BÁO XUÂN 2025: Người 'giữ sóng' truyền thanh cơ sở

Tâm huyết và miệt mài cùng những tin, bài tự biên soạn được phát sóng, anh Nguyễn Hữu Hùng - phụ trách Đài Truyền thanh xã Gia Viễn (huyện Đạ Huoai) vẫn luôn gắn bó, âm thầm, bền bỉ trực tiếp vận hành hệ thống máy móc với phương châm 3 tốt: Tuyên truyền tốt, nội dung tốt và quản lý tốt.

Anh Hùng trau dồi kiến thức mỗi ngày

Anh Hùng trau dồi kiến thức mỗi ngày

“CẦU NỐI” GIỮA ĐẢNG VÀ NHÂN DÂN

Đảm nhận vai trò là phụ trách Đài Truyền thanh xã Gia Viễn từ năm 2019, anh Hùng vẫn nhớ như in mỗi khi nghĩ về những ngày đầu đảm đương công việc khác hoàn toàn với ngành theo học trước đó.

Luôn trong tâm thế là thế hệ sau, anh Hùng tỏ rõ sự ham học, khiêm tốn với tuổi nghề còn non trẻ. Suốt thời gian dài, anh không ngừng cố gắng, trau dồi kiến thức cho bản thân và phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương làm tròn vai trò là người cán bộ phụ trách đài truyền thanh cơ sở.

“Ngày mới bước vào nghề, vì chưa được học tập, đào tạo qua trường lớp về công tác truyền thanh, kỹ thuật sửa chữa máy móc khi hư hỏng, viết tin, bài ra sao nên tôi còn nhiều bỡ ngỡ... Khi mới nhận công việc này, tôi rất lo lắng nhưng nhờ được tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ, cùng với việc tự nghiên cứu tài liệu, cách truyền tải thông tin, dần dần, tôi cũng quen với công việc”, anh Hùng tâm sự.

Trong suốt hành trình làm nghề, anh Hùng giữ riêng cho mình những câu chuyện riêng, để khi ngồi lại có thể tâm tình, chia sẻ. Ngược dòng ký ức, anh nhớ lại quãng thời gian toàn tỉnh Lâm Đồng đang phải “gồng mình” để phòng, chống dịch COVID-19. “Khi ấy, loa kẹo kéo trở thành người bạn đồng hành trên mọi nẻo đường liên thôn, liên xã. Lúc đó, mỗi một người dân, mỗi một cán bộ là một “chiến sĩ”, ai cũng được phân công, giao nhiệm vụ cụ thể. Riêng bản thân tôi có trách nhiệm cập nhật các văn bản, cách phòng, chống dịch bệnh... hằng ngày, hằng giờ để kịp thời truyền tải đến người dân. Từ sáng đến tối muộn, trên chiếc xe gắn máy, chiếc loa kẹo kéo cùng tôi vào từng lối nhỏ để thực hiện nhiệm vụ”, anh Hùng nhớ lại.

Hay những ngày cận kề Tết Nguyên đán, Đài Truyền thanh xã chủ động xây dựng chương trình tuyên truyền như các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, vui Tết, đón xuân, lễ hội trên địa bàn, hướng dẫn người dân đón Tết an toàn, phòng, chống dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, không sử dụng pháo... Các chương trình có thời lượng từ 15-20 phút được ghi âm sẵn để đến giờ phát sóng, anh Hùng chủ động mở chương trình tuyên truyền.

Là một trong những thính giả với Đài Truyền thanh xã, ông Lê Xuân Bình - thôn Liên Phương, xã Gia Viễn cho hay: “Mặc dù có nhiều phương tiện truyền thông hiện đại nhưng với tôi, thông tin trên Đài Truyền thanh xã vẫn luôn là “món ăn tinh thần” của cả gia đình. Gia Viễn là xã vùng xa của Lâm Đồng nên để nắm bắt thông tin, ngoài mấy đứa trẻ sành sõi dùng điện thoại thông minh thì Đài Truyền thanh lại gần gũi, giúp ích cho những người lớn tuổi như tôi. Các thông tin được cập nhật thường xuyên, ngày nào cũng thế nên thành quen. Ví dụ một ngày chú Hùng bận công việc, mở loa muộn một chút là mọi người cũng đã hỏi thăm, gọi điện hỏi chú rồi”.

Loa kẹo kéo trở thành người bạn đồng hành cùng anh Hùng đi đến từng lối nhỏ các thôn để truyền tải thông tin một cách rõ và nhanh nhất

Loa kẹo kéo trở thành người bạn đồng hành cùng anh Hùng đi đến từng lối nhỏ các thôn để truyền tải thông tin một cách rõ và nhanh nhất

TÍCH LŨY DẦN QUA MỖI NGÀY

Theo lịch phát sóng, đều đặn vào tất cả các ngày trong tuần, tại các khung giờ từ 5h30 đến 6h30 sáng, chiều từ 17h30 đến 18h30, trên khắp nẻo đường thôn quê Gia Viễn, tiếng nhạc hiệu của chương trình phát thanh quen thuộc lại vang lên. Với anh Hùng, niềm vui mỗi ngày chính là được người dân lắng nghe và yêu mến chương trình phát thanh của mình.

