Hà Nội mới hướng đến nông nghiệp 'thuận thiên'

Bước sang năm 2025, cột mốc quan trọng trong Kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, ngành nông nghiệp Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản...

Trồng hoa lan theo công nghệ cao tại xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Trồng hoa lan theo công nghệ cao tại xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Ngành nông nghiệp Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, phấn đấu hoàn thành cao nhất mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII đặt ra cho giai đoạn 2021 - 2025.

Bước tiến toàn diện

Trong những năm qua, ngành NN&PTNT Hà Nội tiếp tục có sự trưởng thành và phát triển vượt bậc. Tái cơ cấu nông nghiệp ngày càng đi vào chiều sâu, trên tất cả các lĩnh vực, gắn với phát triển kinh tế nông thôn. Việc áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật về giống, kỹ thuật canh tác, cơ giới hóa và công nghệ 4.0 trong sản xuất nôngnghiệp đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị canh tác, tăng thu nhập cho người dân.

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, từ chỗ giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2008 chỉ đạt hơn 7.000 tỷ đồng thì đến nay, con số này đã đạt trên 59.000 tỷ đồng, cao hơn 8 lần so với năm 2008, đưa Hà Nội đứng trong top đầu so với các tỉnh, TP Vùng đồng bằng sông Hồng.

Thiết nghĩ bộ mặt quốc gia ở Thủ đô thì bộ mặt của nông nghiệp Việt Nam cũng phải ở Hà Nội. Thực tế, TP có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp nhưng hiện tại đang bị tách rời; do đó cần có tư duy mở để kiến tạo không gian phát triển lớn hơn. Bên cạnh đó, chúng ta đang sống trong nền nông nghiệp dựa trên AI, Big Data… Chúng tôi mong muốn Hà Nội sẽ là địa phương tiên phong của cả nước trong phát triển thành nền nông nghiệp tri thức…

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan

Đến nay, Hà Nội đã hình thành được gần 400 vùng sản xuất chuyên canh tập trung; xây dựng được 159 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản an toàn. Hiện TP cũng đã phát triển được 406 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm 46% tổng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp.

Sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội ngày càng khẳng định thương hiệu, gia tăng về giá trị, chinh phục được người tiêu dùng trong và ngoài nước. Giá trị sản xuất làng nghề đạt khoảng 22.000 tỷ đồng/năm. Nông sản, sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Hà Nội đã được xuất khẩu đến hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Đặc biệt, trong hơn 10 năm qua, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của Thủ tướng Chính phủ đã được Hà Nội phát động, triển khai sâu rộng và gặt hái được nhiều kết quả ấn tượng. TP liên tục duy trì vị thế “lá cờ đầu” của cả nước trong xây dựng nông thôn mới, được T.Ư đánh giá cao.

Theo Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Ngọ Văn Ngôn, đến nay, 18/18 huyện, thị xã trên địa bàn TP đã được Thủ tướng chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Các chỉ tiêu về xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu đều đã hoàn thành trước 1 năm mục tiêu Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII. Cấp ủy, chính quyền Hà Nội đang phấn đấu đạt mục tiêu “Thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới” trong năm 2025.

Nhờ sự quan tâm, đầu tư lớn của T.Ư và Hà Nội, giữa khu vực ngoại thành với trung tâm TP ngày càng thu hẹp khoảng cách về đời sống vật chất và tinh thần. Đa số hộ gia đình có nhà ở kiên cố, khang trang.

Cùng với các chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới, đời sống của người dân khu vực ngoại thành Hà Nội trong những năm qua cũng không ngừng được cải thiện và nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người dân khu vực nông thôn đã tăng từ 8,2 triệu đồng/người/năm (năm 2008) lên khoảng 74 triệu đồng/người/năm vào cuối năm 2024. Đến nay, Hà Nội đã cơ bản không còn hộ nghèo.

Nền tảng văn hóa truyền thống của các vùng quê được bảo tồn, gìn giữ, phát huy. Các phong trào thi đua sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn được triển khai sâu rộng, thu hút sự tham gia của đông đảo các tầng lớp Nhân dân, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, đưa nông thôn trở thành những miền quê đáng sống. Qua đó, tiếp tục khẳng định vai trò chủ thể của Nhân dân trong xây dựng nông thôn mới.

Để nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ

Năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII. Đây là cột mốc quan trọng, khi Hà Nội và cả nước bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Điều này đòi hỏi ngành nông nghiệp Thủ đô cần xây dựng định hướng phát triển để thích ứng với mọi thay đổi.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, cùng với sự lớn mạnh của nền nông nghiệp cả nước, ngành NN&PTNT Thủ đô ngày càng phát triển, không chỉ đáp ứng nhiệm vụ trong đấu tranh giải phóng dân tộc mà còn ghi dấu qua từng thời kỳ đổi mới của đất nước.

“Trong Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, ngành NN&PTNT Hà Nội hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn toàn diện; xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh” - ông Nguyễn Xuân Đại nhấn mạnh.

Ngành nông nghiệp Hà Nội sẽ chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; phát triển nền nông nghiệp đa giá trị, nông nghiệp xanh và kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển công nghiệp chế biến và chuỗi giá trị nông sản toàn cầu; nông nghiệp sinh thái gắn với phát triển đô thị, dịch vụ, du lịch nông thôn, giáo dục trải nghiệm...

Phát triển nông thôn toàn diện, hiện đại gắn với quá trình đô thị hóa, có cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội đồng bộ và tiệm cận với khu vực đô thị; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng nông thôn trở thành những miền quê nơi đáng sống, nơi người người, nhà nhà đều mong muốn và khát khao được trở về.

Khẳng định trong giai đoạn vừa qua, nông nghiệp Thủ đô đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đóng góp chung vào sự phát triển của Thủ đô, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền đồng thời nhấn mạnh trong giai đoạn tới, Hà Nội đặt ra yêu cầu phát triển nông nghiệp phải khác biệt so với các địa phương khác.

Hà Nội đã xác định và sẽ tập trung các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng “thuận thiên”, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp đa mục tiêu, mang lại giá trị cao nhất cho người dân; phấn đấu để nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ, điểm tựa vững chắc cho phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội của Thủ đô, để cùng cả nước phát huy lợi thế, bước vào Kỷ nguyên mới.

Lâm Nguyễn

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-moi-huong-den-nong-nghiep-thuan-thien.html