

Cùng với trồng rừng, công tác quản lý tài nguyên rừng, bảo vệ rừng được đặc biệt chú trọng. Hàng năm, tỉnh đều chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 12/2003/CT-TTg và Chỉ thị số 08/2006/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ “Về tăng cường các biện pháp cấp bách nhằm bảo vệ và phát triển rừng, ngăn chặn tình trạng chặt, phá rừng, đốt rừng làm nương rẫy trái phép”; Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng”. Thường xuyên củng cố, kiện toàn Ban chỉ huy các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và PCCCR từ tỉnh xuống xã. Hàng năm đều xây dựng văn bản, chỉ thị về tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng, PCCCR trong mùa khô hanh. Bên cạnh đó còn chỉ đạo tổ chức các cuộc diễn tập chữa cháy rừng quy mô cấp huyện, cấp xã nhằm tuyên truyền sâu rộng ý thức bảo vệ rừng, PCCCR cho người dân. Do làm tốt công tác bảo vệ rừng và PCCCR nên trên địa bàn ít có vụ việc nổi cộm; các vụ cháy rừng, phá rừng có xảy ra nhỏ lẻ nhưng phần lớn đều được kịp thời ngăn chặn và xử lý, mức độ thiệt hại không lớn. Cùng với đó công tác thừa hành pháp luật về rừng được thực hiện nghiêm túc. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho UBND tỉnh, Ban chỉ đạo thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện, thành, thị, các cơ quan chức năng tăng cường thực hiện kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm trong công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng. Tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng giảm dần.

Tuy nhiên, việc bảo vệ và phát triển rừng vẫn còn những tồn tại hạn chế: Năng suất, chất lượng rừng tăng nhưng chưa tương xứng với tiềm năng; việc đầu tư thâm canh rừng còn hạn chế. Cơ cấu loài cây trồng vẫn chủ yếu là keo tai tượng, keo lai, bạch đàn, bồ đề, mỡ... trồng thuần loài nên sâu bệnh hại rừng xảy ra ở một số nơi. Hiện nay, tỉnh đã có chính sách hỗ trợ cho chuyển hóa rừng gỗ nhỏ thành rừng gỗ lớn, bắt đầu thực hiện từ năm 2020 nên chưa thúc đẩy được chuỗi giá trị sản xuất trong lâm nghiệp từ khâu trồng, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm có chất lượng cao như ván ghép thanh, đồ mộc gia dụng phục vụ xuất khẩu… Công tác phối hợp giữa chính quyền một số địa phương với các sở, ngành chức năng trong việc quản lý bảo vệ rừng và thực thi pháp luật về rừng còn thiếu chặt chẽ, tình trạng vi phạm lâm luật, cháy rừng vẫn xảy ra. Đồng chí Đỗ Ngọc Đoàn- Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết: “Để bảo vệ và phát triển bền vững, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng. Thực hiện tốt công tác quản lý đất đai tạo cơ hội nhiều thành phần tham gia phát triển vốn rừng; phát triển lâm nghiệp theo đúng định hướng quy hoạch bảo vệ và phát triển ba loại rừng đã được phê duyệt. Quy hoạch phát triển tối đa diện tích rừng kinh tế; tập trung có chọn lọc loại cây đa mục tiêu, hiệu quả kinh tế cao phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và tiểu vùng khí hậu trên địa bàn. Tiếp tục thực hiện trồng và chuyển hóa cây gỗ lớn, tăng cường trồng cây bản địa, dược liệu dưới tán rừng; nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm gỗ qua chế biến. Đối với rừng đặc dụng, phòng hộ bảo vệ diện tích hiện có nghiêm ngặt, không để tàn phá. Gắn bảo vệ và phát triển rừng với triển khai đồng bộ các chính sách xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân. Có giải pháp bảo tồn nguồn gen và tính đa dạng sinh học của rừng, trồng các loài cây bản địa, cây dược liệu dưới tán rừng phòng hộ gắn với khai thác phát triển du lịch sinh thái, bảo vệ môi trường”.

Trịnh Hà

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/201912/bao-ve-va-phat-trien-rung-ben-vung-168454