Vừa thành thạo trong từng động tác điều chỉnh âm thanh, anh Hùng vừa bảo rằng, những người làm công tác truyền thanh cơ sở như anh là cán bộ bán chuyên trách chỉ có chế độ trợ cấp với hệ số 1,5 nên ít ai mặn mà và gắn bó lâu dài. Bên cạnh đó, hiện địa phương đang phải sử dụng hệ thống truyền thanh tần số FM nên hằng ngày phải căn thời gian chính xác để đi tới phòng máy tại trung tâm UBND xã phát sóng. Mặt khác, do đặc thù là địa bàn xa, một số thôn bà con sống thưa thớt, sống ở vùng sâu nên phần lớn phải sử dụng loa kẹo kéo để đảm bảo việc thu và phát sóng thường xuyên, tránh bị gián đoạn công tác truyền tải thông tin đến với thính giả.

“Với tôi, trực phát thanh là công việc thầm lặng, mở đài khi người dân chưa thức giấc, tắt đài khi nhà nhà đang quây quần bên mâm cơm gia đình. Thời gian cứ trôi, tiếng loa truyền thanh vẫn vang vọng và trở thành "người bạn" thân thiết, đồng hành của mọi người, mọi nhà”, anh Hùng bộc bạch.

TRỞ THÀNH GƯƠNG TIÊU BIỂU TOÀN QUỐC

Hiện, toàn xã có 35 cụm loa với 75 loa phóng thanh ở các khu dân cư trên địa bàn Gia Viễn nhằm cung cấp thông tin quan trọng liên quan đến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những quyết sách của huyện hay công điện khẩn về phòng, chống lụt bão, thông báo phòng trừ sâu bệnh, thông tin về dân số, kế hoạch hóa gia đình...

Theo thời gian, trang thiết bị của Đài Truyền thanh xã được đầu tư, nâng cấp phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Để làm mới và phong phú nội dung, anh Hùng xây dựng thêm các chương trình do chính bản thân tự thu thập, biên soạn và phát sóng.Trở thành “tài sản” quý giá trong quãng thời gian 6 năm gắn bó với nghề Truyền thanh của anh, trung bình mỗi tháng có 3 chương trình phát thanh do anh sản xuất được phát trên Đài Truyền thanh xã với các nội dung tin bài về hoạt động của Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Gia Viễn; công tác phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống của các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương; các gương người tốt, việc tốt... Mỗi bài phát sóng có thời lượng từ 10 đến 20 phút được phát sóng đều đặn vào tất cả các ngày trong tuần vào khung giờ đã định.

Đối với vai trò là thành viên Ban Biên tập của Trang thông tin điện tử xã Gia Viễn, anh Hùng tích cực phối hợp với các thành viên khác để thu thập thông tin, xây dựng các tin, bài làm phong phú nội dung. Ngoài xây dựng các thông tin xoay quanh công tác chỉ đạo, triển khai của cấp trên, anh biên soạn các tin, bài, các hoạt động sản xuất như lịch xuống giống theo mùa vụ, công tác phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng, vật nuôi, các mô hình sản xuất hiệu quả cao ở địa phương, gương người tốt, việc tốt trên các lĩnh vực... Trung bình mỗi tháng có ít nhất 2 tin, bài do anh tự viết, biên soạn và được đăng tải.

Ông Vương Tôn Kiên - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Những người làm truyền thanh cơ sở là lực lượng truyền thông đặc biệt. Đây là hệ thống truyền thông tiếp cận trực tiếp đến người dân, góp phần lan tỏa năng lượng tích cực, tạo sự đồng thuận giữa chính quyền và Nhân dân. Hiện, toàn tỉnh Lâm Đồng có 131 cán bộ phụ trách 126/137 Đài truyền thanh cơ sở cấp xã, thị trấn. Vừa qua, tại hội nghị lần đầu tiên do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức nhằm biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc trong hoạt động thông tin cơ sở năm 2024, trong số 58 tập thể và 62 cá nhân cả nước, tỉnh Lâm Đồng vinh dự có 2 điển hình tiên tiến được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông là tập thể Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Lâm Hà và cá nhân anh Nguyễn Hữu Hùng - phụ trách Đài Truyền thanh xã Gia Viễn, huyện Cát Tiên cũ (nay là huyện Đạ Huoai)”.

Vẫn luôn say mê với nghề dù chế độ phụ cấp còn hạn chế, nhưng trong họ - những người cán bộ phụ trách Đài truyền thanh cơ sở như anh Hùng vẫn dành một tình yêu bền chặt, trách nhiệm, họ là “sứ giả đặc biệt” giữa cấp ủy chính quyền và người dân thông qua việc truyền tải các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

THÂN THU HIỀN

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/doi-song/202502/bao-xuan-2025-nguoi-giu-song-truyen-thanh-co-so-d0344d7